Khoảng 12 năm trước, vào lúc 2 giờ sáng, có người gọi cho tôi, xưng tên là Thoa và nói rằng bị chồng đuổi khỏi nhà và tôi đã dẫn người phụ nữ xấu số đó tới đồn cảnh sát để trình diện.
Trên người cô gái đầy vết sẹo, vừa nói vừa khóc không thành câu rõ ràng. Đầu tóc bù xù với những giọt lệ nhem nhuốc trên gương mặt tái mét.
Cô kể rằng mới bị chồng tra tấn và không chịu đựng được nữa van xin được vào toilet rồi cô tìm cách chạy thoát khỏi ngôi nhà. Màn tra tấn đó không phài là lần đầu tiên và đã từ lâu, cô học cách cố chịu đựng vì thương chồng quá.
Sinh ra ở miền Tây, Việt Nam, tuổi mới ngoài 20 nhưng cô khá chu đáo và đặc biệt giỏi việc nội trợ và điều này đã khiến anh chồng Việt Kiều mê, thương và chiều cô hết mức. Cô có kể rằng ở độ tuổi 20 mới lấy chồng ở vùng quê cô ở thì cũng thuộc loại ‘hàng ế’. Do vậy, khi gặp một người đàn ông trưởng thành yêu thương và có điều kiện bảo lãnh, không chỉ cô mà cả gia đình đều vô cùng hạnh phúc.
Sau khi qua Úc, cô Thoa đi làm việc trong hãng xưởng. Những tháng đầu tiên tại Úc, chồng cô rất chiều cô và họ luôn luôn như hình với bóng, cùng nhau nắm tay đi dạo khu vực Springvale vào mỗi cuối tuần.
Niềm vui nhỏ của cô sau bao tháng ngày chờ đợi cũng đã đến và cô gần như hét lên trong sung sướng khi được biết đang mang trong mình cốt nhục của chồng. Thế nhưng, trái với sự hào hứng của cô, khi niềm vui đó được chia sẻ thì anh chồng lại có thái độ bực bội và kể từ đó dấu hiệu của bạo hành gia đình xuất hiện.
Khi bầu tới tháng thứ 3, anh chồng cương quyết ép cô Thoa phải bỏ em bé vì anh cho rằng ‘chưa phải thời điểm’.
Cô Thoa đi gặp bác sĩ và đã quyết định “giải quyết” giọt máu của mình. Cô muốn cho êm nhà êm cửa và phải nên tiếp tục nghe và chiều theo ý của chồng mình.
Kể từ khi cô Thoa bỏ em bé đi, cô đã mất ngủ triền miên và thường phải sử dụng tới thuốc an thần để đưa mình vào những giấc ngủ. Mặt khác, bởi vì sử dụng thuốc nhiều, cô thường xuyên cảm thấy mệt mỏi và không còn sức để làm những việc như nội trợ. Tinh thần luôn mệt mỏi và thể xác luôn trong trạng thái rũ rượi và mỗi lần anh chồng muốn ‘chuyện ấy’ thì cô chẳng khác gì con cá khô phơi trên giường. Chuyện chăn gối của hai vợ chồng cũng là một trong những yếu tố dẫn tới bạo hành gia đình.
Anh chồng luôn cho rằng cô Thoa không làm tròn trách nhiệm của người vợ thì tại sao anh ta lại phải làm trách nhiệm của một người chồng. Suy nghĩ “cào bằng chia đôi” trong công việc từ nội trợ cho tới việc làm cũng thường được xuất hiện trong những lần cãi vã của hai người. Anh chồng luôn cho rằng nếu anh ta làm một việc gì đó thì cô vợ cũng phải làm tương tự.
Từ việc nhỏ nhất xé thành to rồi khiến cho đối phương nghi vấn về nhau. Cô Thoa quyết định về Việt Nam để khuây khoả đầu óc. Về với gia đình, cô luôn phải giấu về những gì xảy ra tại Úc để họ không lo lắng. Cô luôn trưng ra thái độ vui vẻ và ép bản thân nói dối với gia đình rằng cuộc hôn nhân của cô là “không ai hạnh phúc bằng” và rồi khi màn đêm buông xuống, chỉ còn mình cô cô đơn nhớ tới cảnh bị hành hạ khi còn ở bên Úc.
