Tôi được dạy dỗ trong một môi trường khá truyền thống nhưng tôi không bao giờ cho rằng cuộc sống là chỉ ‘để đủ’ là ngưng. Mặc dù mới bước qua tuổi 24, tôi luôn có suy nghĩ chín chắn hơn những người bạn ở cùng lứa tuổi của tôi. Sau khi lấy chồng, chắc hẳn nhiều bạn của tôi sẽ chỉ muốn an phận ở nhà làm người vợ hiền dâu thảo thường hay giặt giũ quần áo, nấu nướng bưng bê đến tận mồm chồng và buổi tối làm tròn trách nhiệm của một người vợ…nhưng tôi luôn chỉ muốn được đi làm kiếm tiền, vì chồng tôi chỉ thích chơi game.
Chơi game không có cái gì sai ở đây, nhưng có lẽ chồng tôi là một gã nghiện game vì chỉ có lúc nào mệt kiệt sức cần phải ngủ thì mới lăn ra ngủ, còn những thời gian còn lại là cắm mặt vào màn hình, đeo tai nghe mở âm thanh thật to và mặc kệ những thứ xung quanh.
CHÂN ƯỚT CHÂN RÁO
Năm 18 tuổi, cha mẹ cho tôi qua Úc du học với những kỳ vọng to lớn và khi trở về sẽ trở thành ông nọ bà kia. Xuất thân từ một gia đình với cả cha lẫn mẹ đều là nhà giáo cho nên việc cô con gái duy nhất của họ trở thành một cô giáo là điều dễ hiểu.
Tôi qua Úc vào cuối năm 2016 và theo ước nguyện của cha mẹ, tôi đã hoàn thành khoá học tiếng Anh và tốt nghiệp với tấm bằng cử nhân giáo dục loại ưu tú và ngày lễ tốt nghiệp của tôi có sự hiện diện của cha mẹ từ Việt Nam qua. Tôi khóc trong ngày tốt nghiệp của tôi, chẳng phải là vi tôi vui vì đã hoàn thành khoá học theo mong muốn. Trong lòng, tôi chẳng thích trở thành cô giáo tí nào cả mà tôi thèm khát để trở thành một doanh nhân.
Cha mẹ nở mày nở mặt với bạn bè, gia đình và đồng nghiệp tại Việt Nam vì cô con gái của họ đã tốt nghiệp và sẽ nối dõi họ. Nhưng chỉ còn 4 tháng nữa thôi là visa du học của tôi sẽ hết hạn và tôi phải tìm bằng đủ mọi cách để không phải trở về Việt Nam làm việc.
MỐI QUAN HỆ ĐẦU ĐỜI
Bước qua tuổi 22 tôi mới biết cảm giác ‘yêu’ là thế nào. Hồi mới lớn, tôi đã từng có những anh bạn tán tỉnh nhưng tôi chưa từng một lần nào lung lay cả, vì tôi cho rằng một khi yêu ai đó thì sẽ lãng phí rất nhiều thời gian vô ích. Những lời mật ngọt được gửi qua những tin nhắn, những lần thả tim của mấy anh bạn hay những lần chọc ghẹo tại quán cà phê đều khiến cho tôi có cảm giác khó chịu. Nói đúng hơn là cảm giác khinh thường.
Một ngày nọ của năm ấy, tôi tình cờ gặp anh Hoàng tại thư viện, chúng tôi chỉ liếc qua nhìn nhau mà đã khiến cho tôi say đắm. Thân hình chẳng phải vạm vỡ, dáng vóc cũng chẳng phải cao ráo gì cả mà cũng chẳng nói năng bắt đầu câu chuyện với tôi. Tôi đã chủ động nói chuyện và rồi một lát sau mới cảm nhận được rằng:
“À…thì ra gu của mình là người như Hoàng”
Chúng tôi gặp nhau thêm và hầu hết tôi là người chủ động mỗi lần hẹn hò. Tính tình của Hoàng rất hiền lành và tôi tin chắc rằng anh ấy không dám làm bất cứ điều gì xấu, kể cả giết một con kiến cũng không dám.
Anh Hoàng sống cùng với mẹ và anh trai của mình tại Footscray. Cha mất sớm cho nên mẹ anh khá vất vả. Anh Hoàng luôn cho rằng gia đình là số 1 và bởi vậy kể cả có đi đâu thì cũng phải có gia đình đầy đủ thì mới đi và nếu không thì thà ở nhà.
