Tôi là người con út trong một gia đình với 4 anh chị. Ba mẹ tôi lấy nhau vào năm
1976 và sinh ra chị Quyên (1977) và cứ cách nhau 2 năm thì lại sinh một người. Tôi
là con út, tên Hương và sinh năm 1986.
Tất cả thành viên trong gia đình của tôi đã qua Úc định cư từ những năm của đầu
thập niên 90. Ba mẹ và tất cả anh chị em đã có quốc tịch Úc.
CÁCH ĐÂY NỬA THẾ KỶ
Năm 1971, mẹ tôi đã từng có mối quan hệ mật thiết với một người lính. Vào đúng
thời kỳ chiến tranh cho nên di tản đó đây. Một lần sơ tán thì người lính đó cũng
không thấy đâu cả và mẹ tôi phát hiện mình đang mang ‘cốt nhục’ của người lính trẻ
đó.
Mẹ tôi kể rằng đã sinh ra một người con gái (Duyên) vào năm 1972 và khi chỉ có
mới hơn 2 tuổi thì vì chiến tranh hỗn loạn cần phải sơ tán, cho nên người con đó đã
được gửi tạm thời cho một người khác nuôi.
Khi chiến tranh kết thúc, mẹ tôi đã cật lực đi tìm người con đầu lòng của mình. Mẹ đi
khắp nơi để tìm và có những hôm mẹ chờ ở nơi cuối cùng mà mẹ gặp người được
gửi chăm sóc cho con gái, mặc dù lúc đó chỉ còn là bãi đất hoang sơ, nhưng mẹ tôi
vẫn kiên trì chờ đợi.
Mẹ có kể rằng có những đêm mẹ mất ngủ đi lang thang ngoài đường tìm con của
mình và hầu như tình trạng tinh thần của mẹ lúc đó như một người điên. Mẹ đã tuyệt
vọng và phải đối diện với sự thật là khi nào gặp thì sẽ gặp.
Năm 1976, mẹ và ba lấy nhau và họ đã sinh ra được 5 người con và chưa từng một
ngày nào mà mẹ không nhớ tới chị Duyên. Ba cũng đã được nghe mẹ kể về chị
Duyên, một người con bị thất lạc đã khiến cho mẹ suy nghĩ mỗi ngày. Mẹ có gia
đình mới và chỉ biết tập trung vào gia đình của mình và nuôi dạy cho những đứa con
lên người.
CÁCH ĐÂY 12 NĂM
Năm 2010, mẹ tôi tình cờ có về Việt Nam thăm gia đình và đây cũng là lúc mẹ và chị
Duyên tìm lại được nhau sau 36 năm xa cách. Tôi chưa bao giờ thấy mẹ vui bằng
khi tìm được chị Duyên. Chị đã có gia đình, có 2 đứa con và hiện đang sống tại Phú
Yên, Bình Định.
Mẹ còn kể rằng chồng của chị cũng từng là một cô nhi. Họ đang sống với nhau rất
hạnh phúc và mẹ cũng rất muốn sao có thể bù đắp cho chị cho những tháng năm
cật lực vất vả. Mẹ tôi năm nay cũng ngoài 70 và chính điều gửi lại chị tôi trong thời
kỳ sơ tán đã khiến cho mẹ tôi ray rứt.
Sau khi biết mẹ muốn đưa chị qua Úc, tất cả anh chị em trong nhà tôi đều tán thành.
Mặc dù ba của tôi đã mất từ năm 2007, nhưng tôi biết rằng ba tôi sẽ rất phấn khởi
khi biết được mẹ đã tìm được chị cả.
CON ĐƯỜNG ĐỊNH CƯ
Kể từ năm 2010 cho tới nay, gia đình tôi muốn tìm cách đưa gia đình chị qua Úc
định cư nhưng cho tới nay tôi vẫn chưa tìm ra lối thoát.
(trích từ tâm sự của Hương, người con út trong gia đình)
NHẬN XÉT CỦA TẠ QUANG HUY
Luật di trú Úc hiện hành cho phép công dân / thường trú nhân Úc bảo lãnh cho
người thân của mình từ Việt Nam qua Úc định cư nếu đương đơn chứng mình được
rằng họ là ‘thân nhân còn lại’.
Định nghĩa của ‘thân nhân còn lại’ là khi đương đơn không còn cha, mẹ, anh, chị,
em sống tại Việt Nam và nếu đương đơn có chồng/vợ thì người chồng/vợ đó cũng
sẽ phải là không có thân nhân.
Rõ ràng, chị Duyên không có bất cứ thân nhân nào sinh sống tại Việt Nam theo định
nghĩa trên của luật di trú Úc. Chồng (sống chung) của chị cũng từng là một cô nhi thì
điều này cũng có nghĩa cha/mẹ của anh nay ở nơi đâu cũng không biết.
Vậy điều duy nhất cần chứng minh trong sự việc này là phải chứng minh đương đơn
(chị Duyên) và người bảo lãnh (mẹ) có phải là hai mẹ con ruột hay không? Việc này
có thể thực hiện theo hình thức xét nghiệm DNA. Nếu kết quả chứng mình của nhà
khoa học cho thấy rằng 99.999999999% là mẹ con của nhau thì đó cũng là cơ sở để
nộp hồ sơ.
KẾT
Thời gian chờ đợi xét duyệt theo diện hồ sơ THÂN NHÂN CÒN LẠI hiện tại vẫn cần
mức thời gian để xét duyệt của Bộ Di Trú Úc là 50 năm.
Một giả thiết mà gia đình chị Duyên xin được visa tới Úc du lịch và sau đó nộp xin
định cư theo diện Thân Nhân Còn Lại (Tiểu Loại 835) thì có chờ đợi 50 năm để
được xét duyệt thì cũng là một chiến lược tốt.
Tạ Quang Huy chúc cho gia đình sớm được đoàn tụ.

Cố Vấn Tạ Quang Huy
Thạc Sĩ Luật
Fellow, Viện Di Trú Úc