Ngân sách quốc gia Úc năm nay nhìn có vẻ lạc quan hơn ngân sách năm vừa qua dù cơn đại dịch vẫn còn ảnh hưởng trên mọi lãnh vực. Đại dịch đã tác động trực tiếp lên nền tài chánh quốc gia, thu vào giảm sút do ít người đóng thuế hơn (mất việc làm) trong khi chi ra (trợ cấp) không giảm mà còn tăng, nặng nhất là lãnh vực an sinh xã hội, y tế, chăm sóc cao niên và khuyết tật. Tổng trưởng Ngân Khô Josh Frydenberg ví ngân sách 21-22 “tiếng gầm guồng máy kinh tế Úc sống lại” (Austrailian economic engine is roaring back to life) sau khi ‘bị thương’ bởi cơn đại dịch. Vì thực ra, nếu không có cơn đại dịch thì năm nay sẽ là năm ngân sách thặng dư như đã tiên liệu 2 năm trước. Tiếc thay, ngân sách năm nay thâm thủng trên 100 tỉ đô! Một con số khổng lồ như chưa từng thấy trong lịch sử tài chánh Úc Châu. Ông Frydenberg dự kiến, trong 5 năm tới mức thâm thủng vẫn trên 50 tỉ đô/năm. Chúng ta tự hỏi đến khi nào thì ngân sách mới có thể thặng dư? Món nợ công khổng lồ sẽ tích lũy cho nước Úc sẽ đạt mức 1,000 tỉ (hiện tại 729 tỉ đô) trong thời gian không còn xa và ai sẽ là người trả món nợ này, nếu không phải là các thế hệ con, cháu chúng ta?
Nhiều thách thức ập tới cho chính phủ Morrison và những thách đố ấy không hề đơn giản, dường như ‘tứ bề thọ địch’ cùng một lúc diễn ra: Nào là cơn đại dịch làm cho kinh tế Úc khựng lại kéo theo dân chúng mất việc làm dẫn đến việc chính phủ xuất tiền cứu nguy. Cùng một lúc Chính quyền csTQ trừng phạt Úc qua việc tẩy chay hàng hóa Úc và chủ ý tìm cách gây thiệt hại cho nền kinh tế Úc vốn rất mạnh trong lãnh vực xuất khẩu nguyên, nhiên liệu. Ngoài ra còn nhiều áp lực khác từ y tế, an sinh xã hội cho đến giáo dục…mặt nào cũng trong tình trạng bị chết chìm dưới mặt nước cần được cứu vớt. Nhìn lại hơn năm qua, tuy không phải là xuất sắc nhưng chính phủ Liên Đảng đạt được một số tiêu chuẩn mà các quốc gia khác phải vật lộn với.
Dù cạn kiệt tiền thu vào nhưng số chi ra vẫn phải duy trì vì nhiều lý do trước hết là nhu cầu không thể bỏ qua số người cao niên ngày một tăng theo thời gian mà dịch vụ chăm sóc lại hạn chế, ngân sách năm nay tăng thêm 17.7 tỉ đô cho dịch vụ này. Lời hứa giảm thuế cho cá nhân và thương nghiệp vẫn được tôn trọng để kích thích nên kinh tế và tạo thêm công ăn việc làm cho dân chúng, chỉ khoản tiền này thôi chính phủ đã bị giảm thu gần 30 tỉ đô tiền thuế. Vấn đề y tế trong đại dịch cũng gặm thêm ít nhất 6 tỉ đô, Cái mà tổng trưởng Ngân khố hy vọng là sự phục hồi kinh tế sẽ rất mạnh vì sau hơn một năm ‘bị thương’ do con Virus Vũ Hán, tất cả sẽ đứng dậy phục hồi, mạnh như xưa và hơn nữa.
Với ngân sách thâm thủng đáng kể, chính phủ dự đoán mức thất nghiệp sẽ chỉ khoảng 5%, trở lại thời kỳ trước khi xảy ra đại dịch. Điều này được Liên Đảng chú ý cho mục tiêu của họ là ‘rộng tay’ hầu xoa dịu những mất mát, bất mãn của dân chúng nhằm đánh bóng dư luận vì bầu cử Liên Bang sẽ diễn ra vào năm tới. Đó là chiến lược của các chính trị gia trong mùa tranh cử.
Nếu nói rằng ngân sách này đặt nền vững chắc cho kinh tế trong tương lai thì không đúng, vì ngân sách này không có khoản cho xây dựng cơ sở hạ tầng. Nhưng là ngân sách này xoa dịu giảm thiểu thiếu hụt cho dân thì có phần đúng hơn. Dẫu biết truyền thống của Liên Đảng là thu vào nhiều hơn chi ra. Nhưng đại dịch đã dịch đã phá tan thông lệ này. Tuy nhiên với nỗ lực của chính phủ Morrison chọn đường hướng và công bố ngân sách năm nay, có thể nói là, trong những cái tệ hại thì chọn cái ít tệ nhất là điều phải làm.
Cơn đại dịch đã thay đổi mọi dự đoán, kỳ vọng thậm chí thay đổi tư duy của mỗi người khi nhìn về ngân sách quốc gia. Ngay cả khối Đối Lập cũng khó có kế sách thượng thặng mặc dù họ cũng chỉ ra được những điểm yếu của ngân sách. Liệu Đối Lập có thể chọn cách khác, khả dĩ có một ngân sách xem ra hiệu quả hơn cho tương lai quốc gia Úc nếu họ được tín nhiệm? Thực tế mà nói, điều này không dễ chút nào, khi cơn đại dịch bất chợt ập tới mà khó có thể tiên liệu chuẩn bị. Ngay bây giờ, ngay cả khi có thuốc chủng ngừa, nền kinh tế tài chánh vẫn trong trạng thái bấp bênh rằng cơn đại dịch có thể bùng phát bất cứ lúc nào.
Adelaide Tuần Báo