ADELAIDE TUẦN BÁO – Khi người ta sống quá quen trong một môi trường, người ta dễ quên đi những gì đã tạo nên môi trường ấy. Khi người ta may mắn trời cho có được một cơ thể lành lặn, hoàn hảo, người ta thấy các phần thân thể như tay chân, mắt mũi … là bình thường. Chỉ khi nào người ta không may bị cụt tay, mù mắt … mới thấy tay và mắt nó quý giá làm sao! Cũng vậy sống lâu trong thế giới tự do, có các quyền con người, quyền được bầu chọn lãnh đạo mà mình cho là xứng đáng … người ta cứ tưởng đó là tất nhiên và không thấy gì là quý.
Trái lại, khi phải sống trong thể chế độc tài, thì những điều tưởng là tất nhiên đó sẽ trở thành vô cùng khó khăn và xa xỉ, không khác gì những người đã cố gắng tự ứng cử đại biểu quốc hội khoá 14 ngày 22/5/16 tại VN vừa qua, có làm cách nào đi nữa, thì vẫn bị đảng cs tìm mọi cách ngăn chặn! Qua những cảm nhận như thế, chúng ta, những đồng hương tỵ nạn cs Việt Nam Nam Úc sẽ có thái độ nào cho ngày Bầu Cử Cộng Đồng ngày 11/11/2017 tới đây?
Samantha Power có nói: Voting is a cornerstone of democracy – Bầu phiếu là nền tảng cốt lõi của thể chế dân chủ. Đúng như vậy, vì qua lá phiếu, chúng ta có thể chọn những người lãnh đạo làm việc cho chúng ta, thông qua lập trường của họ, hay qua những chương trình họ trình bày phù hợp với quyền lợi của chúng ta, hoặc qua những yêu cầu, đề nghị của chúng ta khi trực tiếp tiếp xúc với họ.
Vì thế, cử tri như chúng ta hãy xem xét kỹ những ứng viên tranh cử: họ có khả năng lãnh đạo cộng đồng hay không? Lập trường ra sao? Họ có tầm nhìn xa trông rộng, có tài năng và có tâm lòng biết hy sinh cho việc chung hay không? Họ có những kế hoạch cụ thể nào giúp đỡ tích cực về phương diện vật chất và tinh thần cho đồng hương được thăng tiến? … Đó là những câu hỏi tiêu biểu trong một cuộc bầu cử dân chủ.
Đồng hương đôi khi dễ có những tư tưởng tiêu cực như: mình đi bầu hay không đâu có ảnh hưởng gì đến mình / mình bận bịu lo làm ăn, đâu có giờ đi làm chuyện “ruồi bu” đó / hãy để những chuyện đó cho những người liên quan đến tranh cử, những kẻ “vác ngà voi” mà dễ bị chửi lắm! Hoặc có tư tưởng là khi nào cờ đến tay mình, mình mới phất … Những điều đó xem ra có vẻ khôn ngoan, nhưng chắc chắn sẽ phải trả một giá khá đắt cho những hậu quả của nó. Câu chuyện Brexit là một sự hối tiếc điển hình cho những người trẻ Anh quốc khi thờ ơ không đi bầu trong cuộc trưng cầu dân ý.
Đúng như Louis L’Amour nói:
“To make democracy work, we must be a nation of participants, not simply observer”, để kiến tạo dân chủ, chúng ta phải là những tham dự viên, chứ không đơn thuần chỉ là những kẻ bàng quan mà thôi.
Hơn nữa, nếu nói về lý tưởng mà chúng ta đang tranh đấu cho một Việt Nam tự do dân chủ, thì làm sao chúng ta có thể thành công khi chính chúng ta coi thường cái quyền lợi bầu cử, ứng cử là cốt lõi của nền dân chủ mà chúng ta đang tranh đấu cho Việt Nam quốc nội!
Hiện nay, không ai mà không biết Cộng đồng chúng ta có những điều mà đang gây quan tâm đặc biệt sâu sắc cho đồng hương như: lập trường tỵ nạn của cộng đồng, phong trào Vinh Danh Cờ Vàng hay những vấn đề liên quan đến bản Nội Quy hiện hành … Lá phiếu của chúng ta sẽ là tiếng nói vô cùng giá trị hơn bao giờ hết cho những việc hệ trọng này.
Chính Martin Luther King đã xác nhận điều đó khi ông nói rằng:
“our lives begin to end the day we become silent things that matter”. Cuộc sống của chúng ta sẽ chấm dứt khi chúng ta im lặng không lên tiếng cho những điều đang trở thành vấn đề đó!
Người ta thường ví von trong các cuộc bầu cử rằng: mỗi lá phiếu là một viên gạch xây dựng nền dân chủ. Và sự quan tâm đến việc chung, đến sự phát triển của cộng đồng cũng chính là sự phát triển của chính chúng ta và của gia đình chúng ta. Trong cuộc tranh đấu cho tự do dân chủ, chúng ta thường trách móc những người Việt nam trong nước thờ ơ, vô cảm với vận mệnh đất nước! Nhưng bây giờ, cũng trong hoàn cảnh tương tự, chúng ta có vô cảm thờ ơ với sự sinh tồn, phát triển của cộng đồng người Việt tỵ nạn của chúng ta hay không? Viết đến đây chúng ta nhớ tới một lá thư để đời của một du sinh người Nhật nhắn gửi các bạn trẻ Việt Nam vài năm trước đây, trong đó có câu: “Tại các thành phố, thì chỉ cần nhà mình sạch sẽ là được rồi, ngoài phạm vi ngôi nhà dù bẩn đến đâu, cũng không ai quan tâm ngó ngàng tới!”.
Câu nói chỉ trích thói ích kỷ khá thấm thiá này sát với thực tế trong cuộc sống người Việt, tuy đau đớn và chạm tự ái dân tộc, nhưng nó cũng có thể biến đổi thành một động lực thúc đẩy tích cực tham dự vào việc chung của Cộng Đồng chúng ta hiện nay. Và từ đó chúng ta chắc chắn sẽ biết phải có trách nhiệm như thế nào cho cuộc bầu cử Hội Đồng Quản Trị nhiệm kỳ 23 của CĐNV Nam Úc này vậy.
TM. BTCBC HĐQT Nhiệm Kỳ 23
Ban Thông Tin Bầu Cử