Tổ chức Theo Dõi Nhân Quyền (HRW) thúc giục chính phủ Úc đòi hỏi CSVN phải có những tiến bộ cụ thể về nhân quyền.
Hôm Chủ Nhật, 28 Tháng Bảy, bà Daniela Gavshon, giám đốc HRW khu vực Úc Châu đệ trình lên chính phủ nước này các đề nghị áp lực nhà cầm quyền CSVN phải đạt được các tiến bộ nhân quyền rõ ràng, cụ thể, đo đếm được khi hai bên chuẩn bị đối thoại.
Các vấn đề chính yếu về nhân quyền tại Việt Nam mà bà Gavshon thúc giục chính phủ Úc đòi CSVN phải thi hành là: trả tự do cho tất cả các tù nhân chính trị đang giam giữ; chấm dứt khủng bố những ai vận động bảo vệ môi sinh và tôn trọng quyền người lao động; bảo đảm thực thi quyền tố tụng công bằng cho các nghi can và bị can hình sự; đồng thời phải tôn trọng các quyền tự do tôn giáo tín ngưỡng của người dân.
“Nước Úc đã tham dự 18 lần đối thoại nhân quyền với CSVN nhưng hầu như chẳng có bao nhiêu kết quả cụ thể suốt hai thập niên qua, cho nên cần có cách tiếp cận mới,” bà Gavshon viết trong bản đề nghị gửi chính phủ Úc.
“Thay vì thảo luận với họ như phản ứng về vi phạm nhân quyền, chính phủ Úc nên áp lực Việt Nam cải cách hệ thống (pháp luật) được hậu thuẫn với những chuẩn mực rõ ràng.”
CSVN đã có một lịch sử rất dài về bỏ tù những ai phát biểu ngược lại đường lối, chủ trương của chế độ. Chưa bị tù thì cũng bị khủng bố dưới nhiều hình thức khác nhau, kể cả những trò hạ cấp. Không riêng gì các chính phủ Tây phương và các tổ chức bảo vệ nhân quyền quốc tế, Ủy Ban Nhân Quyền Liên Hợp Quốc những ngày đầu năm nay cũng đã lập lại lời đòi hỏi CSVN chấm dứt truy tố, bỏ tù và khủng bố các người tham gia vận động nhân quyền ở trong nước.
Những đòi hỏi đó được lập lại khi người ta được tin ông Đặng Đình Bách, một người vận động bảo vệ môi sinh, tuyệt thực lần thứ ba “phản đối bắt giữ, giam cầm tùy tiện” và bị ngược đãi trong tù, bất chấp luật lệ và các văn bản quy định của chính chế độ.
Theo tổ chức HRW, nhà cầm quyền CSVN ký vào Công Ước Quốc Tế về Các Quyền Dân Sự và Chính Trị từ năm 1982 để cho thế giới thấy họ cũng bảo vệ nhân quyền. Nhưng từ đó đến nay họ liên tục vi phạm những điều họ đã cam kết tuân hành mà người ta thấy qua những giới hạn tràn lan các quyền dân sự và chính trị của người dân.
Trong đó bao gồm các quyền tự do phát biểu, tự do lập hội, tự do hội họp ôn hòa, tự do đi lại và tự do hành đạo. Nhà cầm quyền còn cấm đoán, không cho hoạt động, tất cả các hội đoàn hoặc tổ chức dân sự mà họ cho rằng nguy hiểm đối với sự cai trị độc quyền của đảng CSVN. Các trang mạng bị nhà cầm quyền ngăn chặn, còn các công ty cung cấp dịch vụ mạng điện tử thì bị ép gỡ bỏ các thông tin bị coi là nhạy cảm chính trị.
Tháng Ba vừa qua, Thủ Tướng CSVN Phạm Minh Chính đến thủ đô Canberra vận động cho thỏa hiệp “Đối Tác Chiến Lược Toàn Diện” giữa hai nước. Tuy nhiên, HRW đã khuyến cáo chính phủ Úc là không nên nâng cấp quan hệ với họ khi chuyện đó lại là chướng ngại cho việc giải quyết vấn đề nhân quyền tại Việt Nam.
Cuộc đối thoại nhân quyền giữa Úc với CSVN dự trù diễn ra ngày 30 Tháng Bảy, 2024, tại thủ đô Canberra. Ngày 11 Tháng Bảy vừa qua, nhiều tổ chức bảo vệ nhân quyền cũng như một số nghị viên Âu Châu đã kêu rằng các cuộc đối thoại nhân quyền với CSVN chẳng có tác dụng gì. (NTB)