Một nửa tháng sau, anh chồng đột xuất về Việt Nam và cô Thoa cũng thấy anh thể hiện sự hối cải của mình và có chủ động thay đổi. Cô bao dung, tha thứ cho chồng rồi theo anh ta quay trở về Úc sinh sống.
Hạnh phúc được vài tuần, người chồng lại chứng nào tật nấy lại hành hạ cô tiếp bằng những cú đấm thẳng vào mặt, những cú đá vào đầu và những màn tra tấn tình dục khi cô không thể đáp ứng được.
Cái hình ảnh ấn tượng tôi lần đầu tiên gặp cô Thoa vào lúc 2 giờ sáng hôm đó của 12 năm trước vẫn còn nằm trong ký ức và đôi khi rùng mình không hiểu tại sao con người với con người lại đối xử với nhau độc ác đến vậy? Họ từng là đầu gối tay ấp của nhau cơ mà?
Tôi đã nhận giúp đỡ cho cô ngay lập tức và cứ thế kéo dài gần 3 năm sau thì mới nhận được tấm visa thường trú cho cô Thoa theo diện bạo hành gia đình.
Những tháng năm sau đó, mỗi lần gặp cô, tôi đều thấy cô hạnh phúc hơn, hồn nhiên hơn nhiều và hạnh phúc hơn nhiều.
3 năm sau, cô Thoa gọi điện báo cho tôi rằng cô sắp tới làm chủ của một shop làm đẹp và tôi không thể nào mừng hơn khi thấy những người mình từng giúp mà họ vượt khó được rồi tiếp tục cuộc sống. Kể từ lúc đó tôi không còn gọi là cô Thoa nữa mà là ‘Cô Gái Mạnh Mẽ’. Vậy cái shop được mở ra và hoạt động, cuộc sống của cô ổn định và cô cũng có mở rộng trái tim của mình, nhưng nhiều lần cứ mở được một chút thì lại khép vào…vì cô thật sự không còn tin vào đàn ông.
Tôi cũng thường khuyên cô, chẳng phải đàn ông nào cũng vũ phu như chồng cũ của cô và nếu có mở rộng trái tim của mình thì người khác mới dám tiến tới. Đôi khi, cứ mãi đóng cửa trái tim cũng không phải là cách hay và cuộc sống của cô cũng vì vậy mà phần nào khô khan.
Cô Gái Mạnh Mẽ cứ mặc kệ và cắm đầu cắm cổ vào đi làm tích góp từng đồng một rồi một ngày nọ điện cho tôi và nói “Anh ơi…anh làm hồ sơ bảo lãnh mẹ em qua Úc với”. Hồ sơ của mẹ đã được nộp theo diện 143 và phải chờ đợi 5 năm thì Bộ Di Trú mới xét duyệt. Cô đã từng nói với mẹ rằng khi nào có đủ điều kiện thì sẽ bảo lãnh mẹ qua. Vậy mà cứ cắm đầu cắm cổ làm tiếp và chỉ 3 năm sau, cô bé báo cho tôi rằng “em mua được nhà và em chuẩn bị để đón mẹ sang anh à”.
Hôm qua cũng là ngày mà 2 anh em lâu rồi không gặp nhưng chúng tôi video call với nhau…nhìn được thấy cô bé ngày nào và bây giờ khác hẳn. Em thành công, em tự tin, mạnh mẽ, em vui vẻ và hạnh phúc và quan trọng hơn hết…cuối cùng thì 2 mẹ con cũng được ở bên nhau.
Còn tôi? Tôi rất xúc động khi được nhìn thấy họ vui vẻ như vậy và đây cũng là một trong những phần thưởng của công việc hằng ngày tôi làm.
Hôm nay tôi đã được uống ly cà phê mà em ấy mời tôi suốt trong vòng 12 năm qua.

Cố Vấn Tạ Quang Huy
Thạc Sĩ Luật
Fellow, Viện Di Trú Úc