Tôi tự thầm khen rằng mình đã vớ được quả trứng vàng rồi. Thời buổi này thì làm sao mà tìm được một người như anh Hoàng nữa. Không rượu chè, trai gái, cờ bạc và nói chung chẳng có bất cứ tệ nạn nào cả.
Chúng tôi yêu nhau và như hình với bóng suốt ngày. Chỉ sau vài tháng yêu nhau thì chúng tôi cưới nhau. Vậy thì giờ tôi có chồng và không cần phải về Việt Nam nữa. Cha mẹ cũng rất mừng cho tôi khi tôi đã tìm được tấm chồng đàng hoàng.
XIN ĐỊNH CƯ TẠI ÚC
Visa của tôi chỉ còn hơn 1 tháng nữa là hết hạn, chúng tôi đã nộp đơn xin visa định cư kịp thời và chẳng cần có luật sư làm giấy tờ gì cả…vì chúng tôi là thật.
Cha mẹ bay qua Úc cùng hai vợ chồng tôi đi du lịch. Gia đình đôi bên khá thân thiết và vun đắp cho đôi tân lang tân nương bằng một món quà vô cùng lớn. Gia đình cho chúng tôi một khoản tiền để mua nhà chung tại vùng Maribyrnong, bang Victoria, Úc.
Vậy là mái ấm đã có và việc xây dựng tổ ấm như thế nào là tùy thuộc vào chúng tôi. Tất cả mọi thứ đều cần phải được vun đắp bởi cả hai vợ chồng.
Học thì đã học xong, giờ có chồng và có cả nhà nữa, tôi phải đi làm một cái gì đó cho bản thân mình và đùng một cái thì dịch COVID ập tới. Cũng trong thời điểm đại dịch thì visa tạm trú (820) của tôi được cấp. Tất nhiên rồi…tôi là thật mà.
Cách đây vài tháng, tôi cũng tự nộp tiếp bộ hồ sơ của giai đoạn thứ hai (801) xin vào thường trú. Thời gian gần đây, vợ chồng tôi không còn đậm đà như xưa nữa và giá như có cái vã thì mới làm lành được chứ đằng này ông chồng hiền lành của tôi suốt ngày chỉ cắm cái mặt vào màn hình chơi game.
Việc nhà cửa chẳng dọn dẹp gì, nấu nướng giặt giũ thì một mình tôi, đi làm cũng một mình tôi, dọn dẹp căn nhà cũng chỉ một mình tôi lủi thủi làm, trong khi ông chồng tôi thì đóng cửa chơi game la thét suốt đêm.
Hồ sơ xin thường trú của tôi chẳng phải là cần chứng minh sự chia sẻ về cuộc sống hằng ngày của hai vợ chồng? Vậy tôi phải làm gì?
Nguyễn Thu Hương,
Maribyrnong
11/07/2022
Chào Hương,
Quả thật tốc độ phát triển của xã hội thực tế đã chậm lại và tốc độ phát triển của xã hội thứ hai, còn được gọi là mạng xã hội tăng lên gấp chục lần.
Chúng ta đang sống trong hai môi trường, việc cân bằng giữa giải trí và cuộc sống thực tế thì chẳng phải ai cũng làm được. Có những cặp vợ chồng lấy nhau cả vài chục năm rồi cũng chia tay nhau chỉ vì không còn thời gian dành cho nhau vì thời gian đã dành cho những màn hình phẳng.
Mỗi ngày anh tiếp không biết bao nhiêu cặp vợ chồng chuẩn bị đổ vỡ chỉ vì không thông cảm cho nhau và không cho nhau cơ hội để cải thiện bản thân và đa phần vì cái tôi của họ quá lớn và không chịu nghe bạn đời của mình phải nói gì.
Việc chồng em chơi game quá mức thì chưa chắc phải là xấu như em nghĩ vì em nên nói chuyện với anh ấy xem là lý do tại sao lại dành quá nhiều thời gian vào game. Đừng để vợ chồng hiểu lầm nhau rồi dẫn tới chia tay bởi như em cũng đã viết rằng rất khó cho em để tìm được một người làm em lung lay.
Thông thường những cặp vợ chồng dẫn tới chia tay là vì họ không thể hay không muốn nói chuyện với nhau khi giận hờn. Em cũng đã vượt khó để có được một mái ấm thì không nên bỏ ngang khi chưa nghe từ phía của chồng mình. Ngoan cố hoặc bảo thủ thường là thứ khiến cho hôn nhân đổ vỡ.
Yêu chẳng phải chỉ là nhìn nhận những thứ tốt đẹp của nhau mà là chấp nhận những thứ xấu của nhau. Yêu cũng chẳng phải chỉ là khi ở bên nhau khiến cho đối phương rung động mà là chấp nhận được khi mỗi người mỗi nơi.
