Năm 2018 một cuộc thăm dò dư luận của viện nghiên cứu Lowy (Lowy Institute Australia) cho biết có đến 52% dân Úc có thiện cảm, tin tưởng vào Trung Quốc. Nghĩa là cứ 10 người thì có 5 người có thiện cảm và tin tưởng TQ. Đơn giản là vì họ chưa có kinh nghiệm và nghĩ rằng giao hảo với TQ cũng giống như giao hảo với các quốc gia khác. Bang giao trong sự tôn trọng và tương kính lẫn nhau, cùng có lợi cho cả hai phía nhất là vấn đề kinh tế. Nhưng chỉ trong vòng 4 năm, một cuộc thăm dò dư luận mới nhất (5/22) cũng của viện Lowy báo cáo rằng, tỉ lệ dân Úc có thiện cảm và tin tưởng vào TQ đã tụt dốc một cách nhanh chóng, chỉ còn 12%! Nghĩa là 88% dân Úc không còn tin tưởng hay có thiện cảm với TQ. Đồng nghĩa với, cứ 10 người chỉ còn 1 người tin vào TQ mà thôi! Điều gì đã làm cho nhận thức của người Úc thay đổi nhanh đến thế?
Tiến sĩ Michael Fullilove, giám đốc viện nghiên cứu Lowy trong bài thuyết trình hôm 22/6/22 tại Câu Lạc Bộ Báo Chí Úc, Canberra đã công bố kết quả thăm dò nêu trên khi nhấn mạnh rằng, nhận thức của dân Úc thay đổi này không đến từ phía Úc mà do chính quyền csTQ tại Bắc Kinh gây ra. Bắt đầu với đường lối ngoại giao theo lối chiến lang của họ. Chính quyền csTQ chèn ép, hù dọa Úc, xuất phát từ việc Úc đòi có ủy ban tìm kiếm nguồn gốc con Virus (Vũ Hán?). Liền sau đó TQ tẩy chay hàng hóa Úc mà không đưa ra được lý do chính đáng ngoài lý do trả thù việc Úc dám đòi tìm sự thật! Thông qua kênh ngoại giao, TQ thường xuyên miệt thị, đồng thời cắt đứt mọi giao tiếp cấp bộ trưởng. Thậm chí họ còn ví von Úc như miếng kẹo cao su dính dưới đế giày của Mỹ! Cách mà chính quyền csTQ hành xử như trên, đã không đem lại lợi lộc gì cho họ mà ngược lại, đã có phản ứng ngược! Bởi vì người Úc không chấp nhận cách hành xử theo lối coi thường kẻ khác, nhất là trên cương vị của một quốc gia với một quốc gia khác. Hình ảnh về một nước Tầu đáng mến tan dần trong lòng người Úc. Khi một chính quyền tự cho là đại diện cho một đại cường quốc mà hành xử theo lối tiểu nhân. Vì thế hầu hết dân Úc đều đồng ý với chính phủ của mình (cả Lao Động lẫn Liên Đảng trước đây) về những phản ứng và quyết đoán mạnh mẽ mà Úc cần phải có để đối đầu với một Tầu cộng hung hãn và xấu xí.
Đối với người Úc gốc Việt thì chẳng có gì ngạc nhiên vì chúng ta hiểu rõ bản chất của Tầu cộng. Cái mà chúng ta vui mừng là, ngày càng nhiều người Úc ngộ ra được chính quyền csTQ là một chính quyền không chỉ là độc tài mà còn có tham vọng bành trướng, có tâm địa nham hiểm muốn thống trị thế giới theo cách thức của đảng csTQ. Tưởng cũng nên nhấn mạnh, đa số dân Úc biết phân biệt giữa dân tộc Trung Hoa và chính quyền đảng csTQ là hai thực thể khác nhau. Người Úc vẫn quí trọng dân tộc Trung Hoa. Chúng ta cũng có thể khôi hài khi nói, cám ơn đảng csTQ đã lộ chân tướng sớm nên thế giới tự do và đặc biệt dân Úc mới biết mà đề phòng. Chứ nếu như Tầu cộng mà đóng kịch giỏi thì Úc Châu ắt sẽ gặp tai họa là điều rất có thể.
Cũng trong bài thuyết trình của tiến sĩ Fullilove thuộc viện Lowy đã đưa ra kết quả một cuộc thăm dò khác về quan hệ Úc với Hoa Kỳ và đồng minh. Rằng cứ 10 người Úc thì có 9 người mong muốn Úc cần phải liên minh chặt chẽ hơn với Hoa Kỳ và đồng minh vì an ninh Úc Châu. Tiến sĩ Fullilove cũng nhấn mạnh chính sách ngoại giao 3 chiều (three dimensional foreign policy) của Úc cần phải phát triển đồng bộ. Nghĩa là cùng một lúc cần phải thắt chặt quan hệ với Hoa Kỳ; với các quốc gia đồng minh khác và với các quốc gia trong cùng khu vực. Không để cho Tầu cộng xen vào ở bất cứ kẽ hở nào, làm suy yếu đi 3 mối liên kết cần thiết vì an ninh cho lục địa Úc Châu lâu dài.
Từ việc cảnh tỉnh này Úc cần tiến xa hơn bằng nền kinh tế vững vàng và trang bị đội ngũ quốc phòng mạnh mẽ có khả năng răn đe. Cả hai lãnh vực hỗ tương và làm cho quốc gia Úc mạnh mẽ hơn. Úc tôn trọng, hài hòa và tương kính các quốc gia khác đặc biệt là Trung Hoa nhưng Úc không nên đặt mình vào vị thế quá nhún nhường, thậm chí hèn nhát mà lùi bước trước những chèn ép dọa nạt một cách bất công vô lối từ một chính quyền ỷ mình to hơn người. Úc cần đứng thẳng bằng đôi chân của mình và cùng với đồng minh giữ gìn trật tự thế giới trong hòa bình.
Adelaide Tuần Báo