Từ khi ông Donald Trump lên làm Tổng Thống Hoa Kỳ, vấn đề nhân quyền không còn là tiêu chuẩn quan trọng trong việc đối tác kinh tế, ngoại giao, chính trị với các quốc gia trên thế giới, kể cả những chế độ độc tài như csVN, Bắc Hàn, TQ. Đúng như dự đoán của ông Cesar Rodríguez-Garavito giám đốc OpenGlobalRight nhấn mạnh vào tháng 12/2016 rằng: “ông Trump thắng cử tạo ra sự rủi ro nghiêm trọng và thử thách cho vấn đề nhân quyền toàn cầu” (Donald Trump’s victory creates serious risks and challenges for human rights globally). Vấn đề nhân quyền gần như được cho chìm xuồng, không mấy nhắc tới, cụ thể là Bắc Hàn. Trong quan điểm này chỉ nêu vài dữ kiện cho thấy điều đó thực sự đang xảy ra.
– Hoa Kỳ út chân ra khỏi tổ chức nhân quyền thế giới là một động tác khẳng định rằng họ không thấy những lợi ích cụ thể, vì Hoa Kỳ cho rằng tổ chức này có phần thiên Tả và thiên vị khi tập chung chỉ trích, lên án Do Thái. Trong khi là thành viên, Hoa Kỳ phải bỏ ra số tiền lớn (20%) cho tổ chức này hoạt động
– Thượng đỉnh và hòa hoãn với Bắc Hàn, Hoa Kỳ không đặt bất cứ điều kiện gì trên chế độ này về vấn đề nhân Quyền, mà chỉ chú trọng đến vũ khí Hạt nhân.
– Thân thiện và lôi kéo Nga trong khi cả khối Âu Châu cô lập và trừng phạt Nga về những vi phạm chủ quyền và nhân quyền trên Ukraine.
– Đối tác nhiều hơn với VN trong khi Việt Nam ngày càng vi phạm nhân quyền bằng việc đàn áp người bất đồng chính kiến. Một số tù nhân lương tâm được thả và rời VN là do những nghị sĩ dân biểu Hoa Kỳ tích cực đòi hỏi, không phải là chính sách từ trên.
– Mạnh tay với TQ trên vấn đề kinh tế và quân sự chứ không phải là nhân quyền và chính trị.
– Nhìn đâu cũng thấy đường lối lãnh đạo của Trump gần 2 năm qua là đặt quyền lợi nước Mỹ trên tất cả, kể cả vấn đề nhân quyền.
Là người Việt quốc gia, chúng ta có quá nhiều kinh nghiệm về Hoa Kỳ, cũng vì quyền lợi và chiến lược mà họ đã đến VN từ thập niên 50, và rồi cũng vì quyền lợi, họ bỏ rơi VNCH vào năm 1975. Trong khi chúng ta, những người Việt Quốc gia tha thiết với tự do và dân chủ bị mất chỗ đứng ngay trên đất nước của mình, bị buộc vào thế thua cuộc và phải nhường cho chế độ độc tài cai trị, một chế độ coi nhẹ quyền con người, nếu không nói là áp bức mọi thứ quyền, kể cả quyền được làm người lương thiện. Hoa Kỳ tuy vẫn là quốc gia vô địch tôn trọng và bảo vệ nhân quyền. Tuy nhiên những gì đang diển ra trước mât, chính sách của TT Trump coi quyền lợi của Mỹ là ưu tiên hàng đầu. Nếu điều gì đó ngăn cản ưu tiên này, kể cả vấn đề nhân quyền, TT Trump sẵn sàng dẹp qua một bên. Đàm phán với Bắc Hàn là một bằng chứng. Chính sách Hoa Kỳ hiện nay, qua TT Trump không có điểm nào nói về nhân quyền tồi tệ tại Bắc Hàn, cũng không đòi hỏi bất cứ điều kiện gì liên quan đến nhân quyền.
Việc Trump giao hảo với Nga đặt ra nhiều câu hỏi. Bởi lẽ xưa nay dân chúng Mỹ vẫn coi Nga là đối thủ ‘nặng ký’ hơn là Tầu. Nhưng đối với Trump, xuất thân là tỉ phú nhờ làm kinh tế nên có cái nhìn khác, những gì có lợi và vì quyền lợi, miễn sao nước Mỹ của Trump mạnh mẽ và vĩ đại thì ông sẽ làm. Quyền lợi là mục tiêu trong chính sách của Trump.
Số đông người Việt quốc gia hài lòng về cách lãnh đạo của TT Trump, nhất là việc đối đầu với TQ. Cũng thế, chủ trương chống lại cánh Tả của Trump cũng đem ta lại gần với ông. Người Việt quốc gia đã từng bị truyền thông cánh Tả bóp méo sự thật, bị csVN lợi dung và bẻ cong lịch sử và cuối cùng, một trong những lý do chúng ta bị đánh giá, thiếu chính nghĩa và mất nước vào tay kẻ gian là thế. Hiện tại Việt nam là quốc gia vi phạm nhân quyền ngày càng nghiêm trọng, thế nhưng sự giao hảo giữa VN và Hoa Kỳ càng ngày càng ấm! TNS John McCain qua đời, đã được nhiều người Việt tại Mỹ gọi là ân nhân! Nhưng chính ông đã từng nỗ lực nối kết VN và Hoa Kỳ lại gần nhau và chế độ csVN coi ông là bạn tốt vì nhờ ông mà chế độ csVN vẫn hiên ngang cai trị, không hề bị Hoa Kỳ cô lập. Phải chăng tiêu chuẩn về quyền lợi (của cả bên) đã được đặt lên trên? Chính chúng ta lắm khi mâu thuẫn nội tại, rất ủng hộ ông Trump trong mọi chính sách, kể cả chính sách di dân mà ông cứng rắn theo đuổi. Nhưng việc hạn chế hay ngăn chặn ấy, làm cho chúng ta rơi vào tình huống của kẻ ‘qua cầu rút ván’, chính chúng ta cũng là di dân. Đồng ý với Trump về việc đánh thuế nặng trên hàng hóa TQ nhưng Trump và gia đình lại làm ăn và buôn bán với Tầu! Nhân quyền và quyền lợi có khi cùng chiều, nhưng sự thường thì trái chiều, vậy chọn thái độ nào cho hợp lý?
Adelaide Tuần Báo