Tuần qua đài VOA (Voice of America) có đăng bài nhận định ngày 19/6/18 viên Đại sứ Cheng Jingye của TQ tại Úc Châu đã ‘tố cáo’ chính phủ Úc nuôi dưỡng tinh thần chiến tranh lạnh khi ông nói rằng “Úc cần phải bớt thiên vị và bớt mù quáng mới có thể khôi phục lại các quan hệ TQ và Úc”. Nhận định này không được truyền thông Úc bàn luận, trong khi VOA lại rất chú ý. Lời tố cáo của ông đại sứ đúng hay sai? Ai là kẻ tạo ra tình trạng chiến tranh lạnh, ai khiêu khích, ai gây căng thẳng?
Quan điểm trước đây đã đề cập, Tham vọng của TQ không chỉ dừng lại khi chiếm biển Đông, mà mục tiêu xa hơn thế là tiến chiếm Úc Châu! Một lục địa rộng lớn trên 7 triệu cây số vuông (gần bằng cả lục địa TQ) trữ lượng tài nguyên béo bở mà TQ thèm muốn! Chỉ trong 2 thập niên qua, di dân từ TQ đến Úc vượt hẳn các sắc dân khác. TQ dùng tiền mua chuộc các chính trị gia Úc (trường hợp nghị sĩ Lao Động Sam Dastyasi công khai ủng hộ TQ chiếm biển Đông); gây ảnh hưởng dưới hình thức viện Khổng Tử tại các đại học Úc; mua bến cảng (hiện tại TQ đã làm chủ cảng Darwin và mới đây toan tính mua Port Adelaide etc….). Úc nhận ra việc TQ dùng tiền mua chuộc các quốc gia thuộc Pacific Region chung quanh lục địa Úc Châu, TQ làm chủ cảng Vanuatu chỉ cách bờ biển Qld và NSW 1500 hải lý. . Viện trợ xây cất nhiều cơ sở đồ sộ trên đất Papua New Guinea, Fuji với mục đích gây ảnh hưởng và nếu chính phủ sở tại không có tiền trả thì đòi yêu sách, y như vụ việc sở hữu cảng ở Sri Lanka.
Chính phủ Turnbull đang dự thảo đạo luật giới hạn việc can gián của nước ngoài vào nội bộ Úc Châu mà ai cũng đoán được nhắm vào TQ là chính (vì chẳng có nước nào tìm cách can dán vào nền chính trị Úc, kể cả Mẫu quốc Anh và Hoa Kỳ).. Đại sứ Cheng Jingye phát biểu trước Hội đồng Doanh nghiệp TQ -Úc (ACBC) tại Canberra. Với những lời chỉ trích, khi cho rằng Úc gây ra sự căng thẳng. Phát biểu xong, ông ta không thèm lưu lại đối thoại với cử tọa như thông lệ trước đây. Thái độ của TQ đối với dư luận thế giới nói chung và Úc nói riêng, họ càng lúc càng trở nên hống hách và hành xử theo lối ‘kẻ cả’, hãy lấy một vài ví dụ cụ thể:
– Bộ trưởng thương mại và du lịch Úc ông Steven Ciobo hôm 17/5/18 bị từ chối không được tiếp đón với tư cách bộ trưởng đồng nhiệm tại Thượng Hải, mà chỉ được thị trưởng Thượng Hải đón tiếp cho có lệ, nghĩa là họ coi thường tư thế một bộ trưởng Úc.
– Một số phóng viên, nhà báo người Úc mới đây bị từ chối không được cấp Visa vào TQ. Phải chăng những người này đồng quan điểm với chính phủ Úc khi viết bài về việc TQ xâm nhập, can dán vào chính trường Úc?
– Thị trường TQ hấp dẫn hàng hóa Úc như rượu, lúa mì, quặng mỏ etc.. TQ áp lực trên giới kinh doanh Úc và giới này áp lực trên chính phủ Úc. Các nhà kinh doanh yêu cầu chính phủ Úc đừng làm khó TQ, vì TQ đe dọa có thể tẩy chay hàng hóa của Úc… Tưởng cũng nên nhắc lại, Úc bán hàng cho TQ nhiều hơn Úc mua hàng từ TQ đến vài chục tỉ đô mỗi năm. Cho nên dưới con mắt nhà kinh doanh, làm hài lòng TQ để làm thương mại sẽ có nhiều lợi! Nhưng họ không nghĩ xa hơn túi tiền trước mặt là TQ một ngày nào đó chiếm đoạt cả những gì người Úc đang sở hữu bây giờ.
– Giáo sư Clive Hamilton viết cuốn “cuộc xâm lăng thầm lặng” (Silent invasion) đã mô tả TQ từng bước xâm nhập Úc mà bề mặt không ai nhìn thấy. Cuốn sách của ông tỉnh thức dư luận về âm mưu lâu dài của TQ trên lục địa Úc. Một số nhà xuất bản không dám phát hành cuốn sách này, vì TQ dọa kiện tội mạ lỵ etc… Nhưng cuốn sách này lại được nhiều người chú ý, chính phủ Úc quan tâm đặc biệt vì những bằng chứng đưa ra về âm mưu của TQ là có thật và đáng phải cảnh giác.
Người Việt Quốc gia chúng ta hiểu hơn ai hết về âm mưu thâm độc của TQ. Chính sách bành trướng qua việc xâm nhập như ‘Tằm ăn Dâu’ mà VN là một thí dụ. Ông đại sứ này nói rằng Úc mù quáng chống TQ, cần phải bớt thiên vị hơn… Thật ra Úc không mù quáng, ngược lại chính phủ Úc rất sáng suốt nên mới làm luật vì nhận thức được âm mưu lâu dài của TQ. Chỉ có điều là Úc cần phải lựa chọn, một là để cho TQ có thái độ trịch thượng, làm áp lực khi giao dịch buôn bán để rồi bị xâm nhập dưới nhiều hình thức lúc nào không biết. Hai là phải cứng rắn, chấp nhận bị thiệt thòi bán hàng cho TQ và không giảm nhẹ những tiêu chuẩn cần thiết để bảo vệ sự độc lập, cần loại trừ mọi ảnh hưởng lâu dài của TQ trên lục địa này.
Rất tiếc, nhiều người Úc chưa có kinh nghiệm với sự thâm hiểm của Hán cộng. Vì xuất phát từ nền văn hóa nhân bản và lối suy luận ngay thẳng, thành thật. Thậm chí có những người Úc không quan tâm hay không nhìn ra những gian manh, nguy hại lâu dài và không cảnh giác đúng mức.
Để kết luận, lời phát biểu của đại sứ Cheng phản ánh chính sách của TQ hiện nay, họ giống như người ‘cả vú lấp miệng em’, hoặc là ‘vừa đánh trống vừa ăn cướp’. Chính họ, với ý đồ xâm lăng các quốc gia khác, giống như cách hành xử tại biển Đông hiện nay, TQ chiếm biển và đảo, lập căn cứ quân sự, cấm tầu bè các nước đi ngang qua. Trong khi kết án Mỹ hay bất cứ quốc gia nào phản đối, thì cho rằng họ vô trách nhiệm và không có quyền phê phán TQ. Thế giới phải sớm tỉnh thức và cùng nhau cảnh giác về ý đồ của TQ, bằng không những hậu quả xâm lăng và thống trị của đại Hán sẽ xảy ra, khó mà lường.
Adelaide Tuần Báo