Mạng xã hội hay game đi chăng nữa thì là những công cụ gắn kết và giải trí. Chơi nhiều hay ít thì tuỳ theo vào nhận định của mỗi người. Nếu em cảm thấy chồng chơi game nhiều quá thì em nên nói chuyện với chồng của mình, chia sẻ về sự bức xúc đó để chồng em hiểu. Những năm gần đây, sự đòi hỏi về quyền lợi giới tính đã rất khốc liệt được thực hiện. Phụ nữ luôn muốn được ngang hàng với đàn ông về mọi việc và đây cũng là điều đáng khen khi thế giới đã cởi mở hơn với những gì mà phụ nữ làm được cũng chẳng kém đàn ông.
Thời buổi thế giới nam nữ bình đẳng thì cho nên việc em đi làm kiếm tiền nuôi gia đình cũng đã trở thành bình thường khi chồng em ở nhà chỉ chơi game mà đúng không? Một giả thiết mà chồng em đi làm rồi em ở nhà chơi game suốt thì có lẽ được coi là ‘bình thường’ hay không?
Các bậc tiền bối của anh hay chia sẻ với anh rằng ‘của chồng công vợ’ nhưng có lẽ thời buổi này phụ nữ là trụ cột của gia đình là khá nhiều và để cho công bằng hơn thì phải đổi thành ‘của chúng ta’.
Hạnh phúc gia đình có giữ được hay không thì tuỳ thuộc vào sự thấu hiểu của nhau, sự thông cảm cho nhau và sự trung thành với nhau. Rất tiếc những điểm này không thể chứng minh được bởi những tập bằng chứng và chỉ có hai người trong cuộc mới hiểu rõ hơn ai hết. Em cũng không nên bị những thứ xung quanh tác động tới quyết định của mình và nên dùng cảm nhận của trái tim mình khi đưa ra quyết định.
Về góc nhìn của luật di trú Úc thì theo điều 1.15A của Điều Luật Di Trú Úc, tất cả hồ sơ xin định cư theo diện hôn nhân (820/801) đều phải chứng minh mối quan hệ thành thật và tiếp diễn. Hồ sơ của em đã được Bộ Di Trú cấp visa cho gia đoạn tạm trú (820), nhưng giai đoạn thường trú thì phải chứng minh thêm bằng chứng kể từ khi em được cấp visa tạm trú (820).
Sự chia sẻ về cuộc sống hằng ngày là một trong 4 yếu tố quan trọng của hồ sơ hôn nhân và luật cũng không có quy định cụ thể là cặp vợ chồng đó phải bắt buộc sinh hoạt theo một chuẩn mực nào đó.
Như đã viết trên, tốc độ của sự phát triển trong xã hội hiện tại khiến cho mọi thứ chóng mặt và cho nên cách thức sinh hoạt của mỗi người mỗi khác và kể cả luật di trú hay chính sách của di trú cũng không thể đổi kịp thời để cho phù hợp với xã hội hiện tại. Khi thực hiện các hồ sơ diện hôn nhân, các độc giả không nên nhìn vào cặp vợ chồng khác để cung cấp bằng chứng và cũng đừng nghe ai đưa những ví dụ lỗi thời mà thay vào đó thì phải xem vào cách sinh hoạt của cá nhân họ rồi trình bày một cách rõ ràng nhất. Vậy việc chơi game của chồng em có phải là sai khi thực hiện hồ sơ diện hôn nhân? Chắc chắn là không, bởi vì đó là lối sống của chồng em và lối sống đó không có nghĩa là vợ chồng em không yêu thương nhau, mặc dù có đôi lúc không yêu thương nhau hết mực. Trong luật di trú Úc cũng không bắt buộc cặp vợ chồng em phải yêu thương nhau hết mực và cũng không nhất thiết phải luôn luôn sống chung với nhau, miễn sao không phải sống xa nhau lâu dài và còn duy trì mối quan hệ.
Có lẽ em cho rằng chồng em chưa đủ lớn để làm chồng hay chưa đủ lớn để xây dựng một gia đình cho riêng mình, nhưng về khía cạnh của luật di trú Úc thì không có bất cứ điều khoản nào mô tả sự yêu cầu này.
Sự tham vọng để trở thành một doanh nhân cũng không có gì sai ở đây cả nhé Hương. Em cứ nên tiếp tục theo đuổi ước mơ của mình.
Cố Vấn Tạ Quang Huy
Fellow, Viện Di Trú Úc