Adelaide Tuần Báo – Từ ‘nguồn gốc’ Mother Day đầu tiên vào tháng 5 năm 1908 do bà Ann
Jarvis tổ chức tại West Virginia, Hoa Kỳ để tưởng nhớ người mẹ của mình
đã cưu mang, hy sinh suốt cuộc đời dưỡng dục con cái. Ngày của mẹ đã
trở thành một dấu ấn thời gian và không gian dành cho mẹ, dường như
được diễn ra trên phạm vi toàn cầu, kể cả Việt Nam. Tùy theo quốc gia
chọn ngày khác nhau, đa số chọn Chủ Nhật thứ hai của tháng Năm.
Sự trân trọng và đề cao tình mẹ gắn liền với lịch sử con người từ cổ chí
kim. Trong văn hóa Tây phương thời cổ Hy lạp (Rhea), thời đế quốc
Rôma (Cybele), và đến Thiên Chúa Giáo. Người Công Giáo tuyên dương
mẹ Maria, mẹ của Đức Jesus là gương mẫu của các bà mẹ, mẹ của Giáo
Hội và tháng 5, tháng Hoa dâng Mẹ. Phật Giáo có Đức Quán Thế Âm,
tôn sùng dưới hình thức Mẹ và tháng Bảy, lễ Vu Lan tưởng nhớ công ơn
mẹ. Mỗi dân tộc có tục lệ riêng về ngày dành cho mẹ. Có lẽ không có
hình ảnh nào cảm động, ý nghĩa cho bằng phong tục của người Nhật, vào
dịp lễ Vu Lan, bạn được cài hoa hồng nếu còn mẹ, được cài hoa trắng nếu
mẹ đã khuất. Hình ảnh ấy toát lên và diễn tả tâm trạng của con người còn
hay mất mẹ.
Ngày nay thỉnh thoảng trên truyền thông đây đó có những sự kiện tiêu cực
về người mẹ đối xử không tốt, nếu không nói là tồi tệ và độc ác với con
của mình, nhất là những đứa trẻ còn nhỏ, những trường hợp ấy hẳn làm
hoen ố hình ảnh về người mẹ, vốn được coi là mẫu mực và hết lòng vì con
cái. Đề cập đến một vài hình ảnh tiêu cực như thế để biết rằng, trong thế
giới mà con người đang sống ở bất cứ lãnh vực nào, thời đại nào, thế hệ
nào cũng có những tiêu cực lẫn lộn trong muôn vàn tích cực của sự phát
triển nhân loại.
Nói về người mẹ Việt nam, có lẽ người Việt chúng ta hãnh diện hơn dù
ở bất cứ thời đại nào. Từ ngàn xưa người mẹ đã được ví von là non sông
đất nước, ‘Mẹ Việt Nam’. Trong chiến tranh mẹ thay thế vai trò người cha
trong việc nuôi nấng và giáo dục con cái. Biết bao cảnh góa bụa vì chồng
hy sinh trong chiến tranh, để lại đàn con thơ dại một tay mẹ phải gồng
gánh nuôi con thay chồng. Sau 1975 cho đến nay, hình ảnh người mẹ Việt
luôn xuất hiện và hình như chưa được trở về với vị trí thuần túy là mẹ của
đàn con. Nhiều bà mẹ phải bôn ba nuôi con thay chồng bị tù đày. Mẹ thăm
nuôi chồng và con trong tù. Gần đây hình ảnh của đa số người khiếu kiện
dân oan biểu tình là các bà mẹ, cụ thể là Mẹ Nấm (Nguyễn Ngọc Như
Quỳnh), Bùi Minh Hằng etc… Họ có con thơ dại nhưng phải vào tù ra
khám như cơm bữa chỉ vì bày tỏ tình yêu quê hương dân tộc VN.
Hoàn cảnh nhiễu nhương của đất nước hiện tại, biết bao bà mẹ VN phải
đành lòng để con mình ra đi tìm tự do và hạnh phúc nơi xứ người, thậm
chí những người mẹ phải chấp nhận để con mình đi lao động nơi xa hay
lấy người nước ngoài. Rồi đến những bà mẹ trẻ VN hiện nay sống rải rác
trên xứ người, những bà mẹ trẻ đã ra đi thời con gái để kết hôn và sống với
những người ngoại quốc xa lạ. Nhiều trường hợp đã bị hành hạ đối xử tàn
tệ bởi người bản xứ. Có lẽ ít có dân tộc nào mà hình ảnh, hoàn cảnh đưa
đẩy những người mẹ qua nhiều thăng trầm cực khổ như người mẹ Việt.
Hiện nay số người Việt sống rải rác trên toàn thế giới khoảng bốn, năm
triệu người. Hẳn nhiên có vô số hoàn cảnh chia cách giữa mẹ và con, giữa
bà và cháu. Tuy thế giới đi lại không hạn chế nhưng không phải ai cũng
có điều kiện để đoàn tụ và sống chung với nhau. Những người con tha
hương luôn trăn trở vì mẹ mình còn ở lại. Những bà mẹ nhớ thương con
cái nhưng không thể làm gì hơn. Tương lai bờ cõi nước Việt ngày càng
lu mờ bởi kẻ bán nước đã đồng ý cho giặc ngoại xâm làm chủ. Những bà
mẹ Việt Nam rồi sẽ ra sao? Con cái bị tù đày, bị cưỡng bức làm nô lệ và bị
đồng hóa! Đó là viễn tượng của VN mà mẹ Việt sẽ phải hấng chịu.
Còn những bà mẹ sống nơi xứ người, do khác biệt về văn hóa, trình độ
thua kém, người mẹ Việt phải vất vả để hội nhập. Tuy vấn đề kinh tế, tài
chánh không đến nỗi vất vả như tại quê nhà và tư thế của người mẹ trong
xã hội Tây phương được đề cao nhưng có vô số những khó khăn khác
mà các bà mẹ phải chịu. Một trong những hạn chế là ngôn ngữ, là khung
cảnh sống, họ hàng, làng xóm mà họ đã được gắn liền khi ở VN. Ngoài ra
những xung khắc về suy nghĩ, văn hóa, luân thường đạo lý. Thật khó cho
các bà mẹ chấp nhận cuộc sống phóng khoáng tự do của con cái trong một
xã hội có lối sống ‘không biên giới’ này!
Nói tóm, ngày của mẹ đến với mỗi người chúng ta hàng năm, tuy không
chính thức là ngày lễ nghỉ về mặt hành chánh nhưng lại là ngày rất quan
trọng trên phương diện tình cảm và đạo lý làm con. Ngày để mọi người
dù già hay trẻ với tâm tình biết ơn mẹ của mình, dù mẹ còn sống hay đã
khuất, ai trong chúng ta cũng được sinh ra từ lòng mẹ. Sự thành nhân và
thành danh của con có thể là những món quà quý báu cho mẹ. Tuy nhiên
những nghĩa cử cụ thể cũng cần thiết, nhất là qua ngày dành cho mẹ.
Không những chúng ta bày tỏ lòng biết ơn mà còn trân quí sự hiện hữu
của mình khởi đi từ lòng bao la của mẹ. Còn mẹ chắc chắn cảm nhận được
niềm an ủi, sự vui sướng vì những hy sinh của mình đã đơm bông kết trái.
ATB kính chúc quí độc giả một ngày dành cho mẹ trọn vẹn.
Adelaide Tuần Báo
previous post