Đúng với “quy trình,” chiều 21 Tháng Mười (giờ Việt Nam), Quốc Hội CSVN đã bỏ phiếu “nhất trí” 100% bầu Đại Tướng Lương Cường, 67 tuổi, thường trực Ban Bí Thư, cựu chủ nhiệm Tổng Cục Chính Trị Quân Đội Việt Nam, quê Việt Trì, tỉnh Phú Thọ, làm chủ tịch nước nhiệm kỳ 2021-2026.
Tân Chủ Tịch Nước Lương Cường là người kế nhiệm chức vụ này từ ông Tô Lâm, tổng bí thư.
Điều này đồng nghĩa với việc ông Tô Lâm bị “cưa” mất một ghế, và chỉ còn lại ghế tổng bí thư đảng sau khi làm chủ tịch nước vỏn vẹn năm tháng.
Các báo ở Việt Nam cho hay trong bài phát biểu tuyên thệ sau đó, ông Lương Cường hứa “tuyệt đối trung thành với tổ quốc, nhân dân và Hiến Pháp nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, nỗ lực phấn đấu, hoàn thành tốt nhiệm vụ được đảng, nhà nước và nhân dân giao phó.
Trước khi ông Lương Cường chính thức trở thành chủ tịch nước, hôm 11 Tháng Mười, mạng xã hội dấy lên bàn tán khi ông Lương Cường bất ngờ qua Bắc Kinh gặp ông Tập Cận Bình, chủ tịch Trung Quốc.
Một số ý kiến cho rằng ông Cường thăm Trung Quốc để cậy nhờ ông Tập “chuẩn thuận” ghế chủ tịch nước Việt Nam cho mình.
Từ vài tháng nay, trên mạng xã hội có nhiều ý kiến cho rằng ông Lương Cường là ứng viên sáng giá cho ghế chủ tịch nước, đại diện cho phe quân đội để “cân bằng quyền lực” trong hàng “tứ trụ” với phe công an của ông Tô Lâm.
Ba ngày trước phiên họp của Quốc Hội, Facebooker Hoàng Dũng, người có nguồn tin về đấu đá phe phái trong nội bộ đảng CSVN, bình luận trên trang cá nhân: “…Trong trường hợp Lương Cường vẫn cứ cố để đòi ghế [chủ tịch nước] thì nhất định thành công và chúng ta lại có một kỳ họp Quốc Hội bất thường mới vài tháng sau đó.”
Ông Hoàng Dũng ám chỉ ông Lương Cường sẽ không tại vị được lâu trên ghế chủ tịch nước và bị buộc phải ra đi theo kiểu “xin thôi chức vụ do chịu trách nhiệm của người đứng đầu,” tương tự hai người tiền nhiệm Nguyễn Xuân Phúc và Võ Văn Thưởng.