Bầu cử quốc hội tiểu bang Nam Úc sẽ diễn ra vào ngày 19/3/22 như đã công bố, các đảng phái đang ráo riết vận động tranh cử bằng đủ các phương tiện. Một trong những đặc tính của nền dân chủ là các đảng phái được tự do cạnh tranh với nhau. Một mặt trình bày tính ưu việt của mình và đưa ra những hứa hẹn trong tương la, nhưng có lẽ điểm quan trọng nhất của các đảng phái là khai thác những yếu điểm của đối phương. Đảng bị khai thác nhiều nhất là đảng Tự Do đang lãnh đạo. Bởi lẽ khai thác điểm yếu của chính phủ đương thời thì mới thuyết phục cử tri muốn thay đổi chính phủ. Chủ yếu tại Nam Úc do 2 chính đảng Tự Do và Lao Động cạnh tranh, tuy nhiên gần đây con số dân biểu độc lập và đảng Xanh cũng đáng kể, thậm chí có thể là cán cân trong tương lai khi định hình một chính phủ mới cho 4 năm tới.
Tưởng cũng nên nhắc lại sau 16 năm Lao Động cầm quyền (2002-2018), cử tri tiểu bang đã chọn sự thay đổi và Tự Do đã lãnh đạo gần 4 năm qua (2018-2022). Thế nhưng chính phủ Tự Do đang bị Đối Lập khai thác mặt yếu và nếu cử tri không sáng suốt thì sẽ không biết ai hay, ai dở. Có nên thay đổi hay chưa, có nên chọn lựa cái lợi trước mắt mà bỏ qua những cái hại lâu dài trong tương lai, có nên chú trọng về một vài vấn đề xem ra có vẻ thiết thực cho cá nhân mà bỏ qua những tiềm năng lâu dài đến cả tiểu bang trong tương lai. Hãy phân tích chủ trương và chiến lược mà 2 chính đảng đang nhắm đến liệu có thuyết phục được cử tri.
Trên đài phát thanh 5AA chương trình buổi sáng thứ Hai ngày đầu tuần tranh cử (21/2) lãnh tụ Lao Động Peter Malinauskus nói rằng chính phủ Marshall đã coi nhẹ vấn đề Y Tế, cắt giảm ngân sách khiến lãnh vực xe cứu thương (ambulance) không thể đáp ứng nhu cầu, các bệnh viện quá tải mức độ phục vụ trong khi lại dùng tiền vào những mục tiêu như xây sân vận động và cơ sở hạ tầng khác etc… Ông Malinauskus trình bày chính sách của Lao Động là đầu tư nhiều tiền trong dịch vụ y tế, tàng tật… Trong khi Thủ Hiến Marshall cho rằng những nỗ lực mà chính phủ của ông đã đạt được trong 4 năm qua rất đáng kể, nếu kinh tế có mạnh thì mọi thứ khác mới dễ chịu. Ông nêu lên ưu điểm của chính phủ Tự Do sẽ tiếp tục phát triển kinh tế. Cụ thể là nạn thất nghiệp tại Nam úc giảm và có chiều hướng không trở lại thời kỳ tồi tệ nhất nước như thời Lao Động 16 năm cầm quyền.
Phải công tâm mà nói, Nam Úc có một tiền sử về nạn thất nghiệp, gần như ngang ngửa vói Tasmania suốt nhiều thập niên. Kinh tế thì co cụm, nhiều chuyên viên nhân tài tìm đường đi nơi khác. Gần đây đang có chiều hướng thay đổi. Nam Úc hiện đang trở thành nơi ‘đất lành chim đậu’ vì các công ty kỹ thuật cao chọn Tiểu bang Nam Úc để thiết lập cơ sở vì vốn đầu tư không đòi hỏi cao, kéo theo sự thu hút nhân sự làm cho giá địa ốc ngày càng nóng lên. Tuy 2 năm qua cơn đại dịch không chừa một ai nhưng Nam úc không đến nỗi tồi tệ như các tiểu bang phía Đông nước Úc. Chính phủ Marshall chú tâm và kích hoạt kinh tế mạnh lên đó là cơ sở cần thiết khi ta nói ‘mạnh vì gạo bạo vì tiền’ nếu có tiền ta có thể làm nhiều thứ và cuộc sống hẳn nhiên được cải thiện. Xét trên cơ sở này chính phủ Tự Do được điểm A. Lao Động nghiêng hẳn về lãnh vực phục vụ, nghĩa là chi tiền vào các dịch vụ chăm sóc y tế dân sinh. Điều này được lòng người nghèo và người già nhưng tiêu xài mãi thì tiền ở đâu ra và ai là người làm ra tiền!?
Chúng ta cần một chính phủ biết cân bằng vừa chăm sóc đúng mức cho dân chúng đồng thời phải là chính phủ biết kích động khả năng làm ra tiền. Thiếu một trong hai vẫn không phải là chính phủ hoàn hảo. Lao Động đã lãnh đạo liên tục 16 năm và Tự Do mới có 4 năm. Sự lưa chọn, có nên thay đổi hay không hình như chưa rõ nét cho lắm trong cuộc bầu cử này, vì thế cân nhắc và chọn lựa không nên coi nhẹ. Tuy 47 ghế trong quốc hội hiện nay có 22 ghế thuộc đảng Tự Do. 19 thuộc Lao Động và 6 ghế Độc Lập (con số độc lập này có 3 ghế từ đảng Tự Do đi ra và dĩ nhiên vẫn ngả về Tự Do). Có lẽ không có nhiều thay đổi về số ghế cho lắm nhưng rất có thể thay đổi chính phủ nếu như số ghế độc lập vẫn duy trì sự cân bằng quyền đa số trong quốc hội trong 4 năm tới. Trừ khi một xu hướng nghiêng hoàn toàn về một bên.
Adelaide Tuần Báo