Australia đề xuất dự luật cấm trẻ dưới 16 tuổi sử dụng mạng xã hội, với mức phạt lên tới 32 triệu USD cho các nền tảng vi phạm.
Chính phủ Australia vừa trình lên Quốc hội một dự luật được xem là nghiêm ngặt nhất thế giới, nhằm cấm trẻ em dưới 16 tuổi sử dụng mạng xã hội và áp dụng mức phạt lên tới 32 triệu USD đối với các nền tảng không tuân thủ quy định.
Dự luật yêu cầu các mạng xã hội như TikTok, Instagram và Facebook phải áp dụng hệ thống xác thực độ tuổi để ngăn chặn người dùng chưa đủ tuổi truy cập. Đặc biệt, ngay cả khi có sự đồng ý của phụ huynh hoặc tài khoản đã đăng ký từ trước, cũng sẽ không có ngoại lệ.
Thủ tướng Australia, ông Anthony Albanese, nhấn mạnh: “Các nền tảng truyền thông xã hội sẽ có trách nhiệm chứng minh rằng họ đang thực hiện các bước hợp lý để ngăn chặn trẻ chưa đủ tuổi truy cập. Trách nhiệm này không thuộc về cha mẹ hay người dùng trẻ tuổi, và họ sẽ không phải chịu bất kỳ hình phạt nào.”
Dự luật được đưa ra sau hàng loạt nghiên cứu cho thấy tác động tiêu cực của việc lạm dụng mạng xã hội đến sức khỏe thể chất và tâm lý của trẻ em. Nhiều trẻ em đã bị tiếp cận với các nội dung không phù hợp như bạo lực, tự hủy hoại, sử dụng chất kích thích và thói quen ăn uống không lành mạnh.javascript:if(typeof(admSspPageRg)!=’undefined’){admSspPageRg.draw(2030177);}else{parent.admSspPageRg.draw(2030177);}
(Ảnh minh hoạ: Freepik)
Bà Michelle Rowland, Bộ trưởng Bộ Truyền thông Australia, chia sẻ: “2/3 trẻ em từ 14 đến 17 tuổi tại Australia đã tiếp xúc với các nội dung độc hại. Thuật toán của mạng xã hội không chỉ thao túng tâm lý mà còn giữ chân người dùng trên nền tảng lâu hơn. Các mạng xã hội biết quá rõ về người dùng, đôi khi vượt xa những gì chúng ta tưởng tượng”.
Dự luật này đã làm dấy lên tranh luận tại Australia. Một số ý kiến ủng hộ, cho rằng luật sẽ giảm các tác động tiêu cực như bắt nạt trực tuyến hay lan truyền nội dung độc hại. Tuy nhiên, cũng có ý kiến bày tỏ lo ngại về khả năng trẻ em tìm cách lách luật, đồng thời nhấn mạnh cần đảm bảo quyền riêng tư và quyền tiếp cận công nghệ của người dùng nhỏ tuổi.
Anh Raghav Prasad, một người dân Australia, nhận định: “Nếu không có hành động mạnh tay, tình trạng bắt nạt trực tuyến và lan truyền nội dung độc hại sẽ tiếp tục. Tuy nhiên, trẻ em rất thông minh, chúng có thể tìm cách vượt qua các rào cản này”.
Chính phủ Australia cam kết dự luật sẽ duy trì sự linh hoạt, cho phép trẻ truy cập các nền tảng hỗ trợ giáo dục và sức khỏe như Headspace, Google Classroom hay YouTube.
Nếu được thông qua, các nền tảng mạng xã hội sẽ có một năm để triển khai và thực hiện các quy định mới. Đây được xem là bước đi đột phá, đưa Australia trở thành một trong những quốc gia đầu tiên luật hóa độ tuổi tham gia mạng xã hội.