Đã rất lâu nay và cho tới bây giờ, tác giả cũng vẫn khẳng định rằng việc mua bất động sản để được định cư tại Úc là điều KHÔNG thể.
Việc mua bất động sản để đầu tư lại là một việc hoàn toàn khác vì đó là mục đích sinh lời.
Thời gian ngắn vừa qua, tác giả nhận được khá nhiều thư từ những follower trên Facebook. Có một chị viết:
———————————–
“Huy ơi có việc này không phải chuyện của chị nhưng chị rất là ghét những thằng luật sư bất lương cấu kết với tụi lừa đảo ở Việt Nam. Chuyện visa đầu tư 400 ngàn ở lại Úc như em đã có bài. Vậy mà không hiểu sao tụi nó vẫn hoạt động được. Khuya hôm qua, bạn chị người Nghệ An điện thoại nói đang làm thủ tục định cư Úc.
Có một thằng tên Dũng, tên thật của nó. Mời chào bạn chị làm thủ tục định cư. Nghe nói chuyện chị báo cho bạn chị là thằng đó lừa đảo chuyên nghiệp và có gửi link bài em viết vụ tụi nó lừa mấy trăm người.
Vậy mà thằng đó nói là hồ sơ phía tụi nó thuê em làm. Em có cách nào lên tiếng không vì nếu không thì tụi nó lừa nhiều người bán cả gia sản để kí hợp đồng ban đầu $100,000 trong $400,000.
Bạn chị ở Úc đã 5 năm với visa chăm hai đứa con đi học giờ tụi nó Uni rồi nên qua lại bằng visa du lịch.
Mà thằng Dũng đó là bạn lâu năm của gia đình đó mà nó vẫn mạnh miệng lừa đảo được thì mấy người không biết gì về luật sập bẫy như thường.
Chiêu của tụi nó có vẻ giống một luật sư người Việt sống tại khu Brisbane đã bị mất bằng lắm. Đầu tư $400,000. Hợp đồng cọc $100,000 trước và phần còn lại lấy từ từ. Tụi nó còn lo luôn IELTS 6.5 trở lên.
Nguyên văn nó nói với bạn chị khi bạn chị đưa bài của cảnh báo bọn lừa:
Uhm.. Dũng biết Huy, bên Huy đang làm giấy tờ phía Úc cho tụi nó, làm giá cao lắm nên bọn nó mới lấy cọc trước nhiều như vậy.
Ý là Huy làm dịch vụ cho bọn nó. Chị không tin bọn đâu chỉ là bọn nó mượn danh em cho dễ lừa thôi.
Chị có nói với bạn là TQH hồ sơ đầu tư 1 triệu Đô mà nó còn không làm nữa chứ huống gì cái loại đầu tư $400,000 móc đâu ra?”
———————————–
TQH chưa từng bao giờ làm visa theo diện 188a hay 188b vì Huy cho rằng 2 loại visa này rất không phù hợp cho người Việt Nam và bởi vậy là không làm.
TQH cũng chưa từng bao giờ khuyến khích mua bất động sản để có thường trú vì là không có. Huy cũng từng là cố vấn cho 2 dự án tầm cỡ khi khách hàng đầu tư gần 200 triệu Đô để đầu tư vào việc mua đất và xây cất khách sạn để được mục đích định cư theo diện 132. Những dự án như vậy vô cùng hiếm từ Việt Nam và cho tới nay vẫn chưa thể hoàn thành thủ tục.
Vậy nếu mà để bỏ tiền mua một căn nhà với giá ngất ngây là 4 triệu Đô đi thì Huy cũng khẳng định với các bạn là không có cửa để định cư.
Việc mua nhà thì các bạn nên hỏi những người làm trong ngành địa ốc và nếu họ có nói rằng được định cư là xạo. Nói đúng hơn là họ không đủ tư cách để nói vì họ không có giấy phép hành nghề di trú.
Cũng như chị Nhung viết cho Huy về vụ lừa đảo của thằng tên Dũng. Cũng vì nhiều người ham muốn định cư nhưng lại mù thông tin hay có thông tin nhưng không tin mà lại nghe lời ‘Ngon’ và ‘Ngọt’.
Với giá đặt cọc 100,000 Đô rồi phần còn lại trả từ từ cũng đã hiểu được cách lừa đảo rồi.
Nếu ai có biết vụ thằng Dũng này thì liên hệ cho Huy nhé.
Các bạn nên chia sẻ những thông tin này cho người thân hay bạn bè, vì chúng ta sẽ biết đâu cứu được một gia đình nào đó.
Cố Vấn Tạ Quang Huy
Fellow, Viện Di Trú Úc