Liên Hiệp Quốc (LHQ) được thành lập sau Thế chiến II. Lúc đầu số quốc gia thành viên không nhiều nhưng tiếng nói có giá trị và uy tín rất cao nhưng nay thì khác, mặc dù số thành viên khoảng 200 quốc gia và lãnh thổ nhưng tiếng nói và uy tín gần như là con số không.

Đặc phái viên Le Monde tại New York cho biếtcuộc chiến Ukraina dù được thảo luận nhiều tại LHQ nhưng thực ra tổ chức này chẳng thể làm gì được Nga ngay cả khi phát hiện 445 ngôi mộ và một hố chôn tập thể ở Izyum. Trong khi chính phủ Ukraina đòi hỏi thành lập một tòa án quốc tế để xử tội ác chiến tranh. Tổng thống Cộng hòa Tiệp Khắc và chủ tịch Hội Đồng Châu Âu ủng hộ đề nghị này. Nhưng nhiều nước châu Âu khác trong đó có Pháp lại chủ trương đưa lên Tòa án Hình sự Quốc tế ở La Haye, có thẩm quyền đối với tội ác chống nhân loại, tội diệt chủng. Trong khi LHQ gần như bất lực!
Tổng thống Mexico Andres Manuel Lopez Obrador (AMLO) đã kêu gọi hình thành một « ủy ban đối thoại và hòa bình » gồm thủ tướng Ấn Độ, Đức giáo hoàng Phanxicô và tổng thư ký Liên Hiệp Quốc. Nhưng Mykhailo Podoliak, cố vấn của TT Volodymyr Zelensky tố cáo « những người đòi hòa bình » dùng cuộc chiến để quảng bá cho mình. Ông viết trên Twitter: «Kế hoạch của ông (AMLO) nhằm duy trì hàng triệu người trong tình trạng bị chiếm đóng, gia tăng số hố chôn tập thể và giúp Nga có thời gian bổ sung quân mới trước các cuộc tấn công sắp tới ? Như vậy đây là kế hoạch của Nga».
Tờ Libérationcho rằng « Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc vấp phải thuốc độc chiến tranh ». Tờ báo ghi nhận tổng thư ký Guterres đã rung chuông hòa bình trong buổi lễ ở Đại hội đồng, chiếc chuông do Nhật Bản tặng năm 1954 có ghi dòng chữ bằng tiếng Nhật «Mong rằng thế giới sống trong hòa bình tuyệt đối». Sáu mươi tám năm sau, chiến tranh quay lại hoành hành trên đất châu Âu do một trong năm thành viên Hội Đồng Bảo An – có quyền phủ quyết – khởi động, ước mơ này trở nên thảm hại hơn bao giờ hết thế mà LHQ cũng chỉ ngồi họp và bó tay!
Tờ Les Echos đặt vấn đề « Liên Hiệp Quốc tồn tại để làm gì ?». Tờ báo ví tổ chức quốc tế này cũng giống như nữ hoàng Anh quốc: một người khổng lồ không quyền lực. Chỉ cần một thành viên thường trực Hội Đồng Bảo An dùng quyền phủ quyết, là Liên Hiệp Quốc trong trạng thái ‘liệt vị’. Trong trường hợp này Nga đã làm tê liệt tổ chức quốc tế duy nhất này và LHQ đành phải ‘ngậm bồ hòn’ theo dõi đồng thời chỉ có lên án bằng miệng những diễn biến của cuộc xung đột Ukraina.
Các chuyên gia gởi đến nhà máy điện nguyên tử Zaporijia là thuộc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (AIEA) để bảo đảm an toàn phóng xạ rồi đến Thổ Nhĩ Kỳ trong việc thương lượng giải tỏa ngũ cốc xuất khẩu của Ukraina mà LHQ không phải nhân vật chính! Cuộc chiến Ukraina- Nga làm đảo lộn toàn cầu, mà tổ chức LHQ có trụ sở tại New York chỉ đóng vai trò hạng nhì!
Bản thân Tổng thư ký Antonio Guterres cũng không làm được việc. Với tính cách nhạt nhẽo, không gây được ảnh hưởng, ông không mang lại luồng gió mới nào cho tổ chức mang tính toàn cầu. Ông chú trọng các chương trình nhân đạo dành cho người tị nạn, nhưng chỉ là chắp vá chứ không phải là phương thuốc chữa. Do không thể có những hành động mang tính quyết định, LHQ chỉ đóng vai như một chiếc máy dò địa chấn nhưng không có cách tránh động đất! Trong dịp bỏ phiếu nghị quyết lên án Nga, người ta có thể nhận thấy các nước ‘phương Nam’ xa cách phương Tây như thế nào, trong khi Trung Quốc và Ấn Độ mới là nhân tố tìm mọi cách thủ lợi về cho mình.
LHQ đã từng bị rơi vào trạng thái tê liệt trong thời kỳ chiến tranh lạnh, cho đến khi Mikhail Gorbatchev mở ra một giai đoạn thỏa hiệp trong thập niên 90.
Có người từng hỏi, có nên khai tử tổ chức này hay không? Tờ Les Echos cho rằng tất nhiên là không khi tờ báo này dẫn chứng rằng, một NATO năng động đã từng bị cho là ‘chết não’ nhưng nay lại phát huy sức mạnh và cơ bắp.
Một điều đáng lưu ý là qua tổ chức LHQ thì TQ tìm cách gia tăng ảnh hưởng bằng cách vận động, tranh cử những chức vị trong các bộ phận của LHQ từ nhân quyền đến khoa học văn hóa…Trong khi Hoa Kỳ và các quốc gia Tây Phương phải đóng tài chánh đáng kể để LHQ có thể sống còn mà ảnh hưởng của họ mỗi lúc một giảm sút. LHQ chỉ có thể phát huy tác dụng nếu như bỏ đi quyền phủ quyết của 1 trong 5 quốc gia thuộc Hội Đồng Bảo An (Anh, Pháp, Mỹ, Nga, TQ) mà thay vào đó quyền phủ quyết của đa số (ít nhất 3 trên 5) thì có lẽ LHQ mới thực dụng.
Adelaide Tuần Báo