Bạo hành gia đình được nhận dạng dưới nhiều hình thức và không chỉ bị hạn chế bởi những hành động đánh đập, gây thương tích.
Những thứ không thể hình dung được mới chính là thứ đáng sợ vì nạn nhân không biết phải làm thế nào để thoát ra … ngoại trừ tiếp tục nhẫn nhịn để cho bạn đời mình vui.
Thời Covid, con người vốn dĩ đã phải chịu đựng thêm nhiều áp lực. Không chỉ vậy, động lực hay tác động từ bên ngoài lại ‘đổ thêm dầu vào lửa’ và chắc chắn sẽ ít nhiều gây ảnh hưởng, khiến vợ chồng có mâu thuẫn nhỏ xé thành lớn
Tất nhiên, chuyện gì cũng có hai mặt và chúng ta nên hiểu câu chuyện thật kỹ trước khi phán xét một ai đó. Thế nhưng, luật pháp Úc nói chung và luật di trú Úc nói riêng thì rất thẳng thắn rằng: ‘Úc không chấp nhận bạo hành gia đình dưới bất cứ hình thức nào’.
Tác giả đã và đang đại diện cho rất nhiều nạn nhân đang thực hiện hồ sơ xin định cư tại Úc theo diện kết hôn. Trong hôn nhân, ai ai cũng muốn hướng tới cuộc sống hạnh phúc ôn hoà và chẳng ai muốn sứt mẻ rồi đem nhau ra Toà làm gì cả.
Đối với những nạn nhân đang xin visa thì chắc chắn áp lực của họ sẽ cao hơn rất nhiều vì sự sợ hãi của việc nếu không làm những thứ cho bạn đời của mình vui, thì ‘nó tống cổ về Việt Nam’.
Những sự chịu đựng này còn được coi là sự BẮT BUỘC. Có những nạn nhân phải chịu đựng những cú đòn tâm lý, tình dục, tài chính và kèm theo những lời đe doạ hay thái độ khó chịu từ bạn đời của mình.
Họ có thật sự sống trong hạnh phúc hay họ cố gồng mình rồi mỗi đêm gối của họ tràn ngập với những dòng nước mắt? Úc là một quốc gia tôn trọng nhân quyền và có những hiệp ước đã được ký kết với bạn bè quốc tế.
Những điều khoản của những hiệp ước đã được ghi sâu vào trong những bộ luật của Úc, trong đó có bộ Luật Di Trú Úc. Theo thống kê từ Bộ Thống Kê (ABS)(2017), thì có 16% phụ nữ và 5.9% đã từng trải nghiệm ‘bạo hành gia đình gây thương tích’ kể từ khi họ 15 tuổi.
Điều này cũng có nghĩa là đã có khoảng 1.5 triệu phụ nữ và 528,000 đàn ông bị bạo hành và con số này ngày càng gia tăng. Theo nghiên cứu của Đại Học New South Wales (2011), có hơn 1 triệu trẻ em đã bị ảnh hưởng bởi bạo hành gia đình.
Theo báo cáo của Viện Sức Khoẻ và Phúc Lợi Úc (AIHW) thông báo vào năm 2018 thì trung bình mỗi 1 tuần thì có một phụ nữ bị sát hại bởi bạn đời và mỗi 1 tháng thì có một đàn ông bị sát bởi bạn đời. HỘI TRỢ GIÚP Chẳng phải nạn nhân nào cũng sẵn sàng chia sẻ câu chuyện của họ và hầu hết chỉ có tới khi họ không chịu đựng được nữa thì mới ‘tìm lối thoát’.
Nếu còn đủ sự minh mẫn trong quyết định thì họ sẽ đi tìm sự trợ giúp và nếu không còn sự minh mẫn thì cũng có thể dẫn tới tự vẫn. Ý định tự sát chính là sự kêu gọi cầu cứu của người tuyệt vọng và chúng ta là người gốc Việt đang sinh sống tại Úc luôn luôn nên giúp đỡ lẫn nhau.
Tác giả kêu gọi những nạn nhân nào đang có dấu hiệu bị bạo hành nên liên hệ cho các tổ chức được trợ giúp để hiểu biết về quyền lợi của mình vì chúng ta đang sống trong một xã hội tự do và không dưới sự đàn áp của bất cứ ai…kể cả bạn đời đang bạo hành mình.
Tại Úc có rất nhiều tổ chức giúp đỡ cho các bạn, ví dụ như
• National Sexual Assault
• Domestic and Family Violence Counselling Service qua số 1800 737 732
Nếu bạn không có khả năng giao tiếp bằng tiếng Anh thì liên hệ thông qua sự trợ giúp của thông dịch viên số 131 450.
