Giờ đây, tuy vẫn làm chủ cuộc chơi, nhưng Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đang phải đối mặt với nhiều đợt sóng ngầm trong nội bộ. “Bộ Tam” về tổng thể, tuy không còn cố kết với nhau như cách đây mấy tháng. Các chân ghế của “Bộ Tam” cũng đang lần lượt bị rung lắc dữ dội.
Ngày 6/9/2022, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN) công bố Quy định số 80-QĐ/TW về phân cấp quản lý cán bộ và bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử. Quy định dài có sáu chương với 33 điều và ba phụ lục. Quy định này thực ra đã được ĐCSVN thực hiện lâu nay. Theo giới phân tích, ý nghĩa thời sự của nó là Đảng cho công bố công khai trước ngày khai mạc Hội nghị TƯ-6 để tái khẳng định quyền lực của Bộ chính trị (BCT). Nhưng mặt khác, việc tăng cường quyền lực của BCT vào thời điểm hiện nay cũng cho thấy, TBT Trọng và bộ sậu đang rất lo lắng trong việc thâu tóm đa số Ủy viên Trung ương đối với các vấn đề nhân sự quan trọng (1). Với những ai quan sát tình hình chính trị nội bộ Việt Nam, câu hỏi bật ra một cách tự nhiên. Phải chăng TBT Nguyễn Phú Trọng, tại thời điểm hiện nay, đang chuẩn bị cho tình huống sắp phải chuyển giao quyền lực của mình?
“Chân ghế TBT” bị rung lắc
Trước thời điểm ĐCSVN công khai Quy định số 80, trong dịp Quốc khánh 2/9, nhà nghiên cứu chính trị, TS. Lê Kiên Thành, con trai cố TBT Lê Duẩn phát biểu trên báo “Ngày Nay”: Nhiều người hỏi tôi, công cuộc phòng chống tham nhũng tiêu cực của ta hiện có hiệu quả không? Về việc này, tôi đã phát biểu nhiều lần, chuyện “củi lò” hiện nay phần lớn là để an dân. Mình chỉ nói về một “cái lò” chứ không nói đến chuyện làm sao để “củi” không bị mục, “cây” không bị mục, “cây” không thành “củi”… Nếu chọn những cây như cây Tùng, cây Bách thì củi chỉ là cái gì đó rất nhỏ, còn bóng mát của nó, thân cây của nó đứng sừng sững giữa trời, giữa muôn ngàn bão tố. Còn ở đây, mình đôi khi chặt cả “củi tươi”. Hiểu thế nào là “củi tươi”, đấy không phải là “củi”. Muôn đời nay, người ta hiểu củi là cây mục nát, đã rơi xuống đất không còn sử dụng được nữa, chẳng có ai đi chặt cây tươi làm củi cả (2).
Xem thế để thấy, sự nghiệp “đốt lò” của ông TBT không được TS. Lê Kiến Thành đánh giá cao. Nhưng ông Trọng, một lần nữa vẫn phải đưa ra lời kêu gọi dứt điểm các vụ án lớn, từ Việt Á đến bay giải cứu, từ Quyết còi FLC đến Tân Hoàng Minh… Vụ nào cũng “hoành tráng” cả. Kẹt một nỗi, dư luận đang trỏ vào cái Huân chương (HC) Lao Động đến nay vẫn chưa bị xóa sổ. Người dân chất vấn, khi tự mình ký vào Quyết định tặng HC, Nguyễn Phú Trọng đã không chỉ hợp pháp hóa mà còn cổ động công khai cho bộ kít xét nghiệm COVID-19 của Việt Á vốn đã bị WHO phủ nhận giá trị khoa học. Biết vậy mà các bộ máy của ông Trọng vẫn ép hàng triệu người Việt Nam ngoáy mũi! Tức là Nguyễn Phú Trọng – xét cả trên mặt luật pháp lẫn trách nhiệm và lương tâm đạo đức của người đứng đầu Đảng và Nhà nước– qua hành động nói trên với tư cách Tổng bí thư và Chủ tịch nước, có trách nhiệm không thể chối bỏ! Vì xét về mặt tổ chức của chế độ toàn trị CSVN thì TBT là người đứng đầu chỉ huy toàn bộ công việc; có thể ví như một kiến trúc sư trưởng vẽ họa đồ cho cả ngôi nhà; các thợ xây (các Ban đảng, các Bộ trong chính phủ…) chỉ làm theo họa đồ của kiến trúc sư. Như thế có thể nói, trong vụ Việt Á tham nhũng từ trên xuống dưới, từ trung ương tới các địa phương, Nguyễn Phú Trọng nếu không phải là thủ phạm thì ít nhất cũng là tòng phạm! (3)
