ATB – 1033 Quan Điểm
Đảng csTQ trong ván cờ thâu tóm các quốc gia hải đảo ở Thái Bình Dương dưới chiêu bài viện trợ, hợp tác kinh tế và an ninh, thậm chí mua chuộc các quan chức sở tại. Khi đạt được thỏa hiệp, đảng csTQ sẽ xây dựng cơ sở địa chính trị nhằm kiểm soát, tạo ảnh hưởng trên toàn khu vục Thái Bình Dương, tiến gần đến mục tiêu vô hiệu hóa vòng vây bởi Hoa Kỳ và Đồng Minh, ngược lại họ tiến dần vào sân sau của Mỹ gần các đảo Guam và Hawaii.
Châu Đại Lục (Oceania Continent) gồm 14 quốc gia trong đó Úc và Tân Tây lan là hai quốc gia có nền kinh tế phát triển. Riêng Úc Châu có diện tích rất mênh mông so với tất cả quốc gia còn lại. 12 quốc gia chậm phát triển gồm những quốc đảo rải rác giữa Thái Bình Dương. Có đảo quốc nhỏ xíu như Nauru với diện tích chỉ vỏn vẹn 21km vuông với dân số chưa tới 10 ngàn người. Phần lớn các quốc đảo này giao hảo thân thiện với Úc và Tân Tây Lan như là thành viên trong gia đình Thái Bình Dương. Họ nhận được sự trợ giúp về hầu hết các nhu cầu trong khi còn quá sơ khai và chậm phát triển.
Chừng vài năm nay Tầu cộng không ngừng mở rông ảnh hưởng qua việc viện trợ và mua chuộc một số quốc đảo vốn có quan hệ ngoại giao với Đài Loan. Cụ thể Palau cắt đứt quan hệ với Đài Loan và chuyển sang hợp tác với TQ. Các hợp đồng được ký kết hàng loạt với Papua New Guinea (PNG) và mới nhất là với Solomon Islands (SI). Tuần qua bộ trưởng Ngoại Giao Tầu cộng, ông Vương Nghị lại viếng thăm thêm 5 quốc đảo chỉ sau hơn một tháng thăm SI. Tại FIJI ông ta đã tham dự hội nghị của 10 quốc đảo nhằm thuyết phục họ hợp tác bằng cách để cho Tầu cộng xây dựng cơ sở vật chất trong lãnh vực kinh tế và an ninh (dưới dạng huấn luyện cảnh sát) cho các đảo quốc. Một hình thức mà họ đã làm với SI. Đại diện chủ nhà thủ tướng Fiji ông Frank Bainimarama đã từ chối thẳng thừng đề nghị của ông Vương Nghị khi cho rằng ưu tiên hàng đầu của các đảo quốc chúng tôi là vấn đề khí hậu và môi trường. Sau đó thủ tướng Samoa bà Mata’afa cũng khẳng khái từ chối những đề nghị của Vương Nghị.
Thực vậy, nếu khí hậu trái đất ấm lên theo hiệu ứng nhà kính (greenhouse effect) nước biển dâng cao do tan chảy băng ở hai cực sẽ làm cho các quốc đảo biến mất khỏi bản đồ thế giới. Đồng nghĩa với sự sống còn của họ tùy thuộc vào việc làm chậm biến đổi khí hậu. Nghĩa là khí thải Carbon phải giảm. Mà TQ thải khí độc vào bầu khí quyển nhiều nhất. Thủ Tướng Bainimarama nhấn mạnh với Vương Nghị rằng nếu TQ muốn có ảnh hưởng trên các quốc đảo thì việc trước tiên phải giảm thải khí độc vào không gian chứ đừng nói chuyện an ninh trong lúc này.
Tưởng cũng nên nhắc lại, chính phủ Morrison tuy cứng rắn với Tầu cộng nhưng đã bị thua trong ván cờ SI. Đảng Lao Động vừa lên nắm quyền đã cử bộ trưởng ngoại giao Penny Wong đến Fiji trước ngày Vương Nghị có mặt. Hành động này cho thấy Úc quyết tâm ngăn chặn Tầu cộng lấn sâu vào sân sau nhà mình. Tuy Lao Động tỏ ra mềm mỏng hơn so với Liên Đảng nhưng không có nghĩa là Lao Động sẽ bị Tầu cộng khuynh loát và mua chuộc. Mới đây Tầu công lên tiếng cảnh báo chính phủ Albanese không nên gây thù với họ như chính phủ Morrison. Với chiêu bài ‘sói giả cừu’ khi họ kết án Úc là người gây ra sự bất hòa chứ không phải TQ, Úc nên sửa sai và quay lại chính sách thân thiện với TQ, đừng theo Mỹ để chống TQ!
Dù Tầu cộng muốn tạo ảnh hưởng và nhắm đến việc thâu tóm các quốc đảo nhưng Úc và Tân Tây Lan vẫn là mục tiêu chính mà họ nhắm tới. Xâm nhập, bao vây, gây chia giữa các đảo Quốc với Úc và Tân Tây Lan là kế sách thọc gậy bánh xe mà Tầu cộng đang thực hiện. Chính phủ Lao Động tuy không quá đặt nặng vấn đề quốc phòng và an ninh quốc gia như Liên Đảng nhưng thiết nghĩ, đừng coi thường những nước cờ mà Tầu cộng đang đi. Bộ Trưởng ngoại giao Penny Wong mới nhậm chức đã gấp rút công du 2 chuyến đến một số quốc đảo nhằm củng cố lại niềm tin, đồng thời xác nhận vị trí quan trọng của Úc trong việc hỗ trợ các quốc đảo này phát triển. Quan trọng nhất vẫn là ảnh hưởng của Úc còn nặng ký hơn so với áp lực mà Tầu cộng đang tìm cách áp đặt vào. Ván cờ tranh dành ảnh hưởng trên các quốc đảo sẽ còn kéo dài, không chỉ có Úc và Tân Tây Lan phải cảnh giác mà Hoa Kỳ, Nhật và Hàn Quốc cũng cần quyết tâm hơn. Bao vây thế cờ bành trướng Tầu cộng không chỉ một phía, mà phải toàn diện và đồng bộ.
Adelaide Tuần Báo