Chỉ trong vòng 8 năm, Úc thay đổi 5 vị thủ tướng: Kevin Rudd thắng cử về cho Lao Động 2007. Tưởng vững như thời của John Howard (1996-2007), nào ngờ chưa đầy 3 năm sau (2010) ông Rudd bị thay thế bởi bà Gillard, nội bộ đảng Lao Động đấu đá, cuối cùng ông Rudd trở lại và chẳng bao lâu sau Lao Động mất quyền lãnh đạo về tay Liên Đảng. Bài học cũ vẫn không được đảng Tự Do học thuộc, thế nên chỉ 2 năm sau, ông Abbott của Liên Đảng lại được thay thế bởi Malcolm Turnbull và rồi chưa đầy 3 năm, lại được thay thế bởi Scott Morrison. Theo nhận định ‘khôi hài’ của Troy Bramspton trên tờ The Australian (25/8) thì Úc được mệnh danh là thủ đô của thế giới về đảo chánh (Australia has cemented its reputation as the coup capital of the world)! Dân chúng Úc thật chán ngấy cái cảnh thay ngựa giữa đường này lắm rồi. Nhưng dưới hệ thống chính trị Westminster thì đây là chuyện có thể và được phép xảy ra. Trong quan điểm này chỉ chú trọng tại sao đảng Tự Do lại muốn thay đổi lãnh tụ?
Tưởng cũng nên nhắc lại, các cuộc thăm dò dư luận gần đây thì khả năng tái thắng cử của Liên Đảng không còn. Mặc dù dân chúng vẫn coi Malcolm Turnbull xứng đáng là thủ tướng của họ hơn là Bill Shorten. Liên Đảng điều hành kinh tế, chính trị không có gì sai trái. Lý do chính mà nội bộ đảng Tự Do muốn thay đổi vì Turnbull là người cấp tiến (progressive), nếu không nói huynh hướng Tả của ông ta lại rất gần với Lao Động! Nhà bình luận chính trị quốc gia Richard Alston trên The Australian (25/8/18) nói rằng Turnbull là con chó Sói Lao Động, mặc y phục của con Cừu Tự Do (It is common portrait him as a Labor wolf in Liberal sheep’s clothing). Truyền thống của đảng Tự Do là duy trì giá trị có tính chất bảo thủ (conservative values). Đặt quyền lợi và tinh thần quốc gia Úc Châu trên bất cứ xu hướng, ảnh hưởng hay khuynh đảo nào khác, nhất là những khuynh đảo ấy đến từ cánh Tả, nói cách khác đến từ xu hướng và tư tưởng ‘xã hội’. Hiện nay đảng Tự Do bị chính những người từng ủng hộ Tự Do ruồng bỏ. Một ví dụ điển hình: ông Turnbull nhất mực ủng hộ khí hậu toàn cầu Paris (cái mà TT Trump mới đây đã rút tên Hoa kỳ ra khỏi vì những ràng buộc xem ra bất công cho những quốc gia như Úc và Mỹ – đã nói ở quan điểm trước đây).
Nhà Bình luận cánh Hữu Andrew Bolt đã nhiều lần kêu ca về tính thiên Tả và cho rằng ông Turnbull đã đánh mất niềm tin ngay trong nội bộ đảng Tự Do. Ông đã bỏ ngoài tai những khuyến cáo của những người yêu chuộng giá trị bảo thủ từ chính trị, kinh tế, văn hóa, di trú và xã hội. Nếu Úc không giữ vững lập trường và thái độ cứng rắn với một số vấn đề thì liệu quốc gia Úc có còn tồn tại những giá trị phổ quát như hiện nay hay chăng?
Nhìn vấn đề một cách khách quan, Tự Do và Lao Động là 2 đảng chính trị có khuynh hướng khác nhau, thay phiên lãnh đạo quốc gia Úc hàng trăm năm nay. Quyền được lãnh đạo nằm trong tay dân nhưng sự thay đổi lãnh tụ (Thủ Tướng) nằm trong tay dân biểu và nghị sĩ của đảng đang cầm quyền. Nếu đường lối của đảng nào không đáp ứng yêu cầu của dân chúng thì có thể bị thay thế khi bầu cử diễn ra. Còn nếu lãnh tụ nào không đáp ứng đường lối của đảng, hay nói rộng ra, có thể là đường lối mà dân chúng đang mong mỏi. Thì lãnh tụ ấy có thể bị nội bộ họp lại và truất phế. Sự thay đổi lãnh tụ kiểu này phần nhiều, tổn hại đến khả năng lãnh đạo của đảng cầm quyền, nếu không nói rằng, làm cho quốc gia bị trì trệ về quốc sách, thậm chí ảnh hưởng đến bước tiến của quốc gia.
Lãnh tụ và lãnh đạo không chỉ cần thiết là một người có bản chất tốt mà đòi hỏi phải có bản lãnh, thu phục nhân tâm cả trong lẫn ngoài.
Quá khuynh Tả hay quá khuynh Hữu đều làm cho cán cân lãnh đạo sai lệch. Lao Động hay Tự Do đều biết rằng phần lớn dân chúng chọn sự quân bằng giữa hai thái cực. Vì thế, biết lắng nghe và tự quân bằng trong thế trung dung, ôn hòa (moderate) sẽ có nhiều cơ hội cùng đi chung một hướng trên đoạn đường dài hơn. Nên nhớ rằng thời John Howard làm TT, đã nhiều lần bộ trưởng ngân khố Peter Costello được đề nghị thay thế. Nhưng John Howard đã lướt qua 4 lần bầu cử vì ông ta là người biết lắng nghe và có bản lãnh. Turnbull đã không thoát khỏi hệ lụy mà chính ông gieo, là cố tình kéo chính sách của đảng Bảo Thủ theo hướng Tả! Ông đã được thay thế bởi Morrison, người được đánh giá là cánh Hữu nhưng trung dung, có thể làm việc theo đội ngũ (team). Chúng ta hy vọng gì nơi vị Thủ tướng mới? Một sự ổn định đáng tin cậy và tập trung vào việc điều hành vì lợi ích quốc gia là ưu tiên trong lúc này. Đến lần bầu cử năm tới, dân chúng sẽ có tiếng nói rõ ràng hơn. Đó là con đường dân chủ mà hệ thống chính trị Westminster được áp dụng tại Úc Châu.
Adelaide Tuần Báo