Với một mối quan hệ có ý nghĩa, quan trọng, bạn đừng bao giờ quên những câu nói có sức mạnh gắn kết mà không gì thay thế được. Đó là “Bố/mẹ yêu con. Bố/mẹ đang nghe con đây. Hãy tha thứ cho bố/mẹ nhé”. Câu tha thứ, xin lỗi quả thực không dễ dàng khi nói ra với một đứa trẻ nhưng một khi bạn thay đổi góc nhìn và hiểu đó là câu nói hàn gắn, kết nối mạnh mẽ, bạn sẽ dễ nói ra hơn.
Hầu hết phụ huynh mong muốn con xin lỗi người lớn, con xin lỗi anh chị em trong nhà, con xin lỗi bạn. Nhưng chính những phụ huynh ấy lại từ chối xin lỗi con. Hầu hết lý do đưa ra là không muốn hình ảnh mình bị “hạ giá” trước mắt con. Bạn có biết trẻ học gì từ lời xin lỗi của người lớn?
Bạn thử nghĩ đến lần gần nhất mình được ai đó xin lỗi. Có phải cảm giác của bạn lúc đó là cảm thấy mình được tôn trọng và mình cũng tôn trọng thái độ người xin lỗi bạn không? Trẻ con cũng thế. Bạn làm điều gì đó sai thì chắc chắn đó là điều sai. Bạn xin lỗi thì con mới tôn trọng bạn thật sự chứ không phải chỉ là sự nể sợ.
Người lớn thường làm trẻ hiểu sai tác dụng của lời xin lỗi
Người lớn rất ngại nói ra lời xin lỗi một đứa trẻ nhưng nếu muốn con phát triển tâm lý tốt hơn, có suy nghĩ đúng đắn hơn, bạn nên học cách xin lỗi con một cách chân thành. Vì nếu bạn luôn trốn tránh nói lời xin lỗi, trẻ sẽ tự hiểu rằng:
Xin lỗi nghĩa làm mình phải làm điều gì đó rất tệ hay mình rất xấu. Đi kèm đó là nỗi xấu hổ.
Việc khiến ai buồn hay tổn thương là điều bình thường thôi và người gây lỗi không nhất thiết phải biết, cũng chẳng cần nỗ lực cải thiện tình hình.
Khi xin lỗi là mất địa vị của mình
Trẻ thường bị bắt phải xin lỗi anh chị em, bạn bè nhưng nếu không bị bắt buộc, trẻ sẽ không xin lỗi vì người lớn không bị thúc ép thì người lớn cũng đâu cầu xin lỗi.
Trẻ học gì từ lời xin lỗi của người lớn?
Chúng ta thỉnh thoảng làm lỗi và chúng ta cố gắng làm mọi thứ tốt hơn để cải thiện tình hình.
Ai cũng có lúc làm người khác buồn. Biết được mình làm người khác buồn và nói xin lỗi là điều quan trọng nếu bạn trân trọng mối quan hệ ấy.
Khi bạn xin lỗi, người kia sẽ cảm thấy dễ chịu hơn khi nghĩ đến bạn.
Một số người lớn thì đồng ý xin lỗi trẻ nhưng chỉ khi họ cảm thấy sẵn sàng. Nhưng thường thì khi họ thấy sẵn sàng thì chuyện đã nguội và họ cũng không nghĩ đến việc cần phải xin lỗi.
Khi nào bạn cần xin lỗi trẻ và bạn nên nói gì?
Xin lỗi một cách dễ dàng và thường xuyên
Bất cứ khi nào bạn làm trái với điều bạn đã dạy trẻ thì bạn cần xin lỗi. Bắt đầu với từ “Ôi”, “Ây da” để xoa dịu tình hình ngay tại lúc đó, sau đó bạn dễ nói xin lỗi con hơn. “Ây da, mẹ xin lỗi làm gián đoạn con”. Khi lời xin lỗi của người lớn được nói ra đúng lúc, kịp thời, trẻ sẽ tự động hiểu khi nào mình cần xin lỗi mà không đợi nhắc, thúc ép.
