Tờ The Guardian có tường trình và nhận xét rằng, bộ trưởng quốc phòng Peter Dutton nêu quan ngại về một chính phủ Lao Động do Albanese lãnh đạo, đó là ý muốn của đảng csTQ (Tầu cộng). Ông Dutton cho rằng Tầu cộng đã và đang định hình cho một chính phủ Liên Bang Úc phải thân thiện và ít bất lợi cho tham vọng của họ. Nói một cách cụ thể là Tầu cộng muốn Albanese làm thủ tướng và chính phủ Lao Động sẽ cho họ nhiều cơ hội xâm nhập và thao túng chính trường Úc Châu dễ hơn.
Phải công tâm mà nói, hai năm qua chính sách cứng rắn của chính phủ Liên Đảng Morrison đối với Tầu cộng đã được sự đồng thuận của đối lập Lao Động. Nhìn từ bên ngoài không ai có thể phủ nhận, trong một số lãnh vực, Lao Động còn quyết liệt với Tầu cộng một cách dứt khoát hơn. Ví dụ vấn đề vi phạm nhân quyền tại Tân Cương và Hồng Kông, ngay cả Lao động phản đối cựu TT Lao Động Paul Keating từng bênh vực Tầu. Mặc dù thượng nghị sĩ Penny Wong, phát ngôn viên ngoại giao và rất có tiềm năng sẽ là bộ trưởng ngoại giao nếu Lao Động thắng cử trong năm nay, bà là người Úc có cha gốc Tầu Mã Lai, dĩ nhiên nằm trong tầm ngắm của Tầu cộng để gây ảnh hưởng và tạo sự thân thiện dựa trên chủng tộc. Lao động ủng hộ hầu hết chính sách cứng rắn của Liên Đảng đối với Tầu Cộng kể từ khi đại dịch bùng phát. Ngay cả việc Morrison đề nghị cuộc điều tra nguồn gốc con Virus, đến việc tăng thêm ngân sách quốc phòng trên 270 tỉ đô cho thập niên tới.
Ông Peter Dutton đã không ngần ngại nói thẳng là Tầu cộng muốn Albanese làm thủ tướng và có kế hoạch thao túng chính phủ Lao Động cho mục tiêu xâm nhập lâu dài vào Úc nhưng ông ta không trưng ra được bằng chứng cụ thể. Phải nói rằng điều này cũng không ngoa vì các chính phủ Lao Động Úc trước đây từ Paul Keating, thi hành chính sách thân thiện và cởi mỡ với Tầu cộng vì lợi nhuận kinh tế. Chỉ có Mark Latham khi là lãnh tụ có vẻ dứt khoát. Thời Rudd và Gillard quá lỏng lẻo, thậm chí giảm ngân sách quốc phòng xuống mức thấp nhất. Chính vì thế mà Tầu cộng đã gầy dựng nhiều cơ sở có lợi cho họ ngay trên lục địa này. Nói như thế không có nghĩa là Liên Đảng không sơ hở, việc cho thuê 99 năm cảng Darwin diễn ra dưới thời chính phủ Turnbull do bộ trưởng thương mại Andrew Robb thỏa hiệp.
Cách đây 4 tháng phát biểu trong quốc hội, tổng bộ trưởng giáo dục Dan Tehan đã khen ngợi sự đồng thuận giữa chính phủ Tự Do và Đối Lập trên vấn đề liên quan đến Tầu Cộng. Tehan cho đây là điểm son của chính trị Úc Châu trong việc đối phó với tham vọng của Tầu cộng. Ông ca ngợi tinh thần hợp tác vì lợi ích quốc gia lên trên quyền lợi đảng phái riêng tư. Nhận xét trên là chính xác, vì chính trị Úc vượt qua cơn đại dịch được cho là rất ổn định so với Anh, Mỹ hay Âu Châu. Thế nhưng có những cơn sóng ngầm đang dần xuất hiện khi cuộc bầu cử Liên Bang sắp diễn ra. Hẳn nhiên người làm chính trị từ cả hai phía Tự Do và Lao Động đều tận dụng cơ hội này để tấn công và hạ thấp uy tín đối phương.
Dưới con mắt Tầu cộng thì chính phủ Tự Do Morrison cũng giống như chính phủ Cộng Hòa Trump của Mỹ. Tầu cộng không muốn ai vạch mặt chỉ tên cái xấu của họ. Nội các Liên Đảng Úc có nhiều chính trị gia chống Tầu cộng, mạnh nhất phải kể đến bộ trưởng quốc phòng Peter Dutton. Ông đã không ngần ngại nói thẳng và nói công khai khi có thể. Rõ nhất khi nói về hiệp ước AUKUS và Tầu ngầm Hạt Nhân, chính sách cứng rắn của Liên Đảng nhằm đối đầu với sự bành trướng Tầu Cộng. Truyền thông báo chí tại Úc tuy bị ảnh hưởng bởi cánh Tả khá nhiều nhưng chưa đến nỗi mù quáng và bị mua chuộc như tại Mỹ để đứng hẳn về một phía mà tấn công phía còn lại.
Công dân tiểu Bang Nam Úc sẽ đối diện với 2 cuộc bầu cử trong năm nay, trước nhất là bầu cử tiểu bang. Dù không thấy chính trị quốc tế có ảnh hưởng trên vấn đề tiểu bang nhưng không thể coi nhẹ vì sự xâm nhập của Tầu Cộng có thể nhìn thấy tự cấp Liên Bang nhưng không thiếu những tay chân đi lên từ cấp tiểu bang như ta biết kinh nghiệm tại NSW và Victoria trước đây có những dân biểu từng làm tay sai và biến thành cái loa cổ vũ cho Tầu cộng một cách công khai.
Adelaide tuần Báo