“Ăn chất béo gây béo” đã trở thành một lời khuyên phổ biến cho việc ăn kiêng trong vài thập kỷ qua. Nhưng ngày càng có nhiều nghiên cứu cho thấy cách nghĩ đó là một sai lầm nguy hiểm.
“Có một điều mà chúng tôi biết về chất béo: nó không làm tăng cân. Ngược lại nó thậm chí có thể giúp chúng ta giảm cân một chút.” – Giáo sư khoa nhi Aaron Carroll, Đại học Y Indiana (Mỹ)
Bằng chứng được thể hiện khi người ta so sánh những người có chế độ ăn ít béo, nhiều carbohydrate (tinh bột, đường, fructose) và những người có chế độ ăn nhiều chất béo, ít carbohydrate. Hết lần này tới lần khác, các nghiên cứu đã cho thấy những người ăn ít chất béo không hề giảm cân hay có được những lợi ích sức khỏe nào khác. Ngược lại, những người có chế độ ăn nhiều chất béo, ít carbohydrate tinh chế như trong bánh mỳ trắng hay gạo thì có xu hướng giảm cân mạnh hơn và có cả những lợi ích sức khỏe khác nữa.
Đối với các bác sĩ và chuyên gia về ăn kiêng mà nói, phát hiện này cho thấy thủ phạm gây tăng cân thực sự không phải là chất béo mà là do thừa đường và carbohydrate tinh chế – vốn rất dễ được cơ thể phân tích thành đường.
Chế độ ăn ít mỡ không làm người ta gầy đi
Trong một nghiên cứu trên diện rộng đã được đăng trên tạp chí The Lancet, các chuyên gia đã so sánh hơn 135.000 người, chia làm hai nhóm, một nhóm ăn ít béo và nhóm kia ăn ít carbohydrate trong 18 nước. Các nhà nghiên cứu thấy rằng chế độ ăn ít chất béo có liên quan đến tử vong với nhiều nguyên nhân và thấy nguy cơ đau tim và bệnh tim cao. Những người theo chế độ ăn ít carbohydrate thì ngược lại, có rủi ro về các phương diện trên thấp hơn nhiều. Do vậy các chuyên gia này viết trong bài báo khoa học của mình rằng: “Với những phát hiện này, các hướng dẫn ăn kiêng trên thế giới cần phải được sửa đổi lại.”
Một số nghiên cứu khác gần đây về chế độ ăn ít chất béo cũng cho thấy những kết quả tương tự. Một nghiên cứu kéo dài 8 năm với gần 50.000 phụ nữ, trong đó hơn một nửa ăn theo chế độ ăn ít béo, nhưng thấy rằng ở họ nguy cơ bị ung thư vú, ung thư trực tràng không giảm chút nào. Thêm nữa, họ không giảm cân là mấy.
“Tóm lại là gì? Những bằng chứng ủng hộ chế độ ăn ít chất béo là rất yếu, trong khi bằng chứng về lợi ích của một số chất béo lại đang tăng lên,” giáo sư Carroll viết.
Cơ thể cần chất béo để hoạt động
Chất béo có vai trò then chốt trong việc đông máu và cử động cơ bắp. Nó là một thành phần cần thiết để tạo màng tế bào, và lớp vỏ bảo vệ xung quanh các dây thần kinh. Và còn nữa, nó giúp hấp thụ vitamin và chất khoáng từ các thức ăn mà chúng ta tiêu thụ.
Khi không ăn chất béo, chúng ta có xu hướng ăn nhiều carbohydrate tinh chế và đường hơn, mà hai cái này có liên quan chặt chẽ với tăng cân và béo phì.
Trong một bản đánh giá 50 nghiên cứu về ăn kiêng và tăng cân đăng trên tạp chí Nghiên cứu Thức ăn và Dinh dưỡng, trung bình nếu người ta càng ăn nhiều ngũ cốc tinh chế (ví dụ như bánh mì trắng hay gạo trắng), họ càng có xu hướng tăng cân. Ngược lại, nếu người ta càng ăn nhiều thức ăn chế biến thô (như gạo lức, bánh mì nguyên hạt), thì họ càng có xu hướng tăng cân ít hơn.
“Chúng ta rất dễ thừa đường nếu dùng nhiều đồ uống, carbohydrate tinh chế, thức ăn được chế biến quá cẩn thận hoặc có nhiều đường,” theo Cara Anselmo, chuyên gia dinh dưỡng tại Trung tâm Ung thư Memorial Sloan-Kettering, New York trong một lần phỏng vấn với Business Insider.
Hãy ăn nhiều cá, bơ, và quả hạch.
Một số chất béo có thể tốt cho sức khỏe hơn những chất béo khác. Trong một nghiên cứu gần đây đăng trên tạp chí của Hiệp hội Y khoa Hoa Kỳ, các chuyên gia đã thử cho người ta đổi một lượng nhỏ chất béo bão hòa (thường thấy trong thịt và sữa) và thay bằng các chất béo không bão hòa trong khẩu phần ăn. Kết quả cho thấy, có vẻ như lợi ích là rất nhiều, bao gồm giảm nguy cơ tử vong, giảm bệnh tim và một số bệnh thoái hóa thần kinh.
Ông Frank B. Hu, Giáo sư dinh dưỡng của Harvard đã trả lời New York Times: “Không phải loại chất béo nào cũng như nhau, chất béo từ cá, quả bơ thường tốt hơn chất béo từ các loài động vật khác.”
Theo một blog về sức khỏe do Trường Y Harvard quản lý, thức ăn chứa các chất béo tốt cho sức khỏe gồm có: các loại hạt, cá, dầu ô lưu – chúng được gọi là các chất béo chưa bão hòa.
Các chất béo chuyển hóa (trans fat) thường thấy trong đồ ăn chế biến sẵn là không tốt cho sức khỏe. Còn các chất béo bão hòa thì rơi vào đâu đó “giữa hai loại trên“
Tóm lại, thông điệp mà chúng ta có thể rút ra là: Ăn chất béo không làm bạn béo, nhưng bạn sẽ béo lên nếu ăn quá nhiều đường.
Theo Buisness Insider
Thành Đô
Link nguồn: https://trithucvn.org/suc-khoe/an-chat-beo-khong-lam-ban-tang-can-ma-duong-moi-la-thu-pham.html