Adelaide Tuần Báo – Cuộc gặp giữa tổng thống Nam Hàn Moon Jae In và lãnh tụ Bắc Hàn Kim Jong Un hôm 27/04/2018, tại khu phi quân sự Goyang (Bàn Môn Điếm) được coi là biến cố lịch sử, có thể đem lại sự hòa dịu giữa Nam và Bắc.
Nhưng chưa ai dám khẳng định sự kiện lịch sử này sẽ giải quyết dứt khoát vấn đề phi hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên.
Cách nay chưa đầy một năm Bắc Hàn thách thức cả thế giới với việc thử nghiệm vũ khí liên lục địa. Dư luận lo ngại về một cuộc chiến hủy diệt. Thế nên khi Lãnh tụ Kim Jung Un ôm thân thiện với TT Moon Jae In và họ đã đồng thuận nhiều vấn đề, dẫn đến một nền hòa bình lâu dài là điều rất khích lệ, khó ai ngờ có thể xảy ra nhanh chóng như thế.
Phe thân chính phủ Moon Jae In hy vọng Nam-Bắc có được hiệp định hoà bình, nhưng phe đối lập thì cảnh báo coi chừng Nam Hàn bị lừa!
Tương tự bài học của TT Chamberlain, Anh Quốc. Bị trúng kế Hitler ký thỏa hiệp Munich vào năm 1938, vài tháng trước khi nổ ra Thế chiến thứ hai. Còn đối với dân Hàn Quốc nói chung, được nhật báo La Croix (28/4) mô tả ý nguyện: “Cơ may cho hoà bình, một luồng gió mới thổi qua bán đảo Triều Tiên, phải đi đến cùng không chờ đến thế kỷ sau”. Hầu hết cơ quan truyền thông tràn ngập tin sốt dẻo, ai cũng dõi theo từng cử chỉ, lời nói, thái độ của 2 nhà lãnh đạo. Ngay cả sự gặp gỡ, dự tiệc chung của 2 đệ nhất phu nhân cũng được chi tiết mô tả. Bởi lẽ, tuy cùng dân tộc Hàn nhưng gần 70 năm Nam & Bắc ở 2 thái cực hoàn toàn ngược chiều nhau.
Thậm chí Bắc Hàn không giây phút nào ngưng nghỉ đòi ‘giải phóng’ Nam Hàn bằng bạo lực!
Cuộc gặp gỡ giữa hai lãnh tụ Hàn Quốc hôm 27/4 tuy là bước đầu nhưng là hành động đột phá quan trọng cho tương lai dân tộc Hàn nói riêng và nền hòa bình thế giới nói chung. Hãy chờ đợi kết quả cuộc thượng đỉnh giữa Kim Jung Un và TT Trump trong vài tuần tới để biết rõ hơn con đường hòa dịu và hòa bình trong khu vực tiến bao xa. Đối với TT Moon Jae In, thượng đỉnh liên Triều để thiết lập lòng tin giữa hán Thành và Bình Nhưỡng hơn là nhằm thúc đẩy tiến trình giải trừ vũ khí nguyên tử của Bắc Hàn. Cho dù tuyên bố chung của Moon Jae In và Kim Jong Un có nói là hai ông sẽ cùng nhau làm việc để đi đến “phi hạt nhân hóa hoàn toàn bán đảo Triều Tiên”, đó chỉ là những từ ngữ rất chung chung. Hôm 24/4 vừa qua, TT Trump đã tuyên bố rằng đối với Hoa Kỳ, phi hạt nhân hóa có nghĩa là chế độ Bình Nhưỡng phải từ bỏ toàn bộ các vũ khí nguyên tử và tên lửa đạn đạo.
Kim Jong Un ‘tranh thủ thời gian’ cũng là nhận định của một số người dân Hàn Quốc: “Kim sẽ đòi được những gì ông ta muốn, nghĩa là được công nhận ngang hàng với Mỹ, nhưng không bao giờ chấp nhận một chính sách thân thiện với Hàn Quốc bởi vì người dân Bắc Hàn sẽ chạy sang Hàn Quốc và chế độ Bình Nhưỡng sẽ sụp đổ”. Còn theo phân tích chuyên gia Hàn Quốc Cheong Seong Chang thì Kim Jong Un không có một sự lựa chọn nào khác: “hoặc từ bỏ hẳn vũ khí hạt nhân để đổi lấy bảo đảm an toàn cho chế độ, hoặc chấp nhận rủi ro chế độ từ từ sụp đổ”.
Nhìn vấn đề dưới lăng kính của người Việt Quốc gia, kinh nghiệm của VNCH và hiệp định Paris 1973 cho ta thấy gì? Ai cũng vui mừng sau gần 20 năm chiến tranh xâm lược của Bắc Việt, nhiều người Việt nghĩ sẽ có hòa bình vĩnh viễn. Thế nhưng chỉ 2 năm sau, chế độc cs Bắc Việt nghèo đói, gian manh xảo quyệt được che chở, xúi dục bởi bàn tay lông lá Trung cộng, đã tiến chiếm và nuốt chửng VNCH dưới sự đồng ý của Hoa Kỳ.
Để hệ quả của nó là ngày nay VN đang dần bị nuốt trọn bởi TQ. Cho nên việc thương lượng và cam kết với những người có bản chất cs hay chế độ cs như Bắc Hàn, cần phải cảnh giác. Hồi tưởng và so sánh 45 năm trước, chấm dứt cuộc chiến VN giống như thổi vào dư luận thế giới một luồng gió hòa bình. Nhưng tất cả trở thành mây khói vì sự xảo trá của cs Bắc Việt. Bài học VN có lập lại đối với Hàn Quốc chăng? Câu trả lời có lẽ là không. Tuy nhiên cần phải đặt vào bức tranh hiện tại mà phân tích: Hoa kỳ
có kế hoạch về Hàn Quốc ra sao và hãy coi chừng TQ cũng có những kế sách để thực hiện tham vọng của họ trong ván cờ mới này chăng?
Nói tóm, Dù chưa biết kết quả hòa bình và sự ổn định lâu dài có hiện thực hay không, nhưng ít ra chúng ta thấy những gì đang diễn ra, đều là những dấu chỉ của sự hợp nhất, tình nghĩa đồng bào của một dân tộc nhìn từ khía cạnh nào cũng toát lên được sự vui mừng và tích cực, dù chúng ta là những người ngoài cuộc. Bởi lẽ những người Bắc Hàn từng thù hằn, khác ý thức hệ với Nam Hàn, đã cùng ngồi lại và cùng cam kết những gì tốt nhất cho dân tộc của họ. Đó có phải là sự may mắn và là điều tốt đẹp nhất của dân tộc Hàn Quốc hay chăng?
Xem người lại nghĩ đến ta, nếu (chữ ‘nếu’ (if) chỉ có ý nghĩa giả định) những người csVN trong quá khứ và (ngay cả) hiện tại biết đặt quyền lợi dân tộc và tình đồng bào lên trên hết, thì đất nước VN sẽ không như ngày hôm nay. Chiến tranh đã chấm dứt 43 năm, mà lòng người vẫn ly tán, hận thù vẫn chồng chất vì sự đối xử ác độc và gian xảo của bên gọi là ‘thắng cuộc’. Tệ nhất là giang sơn bờ cõi và dân tộc VN đang dần trở thành một phần của TQ, mà kẻ tạo ra oan khiên ấy chính là đảng csVN, họ vẫn tiếp tục tự mãn, độc tài cai trị và lừa gạt dân tộc VN.
Adelaide Tuần Báo