LUẬT DI TRÚ ÚC Trong những hồ sơ diện kết hôn, tiêu chí quan trọng nhất của luật di trú Úc là phải chứng minh mối quan hệ thành thật và tiếp diễn. Điều khoản này còn được tìm trong điều 1.15A (kết hôn) hoặc 1.09A (sống chung) của bộ luật.
Nhưng nếu một khi người bảo lãnh không còn tồn tại trong cuộc sống của mình thì 1 trong 3 yếu tố mà đương đơn vẫn có thể xin được định cư là diện ‘bạo hành gia đình’ và để chứng minh việc này chẳng hề dễ dàng vì sẽ còn có những thủ tục dài dòng và mất rất nhiều thời gian để xác minh.
Những đương đơn được cấp visa theo diện bạo hành gia đình đứng đầu bảng là Ấn Độ, Trung Quốc, Việt Nam, Phillippines và Thái. Đứng ở vị trí thứ 3 trong bảng xếp hạng, nạn nhân (đương đơn) sở hữu hộ chiếu Việt Nam được cấp visa theo diện bạo hành này chắc chẳn phải trải qua nhiều sự khủng hoảng trong cuộc sống của mình.
Tác giả cho rằng, trong cộng đồng của người Việt Nam hiện tại còn có rất nhiều nạn nhân chưa hiểu được rằng họ đang là nạn nhân của bạo hành gia đình hay họ không dám lên tiếng và sống trong sự im lặng kèm theo sợ hãi.
SAU KHI CÓ THƯỜNG TRÚ Có những người sau khi được cấp thường trú của Úc nhưng lại nhận được những lời đe doạ hay sự điều khiển cuộc sống không phải thuộc của một con người. Đi đâu, làm gì, với ai thì cũng phải được dưới sự kiểm soát và cho phép của bạn đời mình.
Không phải cứ đang có hồ sơ với Bộ Di Trú là phải chịu đựng và như đã đề cập, Úc không chấp nhận bạo hành gia đình dưới bất cứ hình thức nào…kể cả trong trường hợp nạn nhân đang là người ở lậu.
Tác giả được tiếp xúc với một số phụ nữ gần đây sinh sống tại Perth, khi họ tới Úc theo diện du lịch rồi gặp người đàn ông yêu thương chăm sóc họ. Họ yêu nhau rồi tiến tới hôn nhân và hồ sơ mọi việc trôi chảy họ đã được cấp thường trú. Thế nhưng, người bạn đời của họ vẫn cứ luôn răn đe rằng sẽ tống cổ họ về Việt Nam nếu không làm cho họ ‘happy’.
Định nghĩa ‘happy’ đối với bạn đời của họ là làm được bao nhiêu tiền thì phải đưa cho họ hết và mỗi lần lên cơn ‘hứng’ là phải chiều, mặc dù nạn nhân không thoải mái. Nhưng vì những màn ‘lâm trận’ không thoải mái đó đã trở thành ‘nút bấm’ của cơn tức giận, cộng thêm nhiều tác động ngoài lề nữa thì khó mà cứu được hôn nhân.
HÃY NHỚ RẰNG Cơ quan cấp thường trú cho một ai đó chính là Bộ Di Trú và chỉ có Bộ Di Trú mới có quyền cấp phép định cư hay không, và không ngoài một ai khác. Kể cả người bảo lãnh trước đó cũng không có quyền và không ai có quyền huỷ thường trú ngoài Bộ Di Trú.
Quy trình huỷ thường trú cũng chẳng phải cứ báo với Bộ Di Trú là họ huỷ. Một khi ai đó đang sống trên lãnh thổ Úc thì hệ thống luật di trú bắt buộc phải cho người đang có visa thường trú cơ hội để giải trình, đây còn được gọi là CÔNG LÝ TỰ NHIÊN.
Bộ Di Trú cũng có thể huỷ visa hoặc không huỷ visa thường trú sau khi đương đơn giải trình, nhưng nếu có bị huỷ thì các thủ tục xin khiếu nại với Toà Phúc Thẩm (AAT) cũng vẫn có thể được thực hiện. Tác giả chưa kể tới các quy trình của hệ thống toà án sau AAT.
KẾT
Nếu bạn có người thân đang có dấu hiệu bạo hành gia đình hay bản thân bạn là nạn nhân, đừng ngại liên hệ cho các tổ chức, hội nhóm, cơ quan nhà nước để được trợ giúp. Trong hôn nhân, ai cũng muốn hướng tới những điều tốt đẹp, nhưng nếu không như hằng mong thì còn những người khác có thể giúp đỡ cho bạn. Đừng để áp lực trèn lên áp lực. Hãy mạnh dạn đứng lên và kêu gọi nha mọi người. Tình yêu luôn là đẹp…chỉ là con người làm tình yêu xấu đi.
Cố Vấn Tạ Quang Huy Fellow,
Viện Di Trú Úc
#baohanhgiadinh #covid19 #familyviolence