Hàng năm Chủ Nhật Thứ 2 của tháng Năm là ngày dành cho Mẹ (Mother day). Tìm hiểu nguồn gốc ngày này trong văn hóa Đông cũng như Tây có lẽ, không khó khăn cho lắm. Hãy điểm qua những nét có tính lịch sử, văn hóa và tôn giáo về ngày dành cho Mẹ.
Năm 1905 khi mẹ của bà Anna Jarvis qua đời, để tưởng nhớ công ơn của mẹ không chỉ mang nặng đẻ đau, nuôi nấng mình lên người, mà còn tuyên dương những đóng góp của mẹ vào xã hội Hoa kỳ thời bấy giờ. Hoài bão của bà Jarvis đã thành hiện thực, ngày 10 tháng 5 năm 1908, bà Jarvis đã công khai tổ chức tại West Virginia USA, ngày dành cho mẹ (Mother Day) đầu tiên. Từ ý nghĩa và cử chỉ đẹp này, ngày nay đã trở thành ngày Mother’s day trên hầu hết các quốc gia, kể cả VN. Tuy một số quốc gia có ngày khác nhau trong năm, nhưng đa số chọn Chủ Nhật thứ hai của tháng Năm.
Sự trân trọng và đề cao tinh nghĩa của mẹ thực ra, nó gắn liền với lịch sử con người từ cổ chí kim. Trong văn hóa Tây phương thời cổ Hy lạp (Rhea), thời đế quốc Rôma (Cybele), và đến Thiên Chúa Giáo. Người Công Giáo tuyên dương mẹ Maria, mẹ của Đức Jesus là gương mẫu của các bà mẹ, mẹ của Giáo Hội vào tháng Năm, tháng Hoa dâng Mẹ. Phật Giáo có Đức Quán Thế Âm, tôn sùng dưới hình thức Mẹ và tháng Bảy, lễ Vu Lan tưởng nhớ công ơn mẹ. Mỗi dân tộc có tục lệ riêng về ngày dành cho mẹ. Có lẽ không có hình ảnh nào cảm động và ý nghĩa cho bằng phong tục của người Nhật, vào dịp lễ Vu lan, bạn được cài hoa hồng nếu còn mẹ, được cài hoa trắng nếu mẹ đã khuất. Hình ảnh ấy toát lên và diễn tả tâm trạng của con người: Hạnh phúc và sung sướng vì còn mẹ. Buồn, nhớ thương và cảm thấy mất mát vì mẹ không còn.
Đối với người Việt, chúng ta còn ví quê hương đất nước là mẹ: MẸ VIỆT NAM. Thời chiến, chúng ta thường nghe chương trình Gươm Thiêng Ái Quốc khi xướng ngôn viên loan báo tên các cán binh csVN sinh Bắc tử Nam: “Mẹ Việt Nam đau lòng khi những đứa con đã chết” (chương trình do nha tâm lý chiến thực hiện).
Quê hương, hay còn gọi là ĐẤT MẸ là một ví dụ khác, hình ảnh mẹ bao trùm trên những gì là gần gũi, cao quí, nếu không nói là thiêng liêng, đối với đời người được gắn liền như máu mủ ruột thị, bao bọc chở che trong lòng quê hương như trong lòng mẹ.
Người mẹ VN cùng với hoàn cảnh đất nước, có lẽ chịu nhiều khổ lụy và vất vả vì chiến tranh loạn lạc. Hòn Vọng Phu là một hình ảnh nói về người vợ bế con chờ chồng đi chinh chiến trở về. Chờ mãi đến độ biến thành đá, câu chuyện dù chỉ là huyền thoại nhưng toát lên được một sự thật, người mẹ VN cả cuộc đời gắn bó với non sông đất nước, gia đình: chồng và con. Ảnh hưởng mạnh từ Nho Giáo:Tam Tòng Tứ Đức là mẫu mực của người phụ nữ VN. Mẫu mực ấy trở thành khuôn đúc cho cuộc đời của hầu hết các bà mẹ VN từ thế kỷ này sang thế kỷ khác, trước mọi nghịch cảnh, người mẹ VN càng chứng minh những đức tính đáng quí ấy.
Trong cuộc nội chiến 44 năm về trước, có biết bao nhiêu bà mẹ (cả từ 2 phía) ‘đứt ruột’ khi chồng, con phải đi chinh chiến, rồi đau khổ như cả trời đất sụp đổ khi nghe tin chồng, con không bao giờ trở về. Tuy chiến tranh đã chấm dứt nhưng biết bao bà mẹ vẫn chưa hết khổ đau, khi chứng kiến cảnh chồng/con phải bị tập trung cải tạo và chết nơi rừng thiêng nước độc. Rồi đến những bà mẹ phải dứt lòng cho con ra đi vượt biên, vượt biển tìm tự do. Ngay cả những bà mẹ VN từng được gọi là mẹ anh hùng bên thắng cuộc, ngày nay bị đối đãi một cách bất công, trở thành dân oan của chính quyền Việt cộng mà các bà mẹ này từng cưu mang trong thời chiến. Kể ra hết, thiết tưởng không giấy mực nào viết đủ nhưng nỗi oan khiên cay đắng, khổ cực mà người mẹ VN phải chịu.
Ngày nay, hình ảnh các bà mẹ đi khiếu kiện, kêu oan, đòi đất, đòi công lý… đập vào mắt chúng ta hàng ngày. Quả thật, các bà mẹ lúc nào cũng sẵn sàng, ngoài bổn phận làm vợ, làm mẹ. Họ không quản ngại việc nước non khi cần đến, trong bất cứ hoàn cảnh nào. Họ không muốn nhìn thấy cảnh chồng, con bị tù đày. Họ lại càng không muốn quê hương và dân tộc VN bị mất đi bởi những kẻ tán tận lương tâm như đảng Việt gian cs, khi Việt cộng đem giang sơn mà cha ông gầy dựng đặt vào tay Phương Bắc. Và có lẽ điều quan trọng nhất là mẹ VN không muốn nhìn thấy cảnh con cháu mình bị nô lệ ngay trên mảnh đất thân thương VN.
Mừng ngày dành cho mẹ, không có gì quí hơn là biết ơn và trân trọng những hy sinh vất vả của mẹ. Những món quà là những biểu tượng của lòng biết ơn nhưng có lẽ, tiếp nối tinh thần hy sinh nhẫn nhục, chịu đựng của mẹ trong cuộc đời của mỗi người người con sẽ làm cho tinh thần về mẹ sống mãi. Adelaide Tuần báo kính chúc quí độc giả một ngày dành cho mẹ trọn vẹn.
Adelaide Tuần báo