Đã có khá nhiều bài quan điểm trên ATB nói về biến đổi khí hậu. Một trong những lý do gây biến đổi là hiệu ứng nhà kính (greenhouse effect) do con người thải nhiều CO2 vào bầu khí quyển. Nguyên nhân và hậu quả đều xảy ra theo qui luật khoa học mà hầu như ai cũng biết. Tuy nhiên khi vịn vào đó để nhắm đến mục tiêu khác nhau lại là vấn đề. Người ta có thể cổ võ để bảo vệ trái đất mà cũng có thể dùng việc đấu tranh bảo vệ trái đất như khí cụ để nhắm tới chính trị và quyền lực.
Đảng Xanh ưu tiên việc cắt giảm thải độc CO2, Mục tiêu ‘net zero’ nghĩa là chấm dứt hoàn toàn thải CO2 vào khí quyển. Lao Động cánh Tả do lãnh tụ Albanese cũng có xu hướng này. Nghĩa là phải thay đổi dạng dầu thô than đá bằng điện mặt trời, thủy điện, sức gió etc… Nhưng họ tuyệt đối chống năng lượng Hạt Nhân, xem ra có vẻ lý tưởng quá! Những người làm chính trị cánh Tả tự cột trói mình và làm lụn bại sức phát triển kinh tế quốc gia Úc trong khi lại chẳng phản đối gì đến các quốc gia có quyền xả khói thoải mái. Tưởng nên cũng nhắc lại Úc tuy là nước công nghiệp và nông nghiệp phát triển nhưng dân số chỉ 26 triệu và lượng khí thải chưa đầy 1% trên tổng số khí thải. trong khi Ấn Độ và TQ lượng thải CO2 chiếm gần một nửa tổng số toàn cầu. Hiệp ước khí hâu Paris cho phép các quốc gia này được dùng than đá, dầu thô mà không phải hạn chế cho đến năm 2030 và có thể kéo dài đến 2050. Họ còn được tài trợ từ quỹ khí hậu Paris. quỹ này do các quốc gia như Mỹ, Úc và Âu Châu góp vào. Một sự vô lý là buộc Úc và các nước phát triển phải cắt giảm than đá dầu thô mà còn phải đóng tiền ‘lệ phí’ cho các quốc gia được phép thải độc thoải mái! Cái mà cựu TT Trump đã không chấp nhận nên đã rút tên Hoa Kỳ ra khỏi, nay TT Biden lại gia nhập lại. Các nước phương Tây như Mỹ, Âu Châu và cả Nhật Bản tăng tốc xử dụng năng lượng Hạt Nhân. Riêng Úc là quốc gia sản xuất Uranium hàng đầu thế giới nhưng lại cấm kỵ Hạt nhân vì sợ nguy hiểm phóng xạ. Trớ trêu thay dư luận lại đồng ý để Úc cất giữ chất thải phóng xạ ngay giữa nước Úc! Nghĩa là chấp nhận sống chung với phóng xạ hàng triệu năm!
Tuần qua lãnh tụ đảng Xanh, dân biểu Adam Bandt đã chất vấn chính phủ Liên Đảng rằng nếu thi hành chính sách cho phép khai thác than đá, xử dụng năng dầu thô vv… là phá hoại môi trường, án tử hình cho tương lai quốc gia Úc vì những thiên tai như cháy rừng bão lụt sẽ tăng lên. Trả lời chất vấn ấy phó thủ tướng Michael McCormack cho rằng đảng Xanh mới thực sự là kẻ làm hại nền kinh tế Úc vì chủ trương của đảng Xanh hết sức cực đoan khi không đặt lợi ích quốc gia lên trên. Tưởng cũng nên nhắc lại, khai thác than đá và xuất khẩu là một trong những lãnh vực quan trọng cho nền kinh tế Úc tại 2 tiểu bang NSW và Queensland. Nếu tẩy chay sẽ mất công ăn việc làm cho nhiều ngàn công nhân và thu nhập quốc gia bị ảnh hưởng. Thay thế bằng dạng năng lượng sạch sẽ đẩy giá thành phải trả lên cao trong mọi lãnh vực từ sản xuất đến tiêu thụ, kéo theo các công xưởng tiếp tục rời bỏ Úc Châu đi đến các quốc gia Á Châu có nhân công vừa rẻ, giá sản xuất cũng rẻ do năng lượng rẻ. Ảnh hưởng có tính cách dây chuyền và ngày nào đó kinh tế và mức sống tại Úc sẽ bị thụt lùi.
Xét một cách thực tế và quân bằng việc cải thiện năng lượng để giảm thải CO2 là cần thiết. Nhưng cần thực hiện từng bước và đặt nền kinh tế quốc dân lên trên. Cũng vậy, nếu nghĩ rằng khoảng 1% khí thải ra cần phải siết chặt, vậy thì hơn 40% mà TQ và Ấn Độ thải ra thoải mái thì sao? 1% rất nhỏ so với 40% tại sao đảng Xanh và cánh Tả không lên tiếng phản đối TQ hay Ấn Độ? Tại sao đảng Xanh và cả cánh tả nữa, họ vẫn tiêu thụ hàng hóa rẻ được sản xuất từ các quốc gia này? Bởi vì giá hàng hóa từ các quốc gia ấy rẻ hơn so với mặt hàng sản xuất tại Úc. Bài toán môi trường và khí hậu vẫn không giải được mà chỉ mượn đáp số từ phương trình này gắn sang phương trình khác. Đảng Xanh, cánh Tả có thấy sự vô lý, thiển cận, thậm chí ngu xuẩn của những kẻ đấu tranh vì môi trường? Họ chỉ lanh quanh làm khó đất nước đang cho họ cuộc sống sung túc và thanh bình. Cách hành xử và đấu tranh của họ xem ra có vẻ đạo đức giả và thật rẻ tiền.
Adelaide Tuần Báo
previous post