Nói đến bạo hành gia đình trong hôn nhân, những nạn nhân thường là người mang visa tạm trú diện kết hôn hoặc sống chung như vợ chồng (Tiểu loại 820).
Những người này, phần đông là phụ nữ, nhiều lúc phải đối mặt với những rào cản về mặt áp lực tinh thần, pháp lý và kinh tế, chọn lựa im lặng trước hành vi bạo hành vì sợ bị trục xuất khỏi nước Úc v.v…
Từ góc nhìn của Luật Di trú, bạo hành gia đình được chia làm hai loại:
1. Nạn nhân đã bị người chồng/vợ gây thương tích, đe doạ giết hoặc có hành vi khác gây ảnh hưởng đến thể chất, tinh thần của nạn nhân và có thông qua quy trình tố tụng tại Toà án.
Khi gặp phải những tình huống bạo hành này, nạn nhân có thể yêu cầu Toà án có thẩm quyền cấp án lệnh về bạo hành trong gia đình (Intervention Order).
Lệnh này nhằm mục đích đảm bảo an toàn tạm thời cho nạn nhân của bạo hành gia đình.
Tuy nhiên, sau đó, để có thể chứng minh các điều kiện của hồ sơ di trú dưới diện Bạo hành gia đình, người này sẽ phải trải qua các quy trình tố tụng tại toà để nhận được Án lệnh can thiệp bạo hành (Final Order) liên quan đến vụ việc bạo hành.
2. Nạn nhân của các hình thức bạo hành khác như tâm lý, tài chính, tình dục hoặc là nạn nhân của sự im lặng trong hôn nhân, v.v. mà không thông qua trình tự tố tụng của Toà án.
Trên thực tế, không nhiều người biết được rằng bạo hành trong gia đình không chỉ giới hạn ở những hành vi gây thương tích về mặt thể chất mà còn là những hành vi gây ảnh hưởng đến tinh thần của người bạn đời.
Trong trường hợp này, nạn nhân vẫn có thể thực hiện hồ sơ di trú theo diện bạo hành gia đình mà không phải thông qua các trình tự tố tụng tại Toà án.
NẠN NHÂN CỦA BẠO HÀNH GIA ĐÌNH CÓ THỂ LÀM GÌ?
Những nạn nhân này có thể gọi điện ngay cho cảnh sát và nhờ sự trợ giúp của cảnh sát để có thể xin lệnh Interim Intervention Order (Lệnh can thiệp tạm thời) của toà nhằm bảo vệ sự an toàn tạm thời của bản thân.
Interim Intervention Order có thể có hiệu lực trong vài tuần, vài tháng, thậm chí có thể lên đến một năm tuỳ trường hợp. Sau khi nhận được Intervention Order, người này cũng sẽ được yêu cầu ra hầu toà để có thể nhận được Final Order của Toà án.
Pháp luật về Di trú quy định phiên toà liên quan đến bạo hành gia đình phải là một phiên toà có sự có mặt của cả hai bên.
PHẢI LÀM GÌ KHI NẠN NHÂN KHÔNG THỂ/KHÔNG MUỐN THỰC HIỆN CÁC QUY TRÌNH TỐ TỤNG VỚI TOÀ?
Trong trường hợp này, người bị bạo hành có thể thông báo tới Bộ Di Trú rằng cuộc hôn nhân này đã đổ vỡ và không có khả năng hàn gắn.
Thêm vào đó, người này cần chứng minh trước khi bạo hành gia đình diễn ra, họ và người bảo lãnh của họ đã có một mối quan hệ thành thật và tiếp diễn.
Đây chính là rào cản lớn nhất bởi nhiều nạn nhân lựa chọn hay bị tống ra khỏi ngôi nhà mình đang sinh sống và không có khả năng thu thập lại những bằng chứng về mối quan hệ trước đó của mình.
Tiếp đến, những nạn nhân này cũng cần chứng minh mình có đi gặp các chuyên viên tâm thần hoặc tâm lý. Đồng thời, họ cần chọn hai trong số những chuyên gia tâm lý theo danh sách của Bộ Di Trú để tiến hành giám định xem họ có thực sự là nạn nhân của bạo hành gia đình hay không.
NHẬN XÉT CỦA TÁC GIẢ
Theo kinh nghiệm từ việc thực hiện những bộ hồ sơ di trú có liên quan đến bạo hành gia đình, tác giả thấy rằng có nhiều phụ nữ, một số trường hợp đặc biệt là nam giới, đã gặp phải tình trạng bạo hành về mặt tinh thần.
Nguồn cơn của việc bạo hành là những áp lực khác nhau trong cuộc sống dẫn đến đòi hỏi quá đáng về tài chính, mắng chửi, lăng mạ, hoặc thậm chí là tra tấn tinh thần bằng hình thức im lặng. Những hành vi bạo hành không hẳn chỉ diễn ra trực tiếp với chính nạn nhân mà có thể thực hiện gián tiếp thông qua các thành viên trong gia đình của họ.
CỨU CÁNH DÀNH CHO TẠM TRÚ NHÂN
Phụ nữ gốc Việt đang giữ visa chờ đợi xét duyệt visa 820 (bridging visa) hoặc visa tạm trú (visa 820) và là nạn nhân của bạo hành gia đình có thể tìm đến sự trợ giúp của các hội, nhóm xã hội chuyên hoạt động để giúp đỡ phụ nữ tại Úc.
Nếu không biết tiếng Anh, phụ nữ vẫn có thể tìm đến các hội nhóm, tổ chức của Úc thông qua dịch vụ thông dịch viên tiếng Anh. Họ có thể được tư vấn qua điện thoại hoặc giúp đỡ tại nhà.
Mặt khác, họ vẫn được quyền tìm kiếm sự hỗ trợ về pháp lý tại các trung tâm, tổ chức hoặc doanh nghiệp kinh doanh về di trú.
Những nạn nhân của bạo hành gia đình không nhất thiết phải sống chung với người bảo lãnh của mình khi mối quan hệ đã đổ vỡ.
Theo Luật Di Trú và các học thuyết về công lý tự nhiên dành cho những người nộp hồ sơ trên lãnh thổ Úc, những nạn nhân của bạo hành gia đình vẫn có thể xin định cư theo quy định của luật di trú.
Hãy nhớ rằng, mặc dù mối quan hệ đã đổ vỡ, đương đơn của hồ sơ vẫn có thể xin định cư với một trong ba lý do sau:
• Người bảo lãnh đã qua đời (với điều kiện chứng minh được mối quan hệ trước đó là thành thật, và nếu như người bảo lãnh còn sống, mối quan hệ này vẫn sẽ tiếp diễn).
• Cặp vợ chồng này có con chung;
• Đương đơn là nạn nhân của bạo hành gia đình.
Thời điểm Covid19 đã gây ảnh hưởng kinh tế toàn cầu và việc này cũng dẫn đến nhiều áp lực trong cuộc sống, bởi vậy mọi người cố gắng thông cảm cho nhau những lỗi nhỏ tròn cuộc sống để hướng tới những thứ tốt đẹp hơn trong tương lai.
Cố Vấn Tạ Quang Huy
Fellow, Viện Di Trú Úc
GHI CHÚ:
Nội dung này không phải là lời tư vấn pháp luật, không có mục đích để trở thành một lời tư vấn pháp luật và do đó, quý vị không nên sử dụng như một lời tư vấn có giá trị pháp lý.
Quý vị nên trực tiếp tìm đến những cá nhân hoặc tổ chức hành nghề trong lĩnh vực di trú để được tư vấn chính thức nếu như có bất kì vấn đề gì.