Ở Việt Nam ngày 30 tháng Tư và 1 tháng Năm là ngày nghỉ lễ vì chính quyền csVN coi đây là ngày đại thắng khi họ gọi là ‘giải phóng’ miền Nam, thống nhất đất nước vv và vv.. Trước đây chỉ có người miền Nam, những nạn nhân trực tiếp của biến cố này đau buồn, uất hận, ngày nước mất nhà tan, hàng triệu người phải tìm đường ra đi. Bây giờ thì khác, dù là Nam hay Bắc và sinh ra, lớn lên dưới chế độ csVN, nếu quan tâm đến vận mệnh quốc gia dân tộc, đều nhận ra rằng ngày 30/4/1975 không nên xảy ra và ‘nếu’ được đi lại để chọn, thì họ sẽ không cho phép nó xảy ra. Nhưng trên đời chữ ‘nếu’ không là thực tại cho nên những cảm xúc như hối tiếc, ân hận và hờn trách cứ tràn về mỗi dịp 30/4 và sẽ còn mãi chưa bao giờ nguôi. Ngay cả cố thủ tướng csVN thời kỳ 1991-1997 Võ Văn Kiệt nhận thức được một sự thật mà những người bên thắng cuộc dù cố che đậy cũng không thể, khi ông ta nói “ngày 30/4 có triệu người vui thì cũng có triệu người buồn”. Đúng thế, cái vui của kẻ thắng cuộc vì họ đã cướp đi, giết chết hạnh phúc tự do của người khác. Miền Nam đâu cần giải phóng, ngược lại miền Bắc mới cần được giải phóng như công dân miền bắc Nguyễn Quang Lập đã từng nói. Miền Nam là quốc gia tự do và dân chủ từng tự hào là quốc gia không thua kém bất cứ quốc gia láng giềng nào kể cả Hàn Quốc và Singapore. Miền Bắc mới bị kìm kẹp, đói nghèo và lạc hậu cần được giải thoát. Trớ trêu thay csVN đã lộn ngược chủ thể, lừa gạt cả nước với danh nghĩa giải phóng dân tộc đánh đuổi đế quốc etc…
46 năm đã qua, hai phần ba dân số Việt Nam sinh ra sau ngày này, họ không có khái niệm và kinh nghiệm về thời VNCH, cho nên phần lớn bị lừa gạt vì sự dối trá của bộ máy tuyên truyền csVN rằng chế độ VNCH xấu xa cần phải thay đổi và người dân cần dược giải phóng. Xã hội ngày hôm nay dưới chế độ csVN thua xa với xã hội thời VNCH cả về chất lẫn lượng, nó băng hoại và tuột dốc gấp trăm lần thời trước 75. Đạo đức luân lý suy đồi đến mức học đường không phải là cái nôi đào tạo con người kiện toàn đức, trí, dục mà là nơi cạnh tranh, phân chia giai cấp, học cách thức để có tiền và có quyền, nói tóm là ‘cơm gạo áo tiền’ là mục tiêu. Không lý tưởng quốc gia dân tộc, lòng ái quốc nhạt nhẽo và chỉ tồn tại trong trận bóng đá và những cái ‘nhất’ vô duyên khi so sánh với các dân tộc khác. Khái niệm quốc gia dân tộc chỉ được phép lớn lên và nằm trong khuôn khổ của đảng csVN, vì quyền lợi và sự tồn tại của cái đảng này mà thôi.
Nên biết rằng bàn cờ giữa Hoa Kỳ và csTQ đã binh bố để ngày 30/4 tháng Tư xảy ra, chứ csVN dù có ‘ba đầu sáu tay’ cũng không thể chiếm được miền Nam dễ dàng như thế. Cho nên sự tự hào của bên thắng cuộc không phản ảnh sự thật của vấn đề. Tiếc thay thế cờ nước lớn đã là tai ương cho dân tộc VN cho đến bây giờ, khi kẻ thù phương Bắc đang chờ cơ hội thôn tính VN.
Nước VNCH dù không còn hiện hữu nhưng tinh thần VNCH, dù chỉ vỏn vẹn 20 năm tồn tại, sẽ còn sống mãi trong lòng dân tộc VN. Điển hình là văn hóa nghệ thuật nhân bản của một thời ngắn ngủi ấy hiện nay là nguồn cảm hứng cho thế hệ trẻ qua những bài ca sống mãi trong lòng người.
Người csVN dù có huênh hoang đến đâu và tổ chức có rình rang đến mấy về ngày mà họ gọi là đại thắng, thì sự thật vẫn là sự thật. Họ đã bị lật tẩy và sẽ còn bị vạch trần về sự gian dối, đánh tráo khái niệm về dân tộc và cái đảng của họ. Giải phóng hay là ăn cướp, Một ví dụ gian xảo không thể chối cãi, ngay khi chiếm được Saigon, ‘đồng chí’ Lê Duẩn đã ra lệnh chở 16 tấn vàng, tài sản của nước VNCH ra Bắc chia chác với nhau trong đảng, đồng thời tung tin ‘tổng thống ngụy’ Nguyễn Văn Thiệu đã tẩu tán ra nước ngoài làm của riêng! Tin này được tung ra có chủ đích khiến ngay cả đài BBC cũng tin như thế và rất nhiều người Việt thuộc cả hai phía lên án cố TT Thiệu.
Bao lâu chính quyền csVN còn gọi 30/4 là đại thắng thì bấy lâu nỗi đau và uất hận của người Việt tự do lại một lần nữa khơi dậy, kéo theo sự hòa giải không bao giờ có thể đến vì kẻ cướp lại cho là có chính nghĩa và người bị cướp trở thành nạn nhân và bị trù dập cho đến hôm nay.
Adelaide Tuần Báo
previous post