HOA NHÂN BẢN KẾT NỤ
“Em thấy hiện tại con đường nhân bản đã hội tụ được khá nhiều bạn trẻ.
Anh chị nghĩ sao nếu mỗi nơi làm một đề tài gì đó. Ví dụ nhóm Brisbane đa số từ miền Trung, chúng ta sẽ nghiên cứu sâu chi tiết về Formosa.
Rồi anh em tập dợt hoàn thiện. Đứng lên nói như các diễn giả. Sẽ mở những buổi đàm luận nhỏ tại Inala centre hay hội trường nào đó cho bà con nghe. Vì em nghĩ không phải ai cũng hiểu chi tiết về Formosa. Khi họ hiểu rõ, chúng ta sẽ đánh động được tình yêu nước của họ.
Nhóm khác làm về biển đông. Chắc chắn vị luật sư này không có thời gian mà đi gõ cửa, giải thích từng địa điểm. Nên chúng ta xin phép người đó đào tạo một nhóm người. Rồi cũng làm diễn giả.
Nhóm khác nghiên cứu về luật Magnitski…”
Trên là lời một bạn trẻ, đại diện cho một số tham dự viên Đại Hội từ Brisbane, trong độ tuổi 20. Đa số các bạn là cầm hộ chiếu Việt Nam.
Mấy ai ngờ hoa nhân bản đã đơm nụ, chỉ một tuần lễ sau ngày kết thúc Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới “Việt Nam: Con Đường Nhân Bản”. Với đề nghị này, sự thành công của Đại Hội đã vượt qua cả mục đích.
Mục đích của Đại Hội là giúp các bạn trẻ vượt sợ hãi. Nhưng không những các bạn đã vượt con sông sợ hãi mà còn bước lên bờ hành động. Mục tiêu của Đại Hội không chỉ đạt được mà còn vượt trên cả dự liệu.
Ngọn đuốc đấu tranh cho một Việt Nam nhân bản, từ tay chí sĩ Võ Đại Tôn trao cho đại diện của Phong Trào Giới Trẻ Thế Giới Vì Nhân Quyền, luật sư Trần Kiều Ngọc, đã đến tay bạn trẻ bốn phương chỉ trong 10 ngày ngắn ngủi.
Ánh lửa thiêng tuyệt vời. Không! Trên cả tuyệt vời mới đúng.
KHAI MẠC
Lễ khai mạc đại hội đã long trọng diễn ra tại Wesley Conference Centre, giữa tâm điểm của Sydney, vào lúc 7 giờ chiều, ngày 7/9/2017.
Sau phần rước quốc kỳ long trọng, xen kẻ những màn văn nghệ hoành tráng, với giàn trống, đội múa của câu lạc bộ Hùng Sử Việt, ban hợp ca của Đại Hội và giàn hợp xướng Lê Bảo Tịnh là phần phát biểu của các nhân vật quan trọng.
Nghị sĩ David Clark nói:
“Không có tự do lập đảng chính trị, không có công đoàn tự do, không có tự do báo chí, những người Việt Nam, trí thức, sinh viên, lãnh tụ tôn giáo, đang đứng lên đối diện với thế lực đè nén họ. Nhân quyền, công lý và tự do đang đến với Việt Nam, thời điểm kết thúc của Cộng Sản đang tới”.
Tiếp theo là phần phát biểu của dân biểu liên bang vùng Oxley, ông Milton Dick. Được biết, vài ngày sau đó, ông Milton đã khoác khăn choàng cờ vàng, đọc báo cáo trước quốc hội về việc ông dự lễ khai mạc của đại hội. Tại lễ khai mạc, ông nói:
“Tôi muốn quý vị tham dự hôm nay biết rằng quý vị có sự ủng hộ rộng khắp của chính giới”.
Ông nói thêm:
“Chúng tôi có bổn phận và trách nhiệm bước vào quốc hội, vào giới truyền thông, lên tiếng về sự vi phạm nhân quyền trầm trọng ở Việt Nam.”