Việt Á vẫn đang nóng, thì dư luận lại “bới tung” vụ Trợ lý TBT Hồ Mẫu Ngoạt để chất vấn ông Trọng. Năm ngoái, ông Trọng đã buộc phải cho Hồ Mẫu Ngoạt “về vườn”. Thực ra, giới phân tích lâu nay đã nghi ngờ Trợ lý TBT, bởi tổng đạo diễn kịch bản Việt Á phải tầm cỡ người của Văn phòng TBT mới có thể sai khiến được các Ủy viên Trung ương, Bộ trưởng như Chu Ngọc Anh, Nguyễn Thanh Long. Tuy nhiên, “trùm cuối” chưa hẳn đã dừng lại chỗ Văn phòng TBT. Dư luận còn đi xa hơn, chính Trung Quốc đã sử dụng kịch bản “kit test Việt Á” để cài bẫy, cho vào tròng hàng loạt các quan chức lãnh đạo Việt Nam. Bắc Kinh không cần sử dụng súng đạn mà chỉ sử dụng vài chục triệu kit test giả với giá rẻ như cho không, nhưng đã làm cho nội bộ ban lãnh đạo ĐCSVN bấn loạn, mất sức chiến đấu. Nội bộ nghi ngờ lẫn nhau và chia rẽ sâu sắc…, đặc biệt người dân mất lòng tin với lãnh đạo. Đấy mới là cái gốc của vấn đề mà “trùm cuối” ngoại bang luôn mong muốn. (4)
Cục diện quốc tế và khu vưc hiện nay càng khiến cho Hội nghị TƯ-6 có ý nghĩa đặc biệt. Cuộc chiến của Putin ở Ukraina và những con vi-rút gây bệnh từ Vũ Hán (Trung Quốc) trở thành đại dịch COVID đã khiến Việt Nam lao đao. Cũng giống ở nước Nga xa xôi về địa lý nhưng gần gũi về “mô hình độc tài – toàn trị”, cuộc chiến tàn khốc bước sang tháng thứ bảy, nhưng truyền thông ở Việt Nam vẫn chưa cho phép gọi đó là một “cuộc chiến tranh”. Ở Nga, ai gọi đó là chiến tranh, bị phạt 15 năm tù. “Chiến dịch quân sự đặc biết” ấy dường như sẽ cho “knock out” chính sách đa dạng hóa của Việt Nam. Chưa biết cuộc chiến phi pháp này sẽ kết thúc ra sao. Nhưng nếu tiếp tục bị cột vào “cỗ xe” Nga – Trung, bang giao quốc tế của Việt Nam sẽ hết sức xám xịt. Quan hệ không chỉ tuột dốc với Hoa Kỳ, mà ngay cả với châu Âu, cả trong lẫn ngoài EU, sẽ trắc trở. Tình hình này khiến cho “ngoại giao cây tre” mà ông Trọng từng cổ súy sắp biến thành “ngoại giao cây sậy”. (5)
Nhưng các ghế khác cũng bấp bênh
Hồi Hội nghị Trung ương 5 tháng 5/2022, “bộ tam” Chính – Phúc – Huệ từng tạo được một thế trận liên hoàn ép Tổng Trọng nghỉ hưu. Lúc bấy giờ, đại diện các nhánh hành pháp do Thủ tướng Phạm Minh Chính và Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc làm chủ công đã lựa thế, với sự chống lưng của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ. Tuy nhiên, cuối cùng “Bộ Tam” hồi bấy giờ vẫn không đấu lại được với xu hướng của phái “phò” ông Trọng trong Trung ương và kết quả là TƯ-5 thống nhất là chưa thay TBT vào dịp ấy. (6)
Giờ đây, tuy vẫn làm chủ cuộc chơi, nhưng ông Trọng phải đối mặt với nhiều đợt sóng ngầm hơn trong nội bộ. “Bộ Tam” về tổng thể, tuy không còn cố kết với nhau như cách đây mấy tháng. Lý do là vì, các chân ghế của từng trụ trong “Bộ Tam” cũng lần lượt đang bị rung lắc dữ dội. Trước hết là Thủ tướng Phạm Minh Chính, vốn được cho là candidate mạnh trong cuộc đua ghế TBT.
