Adelaide Tuần Báo – Là một quốc gia hiện đại và được tạo dựng trên nền tảng đa văn hoá như Úc thì việc lấy vợ/chồng người nước ngoài và bảo lãnh người đó để được định cư tại Úc là một điều vô cùng dễ hiểu. Chắc chắn việc lấy vợ/chồng nước ngoài không còn xa lạ với dân sống tại xứ sở kangaroo. Có những gia đình chờ đợi sự sum họp, thậm chí có những gia đình còn có cả con nữa.
Chính phủ Úc cũng có tạo mọi điều kiện cho dân sao mà sớm được đoàn tụ, nhưng trên thực tế thì còn có nhiều điều chưa được công khai.
Hiện tại, chính phủ Úc nói chung và đặc biệt là Bộ Di Trú Úc nói riêng có lượng hồ sơ khổng lồ chưa được giải quyết. Điều này cũng có nghĩa rằng có rất nhiều cặp vợ chồng đang phải sống kiểu mỗi người mỗi nơi.
SỰ CHỜ ĐỢI MỎI MÒN
Hiện tại có trên 90,000 gia đình đang chờ đợi chính phủ xét hồ sơ diện kết hôn/đính hôn/sống chung. Tưởng chừng chỉ chờ đợi vài tháng thôi, nhưng không hẳn phải vì có những gia đình chờ đợi 1 năm, 2 năm và thậm chí rất nhiều năm.
Có rất nhiều người cũng chẳng hiểu tại sao lại mất nhiều thời gian để chính phủ xét duyệt vậy? Họ yêu thương nhau, có con với nhau và chỉ mong đợi sớm được gần gũi bên nhau. Cũng có những gia đình phải tốn rất nhiều tiền để được gần nhau. Một người bên Úc và người kia bên Việt Nam trong khi chờ đợi mà muốn gặp nhau thì việc bay tới tận nơi để gặp nhau là đương nhiên, nhưng điều này cũng không hề dễ dàng vì còn có nhiều gia đình trong hoàn cảnh khó khăn về kinh tế. Cũng có những gia đình bị cạn kiệt về tài chính vì phải sử dụng những khoản tiền đã tích góp được trước đó rất lâu.
Những cặp vợ chồng này cũng rất muốn có một gia đình bình thường, nhưng làm sao họ có thể khi phải ‘yêu xa’?
VISA CHỜ…CHỜ AI?
Hiện tại cũng có một số lượng người đã nộp hồ sơ trong nước (tại Úc) đã được cấp visa chờ (bridging visa). Chờ đợi Bộ Di Trú xem xét họ có phải đang có một mối quan hệ thành thật và diễn tiếp. Chờ đợi xét duyệt với thời gian vài tháng giờ là thứ vô cùng xa xỉ trong hệ thống di trú của Úc và điều này mơ cũng không dám.
Chính phủ cho rằng nếu một ai đó tới Úc theo diện du học, du lịch hoặc một diện nào đó rồi nộp hồ sơ kết hôn với ‘bạn đời’ của mình, mong muốn được định cư tại Úc thì việc được cấp visa chờ để đợi chính phủ xét duyệt thì đâu có cần gấp làm chi? Đang đợi trong nước Úc mà?
Về khía cạnh của các cặp vợ chồng chờ đợi những tháng, những năm cũng đều muốn sao mà hồ sơ của họ được cấp visa thường trú vì bởi khi họ có ‘PR’ rồi thì mới có thể ‘an cư lạc nghiệp’. Nếu cuộc sống còn dở dang bằng việc tư cách pháp nhân tại Úc chỉ là một cái visa chờ thì có mấy ngân hàng sẵn sàng làm việc cho mượn tiền để mua nhà chung với bạn đời của mình?
Cuộc sống chưa được ổn định thì sao dám nghĩ tới nơi ăn chốn ở vững vàng? Người Châu Á như chúng ta thường hướng tới gia đình và thường đặt gia đình lên hàng đầu.
BỘ DI TRÚ CÓ THIẾU NHÂN SỰ?
Tác giả cũng đã từng nghĩ rằng số lượng hồ sơ còn tồn đọng trong Bộ Di Trú chờ đợi xét duyệt là do không đủ nhân viên xét duyệt. Số tiền đóng cho chính phủ cho mỗi đương đơn chính hiện giờ cũng gần $8,000. Đây là một số tiền lớn và chưa tính tới dịch vụ phí khi cần sử dụng đại diện di trú.
Chính phủ đã sử dụng số tiền này vào đâu? Có phải chính phủ Úc biết rằng ‘cầu vượt cung’ rồi và cho nên cố tình làm vậy?