Dân biểu Chris Hayes, bận họp quốc hội, cũng đã thu hình và gởi thông điệp của ông đến lễ khai mạc. Ông nói:
“Đại Hội này là cơ hội để các bạn bày tỏ sự ủng hộ về nhân quyền của các bạn đối với người khác, đối với những người yêu nước đặc biệt can đảm ở Việt Nam”.
Cả ba chính khách đều trình bày tình trạng nhân quyền bị chà đạp ở Việt Nam và bày tỏ sự ủng hộ nhiệt thành với Đại Hội. Điểm đáng ghi nhận nhất là phần đóng góp của ông Jens Gnisa, chủ tịch Liên Hội Chánh Án Đức qua một video.
Từ nước Đức xa xôi, cho biết rằng ông rất buồn vì VN vẫn không tôn trọng nhân quyền và quyết định tặng giải nhân quyền cho một luật sư ở VN. Ông nói thêm:
“Tôi rất hân hạnh được ủng hộ nguyện vọng chính đáng của quý bạn về việc đòi hỏi thực thi nhân quyền tại Việt Nam.”
Tiếp theo là diễn văn của tiến sĩ Hà Cao Thắng, chủ tịch Cộng Đồng Người Việt Tự Do NSW. Tiến sĩ Thắng kêu gọi sự yểm trợ lẫn nhau vì mục đích chung và khuyên khích giới trẻ tìm hiểu thêm về nhân quyền và tự do.
Có lẽ điểm nhấn của lễ khai mạc là phần phát biểu của chí sĩ Võ Đại Tôn. Cử toạ im lặng lắng nghe và một vài dòng nước mắt đã lăn xuống trước bài diễn văn ứng khẩu bi hùng của ông.
Cuối cùng trong phần phát biểu là diễn văn của BS Nguyễn văn Hoàng, điều hợp viên Đại Hội, và luật sư Trần Kiều Ngọc, chủ tịch Phong Trào Giới Trẻ Thế Giới Vì Nhân Quyền kim Trưởng Ban Tổ Chức Đại Hội. Luật sư Trần Kiều Ngọc nói:
“Không một thế lực sói lang nào có quyền giam cầm người yêu nước, cướp đất của dân chúng. Không ai có quyền tước đi quyền tự do ngôn luận, tự do lập hội, quyền làm chủ đất nước của đồng bào.
Đồng bào Việt Nam phải được hưởng trọn vẹn nhân quyền, dân chủ và tự do như mọi dân tộc tiến bộ trên thế giới. Chính quyền sói lang phải ra đi. Nhân bản sẽ trở về với VN.
Đó là không chỉ là công lý, mà đó là thiên lý!”
Lễ khai mạc chấm dứt vào lúc 9 giờ. Vì thời gian kết thúc đại hội có trễ so với dự liệu, việc di chuyển gặp chút trở ngại. Nhận xét về việc này, chị Bạch Phượng nói:
– Vì lễ khai mạc quá hoành tráng, các tiết mục văn nghệ thật hay, chương trình trôi chảy, bình luận viên vui vẻ, thân thiện, dí dỏm nên mọi người đều hài lòng bỏ qua những sơ suất nhỏ.
Tham dự viên lên xe bus, tiến về vùng núi Thanh Sơn (Blue Mountains) trong một đêm đầu xuân.
NGÀY THỨ NHẤT TRÊN THANH SƠN
Buổi sáng thức dậy, nhìn qua cửa sổ là rặng núi trải dài ẩn hiện qua những tàng cây xanh. Thiên nhiên trộn lẫn tiết xuân, khiến lòng người nhẹ nhàng thanh thản.
Huy, một tham dự viên trẻ, tâm sự sau Đại Hội là em choáng ngợp với địa điểm Đại Hội, một resort 4 sao mà em chưa từng tới, và cực kỳ ấn tượng với thành phần diễn giả. Em kết thúc phần cảm nghĩ bằng hai chữ “tuyệt vời”.
Từ diễn giả đến tham dự viên đều ghi nhận một đọt phá trong phong cách của Đại Hội: đúng giờ!