Nếu điều con thấy quan trọng nhưng bạn thì không thì cũng nên nhìn nhận suy nghĩ của con
Tình huống có thể là: “Bố/mẹ đã hứa sẽ mua cho con quyển sách mới nhưng bố/mẹ quên mất rồi. Bố/mẹ xin lỗi con. Con đã rất mong đợi có quyển sách ấy phải không?”
Mô tả chuyện đã xảy ra
Đôi khi bạn có cử chỉ, thái độ không phù hợp với con thì lời xin lỗi thôi cũng chưa đủ. Trẻ học gì từ lời xin lỗi của người lớn? Hãy cho con hình dung được chuyện đã xảy ra, chỉ cho con thấy điều gì không ổn.
“Cả hai chúng ta đều buồn phải không con? Con đã hét rất lớn với mẹ. Và mẹ quát mắng con. Con khóc nhiều và mẹ xin lỗi đã làm con sợ. Mẹ rất buồn nhưng mẹ biết mẹ phải điều chỉnh lại cảm xúc của mẹ. La hét không giải quyết được chuyện gì với người mình yêu thương cả”.
Trong tình huống này, bạn đã phản ứng nóng giận không phù hợp dù bản thân bạn không thể ngăn được nên đây cũng là cơ hội bạn cho con thấy thực tế, có trải nghiệm và cùng rút ra bài học với con.
Không đổ lỗi cho con
Cũng trong tình huống trên, nguyên nhân người mẹ phản ứng mạnh là vì con la hét với mình. Tuy nhiên, bạn chỉ nên cho con hiểu không nên la hét với người khác khi mình không thoải mái. Đừng cố gắng nhắc với con đó là lỗi của con trước. Người lớn mới là người cần cố gắng kiềm chế cảm xúc hơn nếu chúng ta muốn dạy con về sự kiềm chế.
Tuệ An
Cũng không biện hộ cho mình
Xin lỗi đi cùng lời nhận sai. Giải thích cảm xúc là điều cần thiết nhưng bạn đừng lấy nhiều lý do biện hộ cho mình vì như thế vô tình bạn khiến trẻ hiểu khi mình có lý do, mình có quyền làm sai với người khác.
Cùng con tìm cách cải thiện tình hình
Lời xin lỗi là quan trọng nhưng cải thiện tình hình cũng quan trọng không kém vì như thế, trẻ mới hiểu được bạn mong muốn thay đổi sau hành vi, lời nói không phù hợp của mình.
Chờ sự tha thứ của con
Sau tất cả nỗ lực, bạn cần con xác nhận đã tha thứ chưa vì nếu con vẫn còn ấm ức, con sẽ mang ấm ức đó đi theo suốt quá trình lớn lên mà chính bản thân con cũng không biết. Nếu từ trong vô thức của con có quá nhiều “vết thương” như thế, con sẽ luôn cảm thấy bất an.
Lời muốn nói
Không xấu hổ, không đổ lỗi. Đó là điều quan trọng nhất khi bạn phân vân có nên xin lỗi con hay không. Thay vào đó, hãy xin lỗi đúng lúc và mục tiêu quan trọng nhất là hướng mọi chuyện trở nên tốt đẹp hơn. Phải dũng cảm lắm bố mẹ mới nhận mình sai, mong con tha thứ nhưng bù lại, phụ huynh ấy sẽ giúp con mình phát triển thành đứa trẻ có tâm lý khỏe mạnh. Đó là những đứa trẻ biết giá trị của những mối quan hệ và biết cách nhận trách nhiệm.
Link nguồn: https://vandieuhay.org/tre-hoc-duoc-gi-tu-loi-xin-loi-cua-nguoi-lon.html