Bài quan điểm này đã viết trước khi ngân sách được công bố tối thứ
Ba vừa qua. Tuy nhiên những hé lộ từ chính phủ cũng như giới
chuyên môn về tài chánh lẫn kinh tế cho thấy, sự tiên đoán sẽ trùng
khớp với thực tế. Nếu không nói rằng có nhiều lãnh vực sẽ chẳng thể
khác đi. Vì tài chánh được ví như chiếc bánh hình tròn, chia ra nhiều
phần (góc) mà những lãnh vực ấy thì năm nào cũng thế, to nhất là
phần an sinh xã hội rồi đến y tế, giáo dục, quốc phòng etc… có khác
chăng, nếu bộ phận nào được phần hơn thì bộ phận khác bị cắt giảm
và nó tùy thuộc vào ngân sách thu vào.
Trên tờ The Australian ra ngày 29/4/23 ông Paul Kelly, chủ bút mở
rộng đã có bài “Labor’’s dilemma: how to finance its compassion” (tạm
dịch: Nan giải của Lao Động: Làm sao chi phí cho lòng thương cảm
của họ). Ý rằng chính phủ Lao Động không biết giải quyết làm sao để
chi ra cho hết những ‘’mảng’’ mà họ muốn, những mảng ấy đều rất
cần phải chi, theo chính sách thương cảm của họ đã đề ra. Paul Kelly
đã ví von rằng, chính phủ Lao động muốn phục vụ theo kiểu BMW
trong khi ngân sách chỉ có thể đạt được theo kiều KIA (so sánh 2 hiệu
xe sang và bình thường). Thật vậy, chính phủ khó có thể đạt được khi
mà phần góc nào cũng cần phải to hơn trong một chiếc bánh hình
tròn.
Lạm phát vẫn ngất ngưởng trên 5% khiến mọi sinh hoạt đều phải chi
nhiều hơn. Áp lực tăng trợ cấp đến tăng lương etc… Khiến cho ngân
sách gần như không thể vươn xa hơn. Ví dụ trong 4 năm, dự đoán
ngân sách thu thêm khoảng 95 tỉ từ tiền thuế thì phải chi ra thêm 89 tỉ,
chỉ cho một bộ phận, đó là an sinh xã hội! Thế thì lấy đâu thêm ra tiền
để tăng ngân sách cho các bộ phận khác và quốc phòng, mà quốc
phòng thì cấp bách và cần thiết cho an ninh quốc gia trước mối đe
dọa từ Tầu cộng.
Điều mà Thủ tướng Albanese đã than vãn trong mấy tuần qua, rằng
ngân sách không thể chịu đựng nổi (unsustainable) chương trình cho
người tang tật (NDIS) như hiện nay. Tưởng cũng nên nhắc lại, thời
chính phủ Lao Động Gillard, chính sách chăm sóc ưu đãi người tàn
tật được đưa vào và hàng năm đã ngốn hàng chục tỉ đô. Nếu tiếp tục
đáp ứng chính sách này trong những năm tới, phải chi ra hàng trăm tỉ
đô thì tiền ở đâu ra? Chính sách thương cảm (compassion) là tốt
nhưng không thể với quá tay trong giới hạn mà mình có. Được biết
lúc bà Gillard đấu tranh để đưa vào chính sách này với lý do thương
cảm, người thân của bà là khuyết tật, như bà đã tuyên bố khi chính
sách được thông qua.
Hiện nay lãnh vực nào cũng đòi hỏi tăng chi phí, ngay việc chăm sóc
cao niên, rồi đến y tế, giáo dục và nhất là quốc phòng, cần hàng mấy
trăm tỉ trong vòng 10 năm để có tầu ngầm Nguyên Tử. Chưa nói đế
trợ cấp an sinh xã hội cũng vất vả với mức chu cấp hiện tại. Đành
rằng tiền thu thuế sẽ nhiều hơn vì thất nghiệp thấp và nguồn lợi quốc
gia thu về từ kinh tế vững vàng nhưng không thể đáp ứng được tất cả
mọi chi phí mà chính phủ Lao Động cũng như đảng Xanh muốn.
Trong những năm gần đây do cơn đại dịch khiến ngân sách quốc gia
vốn thường xuyên thâm thủng càng thâm thủng tệ hơn và khó có thể
thặng dư. Lịch sử cận đại dưới sự lãnh đạo của Lao Động chỉ có thời
của Paul Keating bộ trưởng ngân khố thập niên 90 là có thặng dư.
Nhiều người nhận xét bộ trưởng Ngân Khố Jim Chalmers hiện nay là
một người rất có năng lực và kỷ cương mà ngân sách quốc gia cần
có để được cân bằng hoặc thặng dư trên lý thuyết ngay năm nay!
Nhưng rất khó cho ông khi mà chiếc bánh vẫn chỉ có một, dù nó có to
hơn một chút về chu vi hay dày hơn đi nữa thì phần chia cũng chỉ
nằm trong 1 vòng tròn. Không thể chia cho bộ phận nhiều chu vi lớn
hơn nếu không giảm đi chu vi mảng khác.
Chính phủ Lao Động muốn được lòng giới bình dân cho nên chính
sách compassion khó cho họ xoay sở ngoài việc phụ giúp tiền tiêu thụ
năng lượng. Nói gì thì nói, việc cân bằng ngân sách chi và thu vẫn
cần thiết, phải đạt được nếu là chính phủ có trách nhiệm. Không thể
tiêu tiền quá mức cho phép, mượn nợ hôm nay thì vẫn phải trả ngày
mai và ai trả, nếu không phải là thế hệ tương lai? Paul Kelly đã thốt
lên lời nói khá chính xác rằng ‘’Anthony Albanese and Jim Chalmers
have to reconcile the irreconcile’’ (TT Albanese và bộ trưởng
Chalmers phải hòa giải điều không thể hòa giải) Ý rằng chính phủ Lao
Động phải làm một việc khó khăn, mà nó không dễ đạt được sự cân
bằng hay thặng dư ngân sách quốc gia Úc trong thời điểm hiện tại.
Adelaide Tuần Báo