Chu Sinh, một tham dự viên từ Perth, ghi lại như sau:
“Trọng tâm của đại hội với chủ đề “Việt Nam con đường nhân bản” được bắt đầu với bài thuyết trình của Lm Phêrô Nguyễn Văn Khải với đề tài “Tự Do Tôn Giáo Tại Việt Nam”. Với cách nói chuyện mộc mạc và thực tế của “nhân chứng sống” trong vụ bách hại Thái Hà, thật chẳng có gì thuyết phục người trẻ về vấn đề đàn áp tôn giáo tại Việt Nam hơn được!
Bức tranh nhân quyền của Việt Nam, nhân quyền toàn cầu và khu vực Đông Nam Á đã được ông Michael Kirby, một cựu thẩm phán tối cao pháp viện Úc châu, đồng thời là cựu chủ tịch uỷ ban điều tra nhân quyền Cộng Hoà Nhân Dân Triều Tiên của Liên Hiệp Quốc, và bà Alison Gibbins, phó giám đốc hội Ân Xá Quốc Tế Úc châu, nêu lên trong gần hai giờ đồng hồ trong đại hội.
Hai phần trình bày này đã minh chứng một điều rằng tuy thế giới nhày nay văn minh nhưng nhân quyền nhiều nơi vẫn chưa được tôn trọng, đặc biệt là Việt Nam, nơi có một chính phủ luôn tìm cách lươn lẹo trước quốc tế.
Biển Đông là một vấn đề thật sự nóng bỏng hiện nay đối với chủ quyền đất nước mà mọi công dân Việt Nam đều quan tâm. Sự cố gắng vượt bậc của ban điều hành đại hội cùng sự nhiệt tâm của luật sư Nguyễn văn Thân đã đem đến cho đại hội và các bạn trẻ những hình ảnh, thông số làm trăn trở biết bao con người.
Mặc dù đây là đề tài” khô khan” và khó nuốt nhưng các tham dự viên đã chăm chú lắng nghe, điều đó nói lên rằng người dân Việt không thờ ơ nếu có một chính phủ có trách nhiệm. Chúng ta hoàn toàn có khả năng đòi lại được những gì mà tiền nhân đã khó nhọc mở cõi và được quốc tế công nhận. Thật sự đó là một điều đáng mừng.”
Trương Minh Quân, một tham dự viên từ Sydney, trong livestream hậu Đại Hội cho biết, anh học hỏi rất nhiều về phương thức hoạt động và vận động nhân quyền qua phần thuyết trình của bà Alison Gibbins, phó giám đốc Ân Xá Quốc Tế Úc châu.
Đề tài “Chết trong đồn công an- Công Lý và Đạo Đức”, qua sự trình bày của kỹ sư Hoàng Ngọc Diêu, đã để lại một ấn tượng không thể phai nhoà trong cử toạ: một chính quyền vô nhân bản.
Một tham dự viên trẻ từ Brisbane cho biết anh có bạn là con của sĩ quan cấp tá bộ đội, đang học đại học ở VN. Người bạn này luôn theo dõi, học hỏi và tiếp thu những thông tin từ kỹ sư Hoàng Ngọc Diêu qua những bài nói chuyện của ông.
Một số tham dự viên nhận định với giọng nói đều đều nhưng kỹ sư Diêu lại rất lôi cuốn với cách trình bày khoa học và phân tích hợp lý của ông.
Để thay đổi không khí, trong ngày đầu này, Ban Tổ Chức đã trình chiếu video “Việt Nam: Con Đường Nhân Bản”. Khúc phim này được cử toạ yêu thích và đánh giá cao về mặt nội dung lẫn hình thức. Đoạn phim đi ngược dòng lịch sử, nhấn mạnh những sự kiện cận đại, cho người xem thấy rõ hai hiểm hoạ của đất nước: hiểm hoạ ngoại xâm của phương Bắc và độc tài bán nước của CSVN.
(Còn tiếp)
Ban Thông Tin
PT GTTG vì NQ