ADELAIDE TUẦN BÁO – Tiểu bang Nam Úc hôm 5/9/17 khánh thành bệnh viện Royal mới toanh. (Viết tắt là nRAH để phân biệt với cơ ở bệnh viện cũ RAH). Phải nói rằng, sau hơn 10 năm với nhiều tranh luận và thách đố đến từ nhiều phía. Cuối cùng chính phủ Lao động cũng đạt đích điểm là xây lại bệnh viện Royal mới, không chỉ mới mà còn trang bị tân kỳ trong lãnh vực y tế. Đây là một thành quả đáng kể. Tuy nhiên không hẳn mọi thứ đều suông sẻ.
Tái qui hoạch lãnh vực y tế để tiết giảm ngân quỹ, mà vẫn muốn đáp ứng được nhu cầu: Đóng cửa bệnh viện phục hồi (Repatriation General Hospital) ở Daw Park, vài bệnh viện vùng quê. Tập trung dịch vụ y tế vào các bệnh viện chính như: nRAH, Flinders Medical Centre và Lyell McEwin etc… Chính phủ Lao động đã gặp nhiều phản đối khi các bệnh viện Modbury
và Queen Elizabeth có trong danh sách thu hẹp. Dân chúng rất quan tâm đến y tế, bất cứ thay đổi nào cũng gây giao động trong dư luận.
New Royal Adelaide Hospital
Nhà phân tích chính trị tiểu bang, tiến sĩ Dean Jaensch thuộc viện đại học Flinders viết trên The Avertiser (27/9/17) với bài “Weatherill takes his spin to new level” (Chính phủ Weatherill xoay xoay ở mức độ mới).
Ts. Jaensch cho rằng chính phủ Weatherill dùng thành quả nRAH để nhắm đến cuộc bầu cử tiểu bang, sẽ diễn ra vào tháng 3/2018. Nhưng theo ông, thành quả nRAH chưa đủ để Weatherill thuyết phục được cử tri tiếp tục bầu cho Lao Động. Nên nhớ rằng, thắng hay thua trong tranh cử tại Úc hiện nay, hầu hết nằm trong số phiếu ‘nghiêng bên này ngả bên kia’ (swing vote).
Trong khi vui mừng thành quả nRAH thì chuyện đáng tiếc về cơ sở cũ RAH, chính phủ đã đồng ý phát triển khu này thành chung cư, và các hoạt động thương mại khác. Tuy nhiên, mới đây đã quyết định hủy bỏ và phải bồi thường khoảng 10 triệu đô la cho công ty phát triển, số tiền thuế này của dân không phải là nhỏ. Tưởng cũng nên nhắc lại, khi lên kế hoạch xây
nRAH ngân khoản chỉ đòi hỏi 1.7 tỉ đô, khi hoàn thất lên đến 2.7 tỉ đô la! Nếu chính phủ Weatherill không cắt giảm chi phí y tế nơi khác thì lấy tiền đâu cho dự án nRAH?
Theo Ts Jaensch thì việc thay đổi kế hoạch phát triển cơ sở RAH là do động cơ chính trị, Dư luận không hài lòng về dự án này. Nhất là ghế dân biểu khu vực Adelaide đã mất về tay đảng Tự Do sau nhiều năm của đảng Lao Động. Ngoài ra Thủ Hiến Weatherill còn biện minh rằng, không phải đóng cửa bệnh viện phục hồi ở Daw Park mà chỉ di dời (relocation), thực
tế là đóng của hoàn toàn, di dời theo nghĩa các dịch vụ ấy sẽ thông qua các cơ sở y tế khác, mà cụ thể là Flinders Medical Centre etc…
Nhìn vấn đề một cách khách quan, thành quả nRAH không thể bỏ qua nhưng nó phải trả một giá rất đắt. Là những vấn đề nổi cộm trong lãnh vực y tế. Thí dụ dân chúng bất mãn khi qui hoạch lại vì những dịch vụ y tế công cộng ngày càng hạn hẹp. Những vấn đề khác nảy sinh, như việc đối xử tồi tệ với bệnh nhân tâm thần tại Aged Mental Health Care Service in Oakden mới đây cũng có thể là lý do dân biểu Leesa Vlahos rút lui! Rồi đến vụ Jack Snelling nguyên bộ trưởng y tế, chuyển tranh cử sang khu vực Florey, phạm vi của dân biểu Lao Động Frances Bedford, đã làm cho bà này tức giận và ra khỏi đảng Lao Động và quyết tranh cử với Jack Snelling trong tư thế độc lập (independent). Nhưng Jack Snelling sẽ rút lui khỏi chính trường vào cuộc bầu cử tới, cho nên ông Weatherill đang thuyết phục bà Frances Bedford trở lại với Lao động etc…
Thực tế mà nói, trước mặt chính phủ Lao động tiểu bang vẫn còn cả một dãy núi cao phải trèo, mặc dù họ đã trèo qua nhiều trở ngại trên 10 năm qua. Một trong những vấn đề thiết thực: Tiền điện dân chúng phải trả thuộc loại cao nhất thế giới, trong khi tiểu bang Nam Úc dồi dào nguồn tài nguyên năng lượng chẳng thua ai!
Nên nhớ là, dù cống gắng đến mấy Lao động cũng khó có thể duy trì được mức tín nhiệm sau thời gian quá dài lãnh đạo. Nhất là đi theo một khuynh hướng ‘tả’ về việc bảo vệ môi trường, trong khi bắt dân chúng phải trả tiền điện cao, mà lại còn bị cúp điện (Nhớ lại vụ cúp điện toàn tiểu bang cách nay 1 năm, 28/9/16)
Nói tóm, không thể phủ nhận những cố gắng của Lao động tiểu bang trong nhiều năm qua. Nhưng không vì thế mà chúng ta bỏ qua vấn nạn cần phải được giải quyết một cách rốt ráo, nhất là vấn đề bảo đảm nguồn cung cấp điện không bị cúp vào mùa hè tới đây và giá cả phải trả không thể quá đắt đỏ như hiện nay. Đảng nào làm được điều này, phần thắng sẽ đến với họ dễ dàng hơn. Đảng nào đặt quyền lợi dân chúng hơn quyền lợi riêng tư? Lao Động hay Tự Do dù sao cũng chỉ là những đảng phái chính trị, sự thường họ bảo vệ quyền lợi của mình bằng mọi cách. Sự khôn ngoan và khéo léo của những người làm chính trị là, họ có thể đem lại quyền lợi của dân chúng cũng như quyền lợi của họ cùng một lúc.
Nhìn lại mấy lần bầu cử trước đây, kết quả ngang ngửa nhưng Lao động vẫn giữ được vai trò lãnh đạo vì có tài lôi kéo, thuyết phục để có đủ túc số thành lập chính phủ. Chúng ta hy vọng lần bầu cử sắp tới sẽ đạt được kết quả tương đối rõ nét giữa đa số / thiểu số và không bị phụ thuộc bởi những yếu tố nhỏ hẹp, chi phối số đông cử tri. Vẫn còn 6 tháng cho việc cân nhắc nên bầu cho ai.
Adelaide Tuần Báo