Bài quan điểm tuần trước đề cập về viễn tượng thế chiến III có thể xảy ra, với các thế lực đối nghịch dần hình thành, căng thẳng giữa dân chủ và độc tài, nói một cách cụ thể cuộc trạm chán giữa thiện và ác. Đối đầu Mỹ-Tầu tiến dần đến bờ vực chiến tranh nóng là rất có thể.
Tại sao Hoa Kỳ mới thay đổi lãnh tụ chỉ 1 năm mà tình hình thế giới lộn xộn nhiều như thế? Khách quan mà nói khi ông Trump còn làm TT, Bắc Hàn ngưng thử tên lửa, Nga không nhúc nhích, Tầu cộng êm re. Chỉ có Iran ba hoa nhưng sau khi Hoa kỳ hạ sát tên tướng cầm đầu vệ binh quốc gia, Iran run sợ không dám hó hé. Hai năm qua, xã hội Hoa Kỳ bị khuấy động bởi cánh Tả, thế giới chao đảo vì con Virus, nguy cơ xâm lăng từ Âu sang Á. Có phải vai trò lãnh đạo quan trọng như thế nào trên bàn cờ quốc tế?
Trên tờ The Australian ra ngày đầu năm 2022 bài nhận định của giáo sư Peter Van Onselen, chuyên gia chính trị công cộng thuộc đại học Griffith, Tây Úc đã có bài: “Don’t write off a Trump presidency Mark II” khi ông cho rằng sự trở lại của cựu TT Trump là rất có thể và xu hướng thế giới đang định hình để Trump trở lại. Giáo sư Van Onselen đã từng viết nhiều bài đả kích Trump hai năm về trước. Ông ta cho rằng Trump theo chủ nghĩa cực Hữu và ưu tiên hóa quyền lợi Hoa Kỳ trên nghĩa vụ quốc tế. Tuy không nằm trong số ủng hộ Trump nhưng trước sự lụi bại của TT Biden và tình hình thế giới bất ổn hiện nay thì việc trở lại của Trump dưới con mắt cử tri Mỹ là rất có thể nếu không nói là cần thiết.
Đơn cử sự kiện khi Trump làm TT, giá xăng dầu toàn cầu rẻ phân nửa hiện nay, tại sao? Bởi vì chính sách của Trump là mở kho xăng dự trữ của Hoa Kỳ, bẻ gẫy mọi tập đoàn xăng dầu kể cả khối OPEC giữ giá xăng dầu cao để trục lợi. Nên biết Hoa Kỳ còn nhiều mỏ dầu khổng lồ tại Alaska và vịnh Mexico chẳng thua kém Trung Đông. Trump dám nói dám làm cho nên các thế lực xấu ngán sợ, kể cả csTQ và Nga. Trump kêu gọi mọi quốc gia đóng góp của cải vào quốc phòng, chứ không chỉ có Hoa Kỳ bỏ tiền ra làm cảnh sát quốc tế. Trump muốn Hoa Kỳ vĩ đại trở lại (MAGA) không có nghĩa là Hoa Kỳ chưa vĩ đại nhưng kích hoạt hơn lên thay vì đang dần suy yếu. Đó chính là cơ bắp mà thế lực thù địch dè chừng.
Biden mới làm TT được tròn 1 năm, uy tín của Hoa Kỳ tụt dốc không ‘phanh’. Tồi tệ nhất là vụ rút quân ra khỏi Afghanistan. Rồi đến việc TQ mắng nhiếc không tiếc lời tại hội nghị cấp ngoại giao tại Alaska tháng Ba 2021. Đến việc csTQ liên tục đe dọa Đài Loan và nay đa số chúng ta đều nhìn thấy TQ chiếm Đài Loan chỉ là vấn đề thời gian bởi anh cả Hoa Kỳ không có lãnh tụ mạnh mẽ. Cánh Tả thao túng, dắt mũi dư luận theo cách mà kẻ chủ mưu muốn đã thành công khi triệt hạ được Trump và họ sẽ tiếp tục làm hơn nữa để Hoa Kỳ yếu dần và không thể có một lãnh tụ khả dĩ cứng rắn, sáng suốt mạnh mẽ như thời TT Reagan. Một nửa thế giới Tự Do vẫn không thích cá tính của Trump như giáo sư Van Onselen nhưng trong số họ, nhận ra rằng Trump vẫn là một chọn lựa mà Hoa Kỳ cần trong bối cảnh hiện tại. Không biết trong 3 năm tới đây chính biến nào sẽ xảy ra và vị thế Hoa Kỳ có đủ khả năng chống chọi hay không.
Yêu chuộng hòa bình là lẽ tự nhiên của hết thảy chúng ta, chỉ có kẻ buôn bán vũ khí mới mong chiến tranh thế nhưng rất nhiều người lầm tưởng rằng hòa bình thì không cần quốc phòng mạnh, không cần cơ bắp răn đe mà cứ chấp nhận chịu lụy là thượng sách. Không phải thế, câu nói muốn có hòa bình phải chuẩn bị chiến tranh luôn luôn đúng. Nếu thế giới tự do không củng cố nội bộ, không liên minh và quyết tâm bảo vệ lẫn nhau thì kẻ gian sẽ lấn tới từng bước. Khó có thể nghi ngờ rằng những gì mà đảng csTQ đã, đang và sẽ làm, một mặt họ tỏ ra nhân nghĩa với thế giới đại đồng nhưng bề sâu của nó là lòng dạ nham hiểm, chuẩn bị một cuộc chiến 1 mất 1 còn, nhằm thâu tóm thế giới. Điểm khởi phát chính là Đài Loan rồi đến biển Đông, Đông Nam Á, Úc Châu và lan sang Phi Châu, Âu Châu và Điểm tối quan trọng vẫn là Mỹ Châu. Ai sẽ là lãnh tụ lãnh đạo thế giới hầu cầm chân đảng csTQ và đánh sập tận gốc guồng máy bất chính này?
Adelaide Tuần Báo