Quan điểm trong số báo 988 (15/7/21) đã đề cập, muốn bảo vệ quốc gia thì quốc phòng quốc gia Úc phải mạnh. Phải nói rằng vũ khí Hạt Nhân được coi là thế mạnh cho quốc phòng, nhưng dư luận Úc ‘dị ứng’ và tẩy chay. Trong quan điểm này tập trung việc tại sao đã đến lúc Úc cần phải dùng năng lượng Hạt Nhân, một dạng năng lượng có hiệu quả, sạch sẽ, bảo vệ môi trường và hiệu suất cao mà các dạng năng lượng ‘kinh điển’ không thể sánh bằng.
Hầu hết các quốc gia kỹ nghệ đều tiếp cận với năng lượng Hạt Nhân. Ai cũng biết đứng đầu là Hoa Kỳ, rồi đến Pháp, Nga, Nhật, TQ và rất nhiều quốc gia đã dùng năng lượng Hạt Nhân, thậm chí ngay cả Nam Dương cũng xây nhà máy năng lượng Hạt Nhân. Các quốc gia Âu Châu thì khỏi phải bàn, năng lượng Hạt Nhân chiếm tỉ lệ cao so với dạng năng lượng khác của họ. Chỉ có Úc là dị biệt, mặc dù Úc là quốc gia với nguồn dự trữ và sản xuất Uranium có hạng trên thế giới nhưng tuyệt nhiên không dám xử dụng. Tại sao? Bởi vì Úc bị ảnh hưởng bởi tư tưởng cánh Tả quá lâu và quá cực đoan vì thiếu hiểu biết một cách khoa học. Nhìn về 45 năm trước, đã có những tranh luận gay gắt về vấn đề này trên tờ The Australian ra ngày 13/12/1976 khi đó nhà tỉ phú Lang Hancock (cha của bà Gina Rinehart, người giầu nhất Úc hiện nay) có bài nhận định và phê phán người sáng lập đảng Dân Chủ Úc Don Chipp, rằng việc dùng năng lượng Nguyên Tử là tự nhiên và là tất yếu. Lợi ích của nó vô song cả về kinh tế lẫn quốc phòng, chưa nói đến sự thân thiện với môi trường. Trong khi cánh Tả do đảng Dân Chủ mà Don Chipp (lúc bấy giờ nổi lên khá mạnh) quyết liệt bài trừ, tẩy chay và tư tưởng tẩy chay ấy, tồn tại đến bây giờ. Đảng Xanh (Green Party) và số đông cánh Tả thuộc đảng Lao Động kế thừa lối tư duy ấy cho đến nay.
Sở dĩ người ta chống xử dụng năng lượng Hạt Nhân vì sợ nguy hiểm do phóng xạ (nhất là sau vụ nổ Chernobyl 1986 tại Liên Xô). Dân trí Úc không thấp nhưng sự hiểu biết và phân tích cái hay/dở hơn/ kém về việc nên xử dụng dạng năng lượng nào có hiệu quả mà ít gây thiệt hại nhất thì không có. Thậm chí nhiều người Úc không hề biết gì mà chỉ nghe hù dọa, đâm ra sợ sệt rồi tẩy chay, chính phủ lại không dám bắt đầu vì sợ dân chống mà không bầu cho mình. Tư duy tẩy chay này khiến quốc gia Úc ngày nay tuy to xác về địa lý nhưng yếu về cơ bắp; hầu bao đầy ắp về tài nguyên nhưng như gã vừa khờ vừa lạc hậu mà chẳng ai nể sợ. Trong khi cánh Tả hô hào tiếp tục bài trừ năng lượng Hạt Nhân nhưng lại mong muốn sạch môi trường. cấm cả Nguyên tử, dầu thô, than đá trong khi Solar, thủy điện, sức gió chỉ có thể đáp ứng một phần nhỏ nhu cầu quốc gia. Tự mình cột trói vào cái thế mà các quốc gia khác không làm. Nhật là quốc gia ít tài nguyên nhưng Nhật xử dụng năng lượng Hạt Nhân thuộc hạng nhất nhì thế giới. Dĩ nhiên năng lượng Hạt Nhân có những rủi ro của nó nhưng so với dầu thô, than đá thì Hạt Nhân tốt cho môi trường vì lượng tải Co2 coi như con số zero. Đã đến lúc Úc cần phải xét lại. Muốn cho đảng csTQ không dám xâm lăng, thì Úc phải mạnh cả về quốc phòng lẫn kinh tế. Để có thế mạnh Úc phải xử dụng đến Nguyên Tử. Úc không thiếu đội ngũ khoa học Kỹ thuật Nguyên Tử làm việc ở các quốc gia khác (vì tại Úc không có nơi dụng võ). Nguồn tài nguyên thì dồi dào hãy xử dụng để làm cho mình trở nên mạnh mẽ.
Trên đài Sky News mới đây nhà bình luận Rowan Dean có nhận định khá thú vị rằng đã đến lúc chính phủ Morrison bỏ lệnh cấm xử dụng Hạt Nhân và đưa ra nghị trình phát triển kỹ nghệ Hạt Nhân cả về kinh tế lẫn quốc phòng cho mục tiêu tranh cử 2022. Ông so sánh sự mạo hiểm này giống như cuộc bầu cử 1998 của chính phủ Howard-Costello khi táo bạo giới thiệu GST năm 2000, một bước đột phá về thuế mà trước đó, dù biết lợi nhiều nhưng không ai dám làm vì sợ dân chống đối. Ông Dean thêm rằng, nếu chính phủ Morrison thuyết phục dân mà thành công qua bầu cử bằng con đường tiến đến xử dụng năng lượng Hạt Nhân thì sẽ biến đảng Xanh và Lao Động cánh Tả trở nên những kẻ giả hình (hypocrisy). Thật vậy, đảng Xanh kêu gọi bảo vệ môi trường cấm than đá, dầu thô và bài trừ năng lượng Hạt Nhân thế nhưng họ có làm được gì để cho quốc gia giầu mạnh và an toàn hơn?
Adelaide Tuần Báo
(Quan điểm này đã được viết hồi tháng 8/21. Tuần tới sẽ nói về hiệp ước AUKUS – Tầu Ngầm Hạt Nhân)