Ông Julian Hill, nghị viên cho rằng “Chính phủ Úc cố tình gây sự chậm trễ với việc xét hồ sơ” với mục đích đánh lạc hướng của dân.
VISA KẾT HÔN SẼ GIẢM?
Năm nay, chính phủ sẽ giảm số lượng visa theo diện kết hôn là 39,799 visa. Vậy so sánh với 2 năm trước đó thì chính phủ Úc giảm đi 8,000 visa.
Rõ ràng, số lượng tăng hay giảm là nằm trong tầm tay của Bộ Di Trú…nhưng việc tăng hay giảm này thì Bộ Di Trú hay chính phủ Úc có quyền hay không?
LUẬT DI TRÚ ÚC
Theo điều 87 của bộ Luật Di Trú Úc ban hành năm 1958 ghi rằng chính phủ không có quyền ‘cắt hay giảm’ số lượng visa liên quan tới trẻ em và kết hôn vì Úc công nhận rằng gia đình là nền tảng của xã hội mà Úc cũng là quốc gia thành viên tham gia trong hiệp ước ICCPR từ năm 1980.
Năm 1989, chính phủ Úc đã từng đưa dự luật xin để được ‘cắt hay giảm’ số lượng visa cấp cho những trường hợp trẻ em hay kết hôn và đã không thành công.
Năm 1996, chính phủ Úc cũng tiếp tục xin được phép quyền hạn để ‘cắt hay giảm’ số lượng visa cấp cho những trường hợp trẻ em hay kết hôn và một lần nữa quốc hội Úc đã phản đối quyết liệt.
Thượng nghị viện cho rằng những cặp vợ chồng muốn đưa bạn đời của mình qua Úc định cư thì tại sao lại bị giới hạn và điều tán thành với việc đặt chỉ tiêu cũng sẽ vi phạm một số điều khoản trong các hiệp ước đã được ký kết với bạn bè quốc tế.
Mặc dù Chính phủ cho rằng cả chương trình nhập cư với tổng số lượng cho năm 2019-2020 là 160,000 visa nhưng chỉ đến khoảng giữa năm thì Chính phủ đã được công bố là hết chỉ tiêu. Tuy nhiên, số lượng visa thực tế đã được cấp chỉ khoảng gần 40,000 visa.
Trong khi đó có vài chục ngàn người đang có visa chờ trong khi chờ đợi hồ sơ kết hôn của họ được xét duyệt. Phải chăng Chính phủ Úc đang cố tình trì hoãn việc xét duyệt các hồ sơ theo diện kết hôn vì những lí do khác, chẳng hạn như liên quan đến mục đích chính trị. Cụm từ ‘Cắt giảm di trú’ được lặp đi lặp lại khi Chính phủ thông cáo rằng đã hết hạn mức cho loại visa kết hôn, phải chăng chỉ là để tăng hiệu quả cho việc dành lấy ưu thế trong tranh cử?
Một trong những dự luật từ năm 2016, những visa liên quan đến trẻ em sẽ không bị giới hạn nhưng chính phủ đã cố tình ‘im lặng’ và đến giờ thì ngay cả visa kết hôn cũng là một trong những loại visa liên quan đến trẻ em bị giới hạn về số lượng.
Hơn thế nữa, chính phủ cũng đã yêu cầu Bộ Di Trú chỉ đạo với các văn phòng xét duyệt visa tại các nước rằng ‘áp dụng ngay tức thì việc ngừng cấp cho các loại visa liên quan đến gia đình, trẻ em cho tới khi có chỉ đạo mới’ hoặc rằng ‘không thông báo cho các đương đơn rằng visa của họ đã sẵn sàng được cấp’. Mục đích của việc này là để làm gì khi hạn mức dự kiến hằng năm thật sự đang tỉ lệ nghịch với mục đích của Luật Di Trú.
Rõ ràng, hành động này của chính phủ nhằm mục đích tác động lên thời gian chờ đợi của loại visa kết hôn. Dù không phải là sự thật thì nếu như ‘nhìn như là hết hạn mức, nghe như là hết hạn mức, thì đó chính là hết hạn mức’.
Chính phủ nên thừa nhận rằng nước Úc còn nhiều hạn mức cho visa kết hôn, thay vì cố tình kéo dài thời gian chờ đợi xét duyệt visa và gây ra không những rất nhiều tổn thất về kinh tế, tinh thần của người dân.
Chính phủ nên công bằng và chính trực trong việc đưa ra những dự luật, chính sách về visa kết hôn, liên quan đến trẻ em, gia đình và hãy để cho những công dân Úc muốn yêu ai thì yêu, muốn kết hôn với ai thì được sống cùng người đó.
Cố Vấn Tạ Quang Huy
Fellow, Viện Di Trú Úc
Chủ Nhiệm, TQH Lawyers & Consultants