Hàng năm, tối thứ Ba của tuần thứ hai trong tháng Năm. Tổng bộ trưởng
Ngân Khố Liên Bang công bố ngân sách quốc gia, chi tiết hóa tài chánh
năm nay và dự phóng cho những năm kế tiếp. Những dự phóng ấy xảy ra
hay không tùy thuộc chính phủ thắng cử vào năm 2019. Tổng Bộ Trưởng
Ngân Khố Scott Morrison công bố ngân sách lần thứ ba, có thể nói là ngân
sách ‘một ăn, hai thua’ của Liên Đảng. Phạm vi của bài quan điểm chỉ tìm
hiểu vài nét chính trong ngân sách.
Truyền thống của Liên Đảng là dành dụm tiền cho quốc gia, nghĩa là thu
vào nhiều hơn là chi ra. Thế nhưng trong ngân sách 2018-2019 dự trù
thu vào khoảng 486 tỉ đô Úc, phải chi ra khoảng 489 tỉ. Thâm thủng trên
lý thuyết khoảng 3 tỉ nhưng thực tế có thể lên đến trên 14 tỉ đô. Con số
thu vào tăng lên 6.6% so với năm trước dựa trên mức tăng trưởng kinh
tế khoảng 3.2%. Nhưng phỏng định của ngân hàng Dự Trữ cho biết mưc
tăng trưởng kinh tế có thể chỉ giới hạn 2% nghĩa là mức thu vào sẽ không
cao như dự trù, trong khi tài khoản phải chi ra là không thay đổi, có khi
nhiều hơn. Nghĩa là mức thâm thủng có thể cao hơn.
Ông David Cock, chuyên viên phân tích về tài chánh trên The Advertiser
cho rằng ngân sách năm nay là ngân sách xài tiền, chỉ diễn ra cứ 3 năm
mới có, vì bầu cử sẽ diễn vào năm tới, phải chăng Liên Đảng muốn lấy
lòng cử tri? Thế đứng của Liên đảng hiện nay hơi yếu, cho nên họ đã khéo
đánh vào tâm lý cử tri mà giới trung lưu là mục tiêu. Năm tới, khoảng 4.4
triệu giới trung lưu sẽ được nhận lại khoản tiền $530 và mức giảm thuế
trên mức lương sẽ diễn ra cho đến 2024- 2025 khi đó có tới 73% người đi
làm bình quân chỉ đóng thuế 32.5% lợi tức thu được. Nhà bình luận thời
sự Andrew Bolt cho rằng Liên đảng đang đi vào vết chân của lao Động.
Nghĩa là đang lấy lòng dân chúng bằng việc giảm thuế nhưng lại tăng
những khoản chi ra, hệ quả của hội chứng thâm thủng triền miên là thế.
Một đất nước không thể giầu, nếu kinh tế không mạnh và số thu vào ít
hơn số chi ra. Liên đảng và Lao Động đều biết rõ nguyên lý này. Nhưng
cả 2 đều khó thoát vòng luẩn quẩn là không thể siết chặt việc chi ra phải
nhỏ hơn số thu vào. Bởi vì đa số dân chúng chỉ nhìn vào quyền lợi của
riêng mình, họ muốn đóng thuế ít đi, nhưng quyền lợi thì không muốn
giảm thiểu. Lãnh vực an sinh xã hội cũng thế, không ai muốn bị giảm cắt
quyền lợi được hưởng. Nhưng nếu nhìn rộng và xa, một đất nước mà ‘hầu
bao’ eo hẹp, phải đi mượn để trang trải các chi phí bên trong, làm sao có
thể là đất nước giầu mạnh. Hiện nay công quỹ Úc Châu thiếu nợ khoảng
370 tỉ đô!
Nhìn vào bảng thống kê thâm thủng ngân sách suốt mấy chục năm qua
Lao động dưới thời Bob Hawker chỉ 1 lần thặng dư vào năm 1989. Trong
khi Liên Đảng dưới thời kỳ John Howard liên tục 6 năm thặng dư hàng
trăm tỉ đô! Sau đó Lao Động (Rudd và Gillard) lên lãnh đạo, sài sạch bách
tiền để dành mà còn thâm thủng trên 200 tỉ đô liên tiếp 6 năm! Đến Liên
Đảng (Abbott và Turnbull) phải vất vả lắm mới kéo lại và đang tiến đến
thăng dư vào tài khóa tới. Thứ Năm vừa qua lãnh tụ Đối Lập Bill Shorten
phúc đáp ngân sách (budget reply), các nhà bình luận về ngân sách không
mấy ngạc nhiên vì biết rằng Lao Động còn mạnh hơn việc giảm thuế cho
người lao động trung lưu. Vào năm tới được nhận về $928, gần gấp đôi
Liên Đảng, rồi đến giảm thuế tối đa cho những năm kế tiếp, tăng chi phí
cho giáo dục ý tế etc… Trong khi thu vào, tập trung vào giới kinh doanh.
Nhìn một cách khách quan, khuynh hướng của Liên Đảng rất mạnh trên
phạm vi để dành tiền, chính vì thế nhiều chuyên gia kinh tế Úc Châu gọi
thời John Howard là thời kỳ vàng son (golden era) Tổng bộ trưởng Ngân
khố Peter Costello 11 năm công bố ngân sách và 11 năm đều từ cân bằng
đến thặng dư. Ngược lại Tổng bộ trưởng Ngân khố Lao Động Wayne
Swan 6 năm công bố ngân sách thâm thủng cả 6, có năm thâm thủng trên
50 tỉ đô. Đành rằng hoàn cảnh kinh kế Úc chịu ảnh hưởng bởi kinh tế toàn
cầu, nhưng hãy nhìn Đức Quốc họ không những không bị ảnh hưởng mà
họ còn dành tiền nhiều hơn trong thời gian khủng hoảng tài chánh.
Nhìn vào lịch sử chính trị Úc Châu Tự Do và Lao Động khuynh hướng
khá rõ: Tự Do cố gắng để dành tiền còn Lao Động xài xả láng! Nếu là
người hiểu biết và nhìn đất nước dưới lăng kính của thế hệ con cháu chúng
ta đang sống tại đây, họ là những người chủ lực đi làm và đóng thuế để
điều hành quốc gia. Dĩ nhiên ai mà không muốn đất nước mình giầu và
mạnh. Ngoài mạnh về tiềm năng kinh tế thì mặt tài chánh rất cần thiết.
Giống như một gia đình, nếu năm này qua năm khác không để dư tiền mà
cứ đi mượn về xài thì làm sao so bằng một gia đình có của ăn của để.
Để kết luận, ai trong chúng ta được định cư mà không coi Úc là quốc gia
của mình, một đất nước cho ta hưởng được mọi quyền lợi làm người với
đầy đủ giá tri nhân bản. Thế nên chúng ta trân trọng và mong muốn đất
nước này mãi thanh bình giầu có. Nên nhớ rằng các thế hệ con cháu của
chúng ta sẽ nối tiếp vuôn đắp (qua việc đóng thuế) Úc Châu trong tương
lai. Sự quan tâm của ta về ngân sách có thể không thay đổi được những gì
đã và đang xảy ra, nhưng lập trường vì lợi ích chung về đất nước này, qua
hệ thống chính trị đa nguyên ở đây, ta có quyền chọn ai để làm cho đất
nước này giầu mạnh hơn hay nghèo nàn hơn.
previous post