Cuộc giải cứu đội bóng đá thiếu niên bị kẹt trong hang Tham Luang,Thái Lan là sự kiện được nhiều người quan tâm theo dõi. Có lẽ trước đây, ngoài làng xóm khu vực biên giới Thái – Miến Điện, có ai biết về đội banh này, thậm chí mấy ai trong chúng ta biết có 13 con người này hiện hữu trên trái đất! Sự ràng buộc nào khiến cho năm châu bốn bể kẻ chờ, người mong từng ngày cho đến khi cả đội banh được cứu ra khỏi tình huống nguy hiểm.. Thế nhưng sự kiện này đã đi vào lịch sử cứu nạn của nhân loại, vì nó mang ý nghĩa của sự liên đới tình đồng loại trước một tình huống tưởng chừng như vô vọng.
Khi chính phủ Thái thông báo đội bóng bị mất tích trong hang động Tham Luang, vì nước mưa tràn vào và không có lối thoát thân. Nhanh chóng được nhiều quốc gia trên thế giới hưởng ứng trong đó có Úc Châu, những thợ lặn dày dạn kinh nghiệm đã đến Tham Luang, tiến hành tìm kiếm và giải cứu. 2 người nhái của Anh Quốc đã tiên phong và tiếp cận được với đội bóng còn sống sót sâu bên trong hang sau 10 ngày bị cô lập, khát và đói trong bóng tối. Cuộc giải cứu được diễn ra mà theo nhận xét của nhà bình luận Andrew Bolt thì chính phủ và dân chúng Thái Lan đã nồng nhiệt đón nhận sự giúp đỡ của các quốc gia. Họ đã không do dự để cho những người chuyên môn ngoại quốc dẫn đầu cuộc giải cứu này. Không ai bảo ai, các thợ nặn chuyên nghiệp giải cứu đến từ nhiều quốc gia. Hai người Nhái Anh Quốc dẫn đầu cuộc giải cứu và bác sĩ kiêm người nhái Richard Harris của Úc (Adelaide) phụ trách phần giám định sức khỏe cho các em trước khi giải cứu.
Cả thế giới mong chờ và mừng vui khi các em được giải cứu an toàn vì rằng địa thế quá hiểm, bằng chứng là một thợ lặn người Thái đã bị thiệt mạng trong khi di chuyển trong hang động. Mặt khác, thế giới với bao nhiêu vấn đề căng thẳng, tiêu cực và mâu thuẫn từng ngày như những chuyện chính trị Bắc Hàn-Mỹ; chiến tranh thương mại Mỹ-Trung và ngay cả chuyện thiên tai tại Nhật khiến hàng trăm người thiệt mạng. Thế giới cũng đang theo dõi giải túc cầu đầy hào hứng tại Nga. Thế nhưng trên tất cả, việc giải cứu đội banh tí hon tại Tham Luang đã có sức thu hút sự chú ý một cách lạ thường.
Tại sao người ta lại quan tâm đến chỉ có 13 người trẻ này, trong khi bên Nhật, trận bão lụt đã cướp đi trên 100 sinh mạng, nhiều người mất tích chưa tìm thấy thì ít được chú ý. Sự tập trung giải cứu đội bóng này thu hút cả những tỉ phú trẻ Elon Musk khi ông ta cho chế tạo những ống (như tầu ngâm nhỏ) vừa với từng em để đưa các em ra ngoài. Rồi đến tổ chức bóng đá thế giới (FIFA) cũng sẵn sàng mời cả đội tí hon này đến Moscow xem trận vô địch, nếu các em được giải cứu an toàn và đủ sức khỏe.
Phải chăng việc giải cứu này đã trở nên một biểu tượng nào đó trước sự nan giải vô vọng, đối diện với cái chết của nhóm trẻ và lòng nhân bản của cả thế giới đứng bên ngoài mong cho các em được thoát hiểm? Biểu tượng này vượt lên trên sự cân đo hơn kém, nặng nhẹ của một vấn đề. Theo giáo sư bác sĩ tâm lý Justin Kernady thuộc đại học Queensland thì biến cố giải cứu đội bóng tí hon thành công đã làm cho tinh thần của cả thế giới lạc quan thêm, phấn khởi hơn trước quá nhiều thử thách, thất bại mà con người thường xuyên đối diện.
Điều đáng ngạc nhiên là sau 10 ngày trong tối tăm đói rét, tinh thần các em vẫn không bị hoảng loạn. Vai trò của người huấn luyện viên (HLV) đã được đưa ra mổ xẻ khi cho rằng anh ta vô trách nhiệm vì dẫn cả đội banh trẻ vào hang động mà không có phép của các cha mẹ. Nhưng bù lại, sau 10 ngày các em không chết mà tinh thần vẫn ổn định là vì HLV này đã giúp các em tịnh tâm, thiền định để bảo toàn năng lượng và quân bằng tinh thần trong tình thế đối diện với tử thần. Thế thì nên trách hay khen?
Trên tất cả những lý lẽ thường tình, nhân loại có thể rút ra một kinh nghiệm quý giá về tính nhân bản ở đây. Sự vô ý đã để xảy ra tình trạng nguy hiểm này lại là một dịp để con người cư xử với nhau không hệ tại ở mầu da, tôn giáo, dị biệt chính kiến. Chính phủ Thái được dân chúng hoan nghênh vì đã chủ động cuộc giải cứu trên cấp toàn quốc gia. Chính phủ và nhân dân Thái vô cùng cảm kích biết ơn những quốc gia tham gia giải cứu thành công. Có thể nói đây là cuộc giải cứu đầu tiên trong hang động ngập nước với chiều dài 4 cây số. Mà hầu hết các em không biết bơi và kiệt sức sau hơn 2 tuần lễ thiếu ăn và dưỡng khí. Tính liên đới không do dự khi xả thân cứu nguy là điểm son của nhân loại, đặc biệt trong trường hợp này. Bác sĩ Harris từ Adelaide đã bỏ cuộc nghỉ thường niên của ông để đi cứu nạn và ông hoàn thành xuất sắc việc giám định sức khỏe của cả đội banh trong hang động và cũng là người đưa các em ra khỏi hang. Vừa xong nhiệm vụ thì được tin cha mình qua đời tại Adelaide. Điều này đã làm cho nhiều người càng cảm kích hơn tinh thần phục vụ của vị bác sĩ 53 tuổi này.
Nói tóm, Thế giới ngày nay có quá nhiều tị hiềm chia rẽ do những chủ thuyết mà con người định hướng nhằm phân rẽ giữa người với người. Sự kiện đội banh tí hon vô tình hay cố ý gặp nạn đã là cơ hội để con người mức lượng được tính nhân bản với nhau. Cùng một lúc, sự phát triển khoa học kỹ thuật, thông tin nhanh chóng giúp việc giải cứu xảy diễn ra kịp thời, phải chăng đây là một điểm son, dù là nhỏ, trong lịch sử nhân loại?
Adelaide Tuần Báo