Nhưng rồi đùng một cái, trang mạng “intelligenceonline” của Israel đang hại ông. Nguồn tin lấy từ Tình báo Israel tiết lộ vào hôm 30/8. Theo đó, nguồn tin này nhắc lại, vào ngày 18/8, Cơ quan Điều tra thuộc Bộ Công an Việt Nam thông báo diễn tiến mới của vụ việc, đó là ra quyết định khởi tố vụ án “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Công ty Cổ phần Tiến bộ Quốc tế AIC và Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh hồi năm 2012. Lúc đó ông Phạm Minh Chính là Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh. Chủ tịch AIC, bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn từng bị khởi tố trong một vụ án khác hồi tháng 4 trước đó. Bản thân bà Nhàn từng là trung gian cho các thương vụ mua bán vũ khí giữa Việt Nam và những nhóm quốc phòng Phương Tây. Trong đó có thương vụ mua bán một vệ tinh quân sự cho Tập đoàn Công nghiệp Hàng không Vũ trụ Israel (IAI) hồi năm 2018. Tờ báo Israel chạy tít lớn “Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính có thể dính líu trong vụ tham nhũng của Công ty Tiến bộ Quốc tế AIC”, mà Chủ tịch bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn đang trốn lệnh truy nã. (7)
Trước khi chuyện của ông Chính vỡ lỡ, chân ghế của Chủ tịch Nguyễn Xuân Phúc cũng “cọt kẹt” với câu hỏi rúng động: Vợ Nguyễn Xuân Phúc có phải là “trùm cuối” đứng sau Việt Á? Blogger Bùi Thanh Hiếu cho biết: “Hiện công an đang làm rõ các cuộc gọi đi lại hai chiều từ số điện thoại của Phan Quốc Việt, Tổng giám đốc công ty Việt Á, đến máy có số đuôi là …89555. Và cuộc gọi từ số này đến các tỉnh thành khác trong năm 2020 và 2021. Phần tin nhắn cơ quan công an đã thu thập đẩy đủ và trình Trưởng Ban chỉ đạo chống tham nhũng”. Hiện nay chuyện ông Nguyễn Xuân Phúc để vợ nhúng vào quá nhiều phi vụ làm ăn đang là một scandal lớn. Bề ngoài thì xem như ông Phúc ém được một số chuyện, nhưng trong nội bộ thì chưa biết các bên thỏa hiệp được đến đâu. Dư luận cho rằng, nhưng vụ Việt Á và Dự án thoát nước 10 ngàn tỷ VND tại TPHCM vẫn là cơn sóng ngầm, nó có thể quật ngã một trong những trụ lớn nhất không chừng. (8)
Sau ông Chính và ông Phúc, đến lượt Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, vốn là “đệ tử” của TBT cũng đang khá đau đầu. Nhân dịp Quốc khánh 2/9, ông Huệ nói rất hay về triết lý giáo dục: “Chăm lo, giáo dục thật tốt cho các em là nền tảng căn bản nhất, là ‘chìa khóa’ để hướng tới tương lai, giải phóng con người khỏi mọi nghèo nàn, lạc hậu, để có cuộc sống ấm no, tự do và hạnh phúc…” Tuy nhiên, không biết ông Huệ có quan tâm không, chứ dư luận gần đây xầm xì kinh lắm. Họ nêu ra một câu hỏi to đùng: Lương tháng của ông và phu nhân cộng lại, không thể nhiều hơn 20 nghìn USD/năm. Trong khi chi phí học tập và sinh hoạt của con gái ông ở Mỹ không ít hơn 100 nghìn USD/năm. Nghĩa là mức thu và chi mỗi năm của nhà ông chênh lệch 80 nghìn USD. Vậy ông lấy đâu ra số tiền 80 nghìn USD/mỗi năm (còn phải nhân lên 4 năm) để chi trả cho việc du học của con mình? Câu hỏi này nếu đưa vào chương trình thi đấu “Đường lên đỉnh Olympia” thì có thánh IQ cũng không giải nổi! (9)
*
Tăng cường “tính tập quyền” cho 18 Ủy viên BCT để TBT Nguyễn Phú Trọng có thể rút lui khỏi chính trường. Nhân sự cấp cao sẽ được BCT chuẩn thuận trên cơ sở của một “chiếu chỉ” từ đâu đó, sau các màn “đấu đá” hậu trường và có thể được công bố chính thức trước kỳ họp Quốc hội tiếp theo Hội nghị TƯ-6. Các chính khách được đồn đoán sẽ ngồi vào ghế lãnh đạo tối cao của đảng sẽ là kết quả so kè giữa ông Phạm Minh Chính, ông Vương Đình Huệ và có thể thêm một vài vị nữa. Nhưng ngay đến cả tin đồn đoán ông Nguyễn Phú Trọng sẽ “rút lui khỏi chính trường”, vẫn phải chờ đến “phút 89” mới có kết quả cuối cùng.
Tham khảo:
2. https://ngaynay.vn/tien-si-le-kien-thanh-nguoi-tran-tro-hai-chu-nhan-dan-post124561.html
3. https://vietnamthoibao.org/vntb-bao-gio-nguyen-phu-trong-biet-rut-lui-de-lam-nguoi-tu-te/
4. https://saigonnhonews.com/thoi-su/viet-nam/vu-an-viet-a-lai-noi-ve-trum-cuoi/
8. https://thoibao.de/blog/2022/08/31/dong-ho-dem-nguoc-ve-ngay-phan-quyet-so-phan-ong-chu-tich-phuc-ket-thuc-ra-sao/
9. https://www.youtube.com/watch?v=-6qc5isanx8&ab_channel=thoibao.de