Sau khi TT Trump thắng cử cuối năm 2016, nhiều nơi trên đất Mỹ xuất hiện nhóm thuộc cánh Tả không thích ông Trump, họ tìm cách truất phế TT Trump bằng cách thu gom chữ ký vào danh sách thỉnh nguyện thư với nội dung: “Tống cổ ông Trump ra khỏi Tòa Bạch Ốc vì (cho rằng) Trump là người kỳ thị và có đầu óc Phát xít”. Họ bất chấp Trump đã được đa số bầu lên làm tổng thống. Dư luận Mỹ đã xếp những người này vào loại ‘cuồng Dân Chủ’ hay xa hơn nữa là họ ‘cuồng Tả’ vì thời gian trước khi bầu cử diễn ra, ai cũng nghĩ đảng Dân Chủ sẽ thắng, cho nên khi bị thua, những người cuồng nhiệt ủng hộ Dân Chủ tìm cách chống đối ông Trump tối đa.
Cuộc bầu cử tại Úc mới diễn ra phần nào cũng tương tự như Mỹ, rất ít người nghĩ rằng Liên Đảng thắng cử, kể cả bản thân TT Morrison. Thế nhưng tiếng nói đã thể hiện qua kết quả của đa số cử tri thầm lặng! Họ không nói nhưng làm, họ chọn bầu ai vì quyền lợi quốc gia hoặc quyền lợi riêng tư. Nhưng điều quan trọng là họ nghĩ mình chọn lựa đúng đắn. Theo kết quả thống kê của cuộc bầu cử thì đảng Lao Động chỉ nhận được khoảng 33% số phiếu bầu trực tiếp, nghĩa là chỉ 1 trong 3 người là bầu cho Lao Động. Nội bộ lãnh đạo Đảng Lao Động phải tự đặt câu hỏi tại sao. Chính sách mà họ theo đuổi có được dân chúng đón nhận và khả thi chăng? Hẳn nhiên Lao Động rút ra bài học kinh nghiệm cho lần bầu cử tới.
Cách phản ứng, thái độ không chấp nhận kết quả đa số là thái độ của kẻ cố chấp (bigot), thậm chí một số cực đoan hơn bằng cách chống lại đa số qua hành động hay lời nói gây chia rẽ, ảnh hưởng đến sự hài hòa chung. Trên the Advertiser bài nhận định của bà Stacey Lee thuộc Skynews (23/5/19) có bài tựa “intolerance sinks to new low in election dogfight” (tính cố chấp bậm sâu trong cuộc hỗn chiến bầu cử). Bà cho rằng trong khi tranh cử nên hành xử theo cách của người quân tử, không dùng hạ sách để bêu xấu hay tấn công đối phương và khi thắng/thua xong thì cần chấp nhận theo số đông. Đó là sự trưởng thành của xã hội dân chủ như Úc Châu.
Nhiều người trong chúng ta không thích đảng Xanh, cũng không thích quan điểm cực Tả của TNS Sara Hanson-Young nhưng không vì thế mà gửi thư hăm dọa bà ta, hay đặt bom trước văn phòng của bà ta. Cũng thế, việc tranh cử vùng Warringah của ông Tony Abbott, cựu Thủ Tướng Liên Đảng, người cứng rắn và bảo thủ tiêu biểu. Hàng trăm tấm hình của ông đã bị méo mó với những ngôn từ bất nhã cùng với sức tập trung lực lượng của nhóm Getup đứng sau bà Zali Steggall và họ đã thắng vẻ vang trong khu vực an toàn (safety) của đảng Tư Do. Thế nhưng khi tuyên bố thất cử, ông Abbott vẫn chúc mừng bà Steggall và mong bà là dân biểu tốt cho khu vực Warringah cho nhiều năm tới. Đó là cách hành xử của người quân tử.
Trong bài viết của David Penberthy trên The Advertiser ra ngày 24/5/19 bài nhận định tựa “Reaction of elitist Left has been just deplorable” (Phản ứng của cánh Tả chỉ gây tệ hạ) khi ông nói rằng sự trưởng thành của chúng ta trong đất nước dân chủ là hài hòa chấp nhận kết quả của cuộc bầu cử, không nên cay cú và quá khích như bà Lisa Wilkinson của đài ABC trên The Project khi viết bài: Một lá thư gửi TT Morrison, với cách diễn đạt thái quá, bà tự cho mình cái quyền đại diện cho cả nước (entire nation) tỏ ra thất vọng kết quả bầu cử! ông Penberthy cho rằng nói như thế chỉ có hại thêm cho những người thuộc cánh Tả như bà Lisa vì cả nước đâu có cùng quan điểm với bà ta. Bà không thể nhân danh số đông và lại càng không nên cự tuyệt kết quả của số đông đã chọn.
Nhìn một cách thực tế, chấp nhận nguyên tắc dân chủ đa số thì không có lý do gì chống đối hay tẩy chay khi đa số đã chọn. Đi ngược lại với nguyên tắc số đông, tẩy chay và đòi truất, là thái độ tự mãn, hẹp hòi. Thế giới phải là của riêng và phải đi theo cách mà họ muốn.
Thực ra không chỉ cánh Tả hay cực Tả mới có thái độ như thế. Một số cực Hữu cũng muốn quan điểm chính sách cai trị thuộc về mình, đó là thái độ của những người theo chủ nghĩa da trắng thượng tôn.
Hãy nhìn đảng phái chính trị như là phương tiện để phục vụ cho quốc gia và dân tộc, hôm nay Liên Đảng có thể hưng thịnh và thành công nhưng mai kia có thể thua kém lao Động, như thường xảy ra trong quá khứ, thế nên khái niệm chính trị chỉ là tương đối, ủng hộ đảng phái chỉ là nhất thời. Cái không thể mất và bất biến là lý tưởng quốc gia dân tộc. Úc Châu là quốc gia của đa văn hóa, của dân chủ và tự do, của hưng thịnh và thăng tiến. Đảng phái nào phục vụ cho những lợi ích ấy của quốc gia thì chúng ta nên hậu thuẫn. Người Việt chúng ta có kinh nghiệm hơn ai hết về đảng Việt gian cộng sản ngồi xổm trên quyền lợi quốc gia dân tộc VN. Cho nên chúng ta biết phải hành xử như thế nào, thái độ ra sao với nền chính trị đa đảng và đầy cạnh tranh lành mạnh như tại Úc hôm nay.
Adelaide Tuần Báo