ADELAIDE TUẦN BÁO – Chủ nghĩa cộng sản (cs) đã được xếp vào loại, nếu không nói định nghĩa là: gian manh và độc ác. Lịch sử nhân loại đã chứng minh điều này và hầu hết các quốc gia đã đoạn tuyệt với nó, không coi chủ nghĩa cs là mô hình theo đuổi. Chỉ còn vài quốc gia như VN, TQ, Cuba và Bắc Hàn vẫn ôm khư khư. Một chủ thuyết lý tưởng trên sách vở nhưng thực tế, là cả một hệ thống độc ác, xảo quyệt và phi nhân bản, thậm chí tệ hơn các chế độ độc tài, quân chủ trong lịch sử.
Tam đoạn luận phải được hiểu trong ý nghĩa: cs đẻ ra cái ác, chống cs là chống cái ác, hoặc chống cái ác phải đi đôi với việc chống cs… Ta có thể hiểu cs là cái gốc của sự ác độc, chống phần ngọn mà không chống cái gốc thì chưa phải là chống cái ác một cách trọn vẹn.
Phạm vi quốc tế: Chủ nghĩa cs đã sụp đổ hoàn toàn ngay tại cái nôi sinh ra nó sau hơn 70 năm. Các lãnh tụ cs đã lên án như cựu Tổng bí Thư Gorbachev của Liên Xô: “ Chủ nghĩa cs chỉ là gian manh, xảo quyệt và độc ác”. Còn Đức Lạt Ma thì nói: “cs là loài ký sinh trùng sống trên rác rưởi của hoang tàn, chiến tranh và chết chóc”. Còn rất nhiều nhân chứng, vật chứng và có cả một lịch sử cận đại nói về tội ác của chủ nghĩa cs gây ra.
Phạm vi quốc gia: Nếu viết hết, thiết tưởng không giấy bút nào diễn tả hết tội ác mà chủ nghĩa này đã gieo tai họa cho dân tộc kể từ khi Hồ Chí Minh và đồng bọn áp đặt chủ nghĩa ấy trên quê hương VN. Ông Vũ Đức Lâm đã tóm gọn 13 ‘đại độc ác’ của cs đối với dân tộc VN (có đăng trên ATB số 797 nơi trang 10 ra ngày 21/9/17). Hậu quả: Nguy cơ mất nước gần kề; luân lý đạo đức văn hóa suy đồi; tinh thần dân tộc bạc nhược; vô cảm trước nỗi đau của đồng loại. Chỉ nhạy bén chạy theo đồng tiền. Đánh mất tinh thần và niềm tự hào dân tộc với hơn 4 ngàn năm văn hiến.
Lý luận rằng, thế hệ trẻ sinh ra và lớn lên ở trong nước, suốt đời hít thở không khí cs, được nhồi nhét về chiếc bánh vẽ cs, về lãnh tụ, về cờ đỏ sao vàng etc.. Cho nên nói cs là độc ác, họ không hiểu, không có khái niệm để so sánh. Nên nhớ rằng không phải các thế hệ sinh ra tại VN mà bất cứ nơi nào, đều có những trường hợp tương tự. Một khi cái ác đã trở thành tự nhiên, dối trá trở nên quen thuộc, thì người ta khó mà thoát ra khỏi tầm nhìn hạn hẹp. Bắc hàn hiện nay là một điển hình, hơn 20 triệu dân ngu muội trong cuồng loạn vì bộ máy chuyên chính độc tài cs cai trị.
Cần phải chứng minh rằng cs là gốc sinh ra ác độc, chống cái ác là chống cộng, không thể khác đi, cũng không thể tách rời 2 vế của một vấn đề và để ở một mạch văn cách xa, vì điều này sẽ gây ngộ nhận và hiểu sai.
Những người đấu tranh vì nhân quyền, vì chính trị quốc gia dân tộc, họ có trách nhiệm và bổn phận dẫn giải các chứng cớ lịch sử cụ thể. Bởi lẽ ta không hiểu được cái ác sinh ra ở đâu mà chỉ loanh quanh hô hào chống cái ác thì sức thuyết phục của vấn đề không đến dễ dàng.
Tranh cãi gần đây về việc chống cái ác nhưng không chống cộng, đã đem lại nhiều bất lợi, thậm chí làm giảm đi tinh thần dấn thân đấu tranh của thế hệ trẻ. Tuy nhiên sự tranh luận ấy đôi khi cần thiết để điều chỉnh lại những gì ta muốn làm và làm cho đúng, làm cho chuẩn.
Những người bạn trẻ có tinh thần dấn thân đấu tranh vì tự do nhân quyền, cần phải được khuyến khích, nâng đỡ và nuôi dưỡng, tương lai dân tộc và nhân loại thuộc về họ. Các bậc cha chú chỉ bảo thế hệ trẻ trong tinh thần của những người có trách nhiệm, khuyến khích lớp trẻ tiếp tục con đường dân tộc phải đi. Lấy tình thương và tập trung vào những điểm tích cực..
Nhân vô thập toàn, một lời nói có thể sai, nếu biết nhìn nhận cái sai và điều chỉnh cho đúng, thì thiết tưởng, không có gì quí hơn.
Sự đấu tranh qua phương tiện truyền thông quá nhanh và hiệu quả, lợi thế để những tư tưởng, quyết đoán của ta truyền đi. Nhưng khi truyền đi rồi, điều chỉnh, sửa đổi những cái chưa hoàn chỉnh sẽ rất khó. Cho nên, sự cân nhắc và thận trọng trong cách hành xử, ngôn từ không thể coi nhẹ.
Các bậc chú bác cũng nên lấy tinh thần bao dung mà chỉ bảo cho thế hệ trẻ. Sự thường, tài năng của thế hệ sau bao giờ cũng trỗi vượt hơn thế hệ trước, chỉ có kinh nghiệm là họ thua kém thế hệ trước mà thôi. Hãy lấy kinh nghiệm với lòng yêu thương cởi mở, tránh lên án và qui kết, nhất là những khía cạnh tiêu cực không giải quyết được vấn đề.
Nói tóm, là người Việt đang sống tại hải ngoại, phải xa quê hương vì không thể sống được với chế độ độc ác cs, bằng con đường vượt biển, vượt biên hay cả những du sinh, di dân tay nghề… Đa số chúng ta đều có tấm lòng với quê hương dân tộc. Cảm nhận được xã hội mà chúng ta đang sống tại đây tốt đẹp như thế nào thì chúng ta càng thương quê hương dân tộc, đồng bào ruột thịt trong nước bấy nhiêu. Chính chủ nghĩa cs là nguyên do đưa đẩy dân tộc VN lâm vào tình trạng ai cũng muốn bỏ nước ra đi. Bàng quang và quay mặt là thái độ của một số người. Nhưng dấn thân đấu tranh cho quê hương VN có tự do dân chủ và nhân quyền là một nỗ lực cần phải được khuyến khích. Những thế hệ trẻ đấu tranh hãy bền chí, kiên vững lập trường, hơn thế nữa, hãy khiêm tốn trong cung cách học hỏi, chấp nhận cái chưa hoàn chỉnh và làm cho hoàn chỉnh hơn điều
đã đề ra.
Chống cái ác là tính ‘chân thiện mỹ’ có trong ta. Tính ‘chân thiện mỹ’ ấy không cho phép ta dừng lại phần ngọn sự ác độc mà bỏ qua phần gốc tạo ra cái ác độc, đó là chủ nghĩa cs.
Adelaide Tuần Báo