Vừa tái đắc cử TT Morrison đã có chuyến công du đến đảo quốc Solomon với lý do Úc cần liên kết chặt chẽ hơn với các quốc gia hải đảo Thái Bình Dương mà bấy lâu nay có vẻ lỏng lẻo để cho TQ tìm cách thao túng. Một trong những ưu tiên hàng đầu của chính phủ Liên Đảng là ngăn chặn ảnh hưởng và xâm lăng của TQ vào nhóm quốc gia Hải đảo gồm 18 quốc gia kể cả Úc và Tân Tây Lan. Thực vậy, TQ đang dùng tiền dưới hình thức viện trợ để xây dựng cơ sở quân sự trá hình trong kế hoạch xâm lăng và bá chủ thế giới.
Trên tờ Australian ra ngày 27/5/19 có bài tựa “PM counters China in Pacifics” (Thủ tướng Morrison lật ngược TQ tại Thái Bình Dương), đã dẫn giải rằng Liên Đảng chú tâm đặc biệt chính sách ngoại giao, trong bối cảnh TQ tìm đủ cách mua chuộc, phân hóa các quốc gia Thái Bình Dương, nhất là khuynh đảo các quốc gia nhỏ này ủng hộ cho TQ và bỏ Đài Loan (tưởng cũng nên biết hiện nay chỉ còn chưa tới 20 quốc gia đặt quan hệ ngoại giao với Đài Loan trong số đó phần lớn là các quốc gia hải đảo nhỏ bé tại Thái Bình Dương).
Tờ nhật báo Trung Hoa (China Daily) đã chỉ trích và cho rằng “Liên Đảng thắng cử là điều đáng buồn cho quan hệ Úc và TQ, vì chính sách ‘đầy ngờ vực’ của Liên Đảng đối với TQ. Tờ báo này còn dẫn lời TT Morrison khi tranh cử nói rằng Úc coi Hoa Kỳ là bạn (friend) và coi TQ chỉ là khách hàng (customer), Báo này nói “Chính sách của Liên Đảng đầy đố kỵ và ngờ vực khi cho rằng TQ tìm cách can gián vào nội bộ các quốc gia Thái Bình dương kể cả Úc”.
Nhìn một cách trung thực, đồng ý với TT Morrison trong việc ngăn chặn TQ ảnh hưởng, nguy cơ của chiến tranh xâm lăng. Chỉ có kẻ thiển cận và ngu xuẩn mới nghĩ rằng TQ không phải là hiểm họa cho thế giới. Ngay hiện tại TQ còn thua xa Mỹ về quốc phòng nhưng sự hung hãn, chiếm đoạt xảy ra khắp nơi, kể cả trên lãnh thổ Úc. Hoa kỳ không ép các quốc gia phải nhường đất nhường biển 99 năm, nhưng TQ thì khác, chỗ nào họ đặt chân đến cũng nhắm mua hay tâu tóm, đặt cơ sở và di dân tới. Tại biển Đông với chiến thuật ‘Tằm ăn Dâu’ họ đã chiếm hầu hết các hải đảo, lập căn cứ quân sự và khai thác tài nguyên. Không chỉ thế, thái độ khiêu khích tấn công diễn ra hàng ngày. Tuần qua chiến hạm của Úc đang hoạt động trên biển Đông, đã bị TQ dùng tia LASER chiếu vào mắt các phi công trực thăng. Đây có phải là hành động nguy hiểm và khiêu khích chăng ?
Úc có thể là đối tác buôn bán với TQ, chứ không nên là đối tác quân sự hay bất cứ đối tác nào khác, bởi lý do dễ hiểu là TQ lúc nào cũng có ý định chiếm đoạt chứ không chấp nhận cạnh tranh một cách tương kính. Lối tư duy đó là bản chất của Hán tộc mà các dân tộc lân bang đều ý thức, trong đó dân tộc VN thấm thía điều này hơn cả.
Điều đáng mừng là đa số dân chúng Mỹ cũng như Úc ý thức rằng TQ là mối lo ngại của thế giới và vì thế, họ cần một chính phủ cứng rắn, biết đề phòng. Đảng United Australian Party tuy không được dân chúng Úc ủng hộ một cách trực tiếp nhưng khi bỏ ra hơn 60 triệu đô vận động, ông Clive Palmer tỏ ra hài lòng vì mục tiêu của ông là làm cho dân chúng ý thức hiểm họa xâm lăng TQ mà bầu cho đảng nào có chính sách cứng rắn hơn cả, để đối phó với TQ.
Dĩ nhiên TQ không ngồi yên để cho Hoa Kỳ và đồng minh bao vây họ, mà tìm cách làm đứt mắt xích nào có thể. Việc Tập Cận bình đến Âu Châu, ký kết đối tác với Ý và Pháp etc… đồng thời tiếp tục vươn xa từ các quốc gia Thái Bình Dương, sang Phi Châu và Nam Mỹ. Điều dễ hiểu, một nước trên tỉ tư người, nguồn tài nguyên cạn kiệt, nhiên liệu khan hiếm thì việc đi chiếm đoạt là dễ hiểu. Úc là một lục địa giầu tài nguyên, dân số ít ỏi, quốc phòng nhỏ bé, dân chúng không đề phòng etc… Quả nhiên là con mồi béo bở không thể bỏ qua. Bao vây Úc qua các nước nhỏ Thái Bình Dương và can dán vào nền chính trị tại Úc, hướng dư luận ủng hộ cho phe Tả, thân TQ hay thậm chí, chỉ bảo vệ môi trường là đủ. Đó là mưu lược lâu dài của TQ. Nhiều người đặt nghi vấn ai đứng đằng sau nhóm Getup. Ai chi tiền cho nhóm này vận động chống Liên Đảng?
Những nhà phân tích chính trị và quân sự Úc như Greg Sheridan, Peter Jennings đều cho rằng chiến lược xâm lăng ở thế kỷ 21 không đơn thuần mang quân đi chiếm đoạt mà nó bắt đầu bằng kinh tế, ảnh hưởng, cô lập và bao vây, ngay cả mua chuộc để đưa đối phương rơi vào cái bẫy lợi trước mắt, mà khi ngộ ra thì quá trễ.
Thế giới lúc nào cũng có những phức tạp và nguy cơ chiến tranh. Tuy nhiên, trật tự mà chúng ta đang có, Hoa Kỳ là đầu tầu, phát xuất từ tính nhân bản và sự bao dung, cho chúng ta sự ổn định tối thiểu cần phải có và ít nguy cơ chiến tranh hủy diệt hơn. Chúng ta mong mỏi Liên Đảng dưới sự lãnh đạo của TT Morrison khôn khéo trong mọi đối tác với các quốc gia, kể cả TQ. Nhưng luôn biết thận trọng, cảnh giác và cứng rắn trước những thử thách từ bên ngoài.
Adelaide Tuần Báo