ADELAIDE TUẦN BÁO – Vấn đề cưới hỏi của người đồng tính (same sex marriage) không chỉ đơn thuần là đề tài tranh luận trong dư luận Úc. Mà đang đi đến quyết định chọn lựa giữa có / không (yes / no) một cách dứt khoát. Thư thăm dò ý kiến được gửi đi trong nay mai. Từ kết quả này chính phủ mới có thể soạn thảo hay biểu quyết trong quốc hội luật cưới hỏi đồng tính.
Trước đây Liên đảng bắt buộc các dân biểu, nghị sĩ say ‘No’. Trong khi đa số dân biểu Lao động và hầu như 100% nghị sĩ đảng xanh muốn luật cho phép cưới hỏi người đồng tính ‘yes’. Một số chính trị gia coi vấn đề này quan trọng và họ cố tình làm cho ra lẽ. Trong khi dân chúng, có đến 58% coi vấn đề này không quan trọng. Họ không phản đối hai người đồng tính sống với nhau nhưng để trở thành vợ chồng (husband and wife) như truyền thống cưới hỏi giữa 1 nam và 1 nữ thì phải xét lại. Vì nó sẽ tạo ra muôn vàn những phức tạp khác trong đời sống luân lý và xã hội.
Hiện nay có khoảng 20 quốc gia trên thế giới có luật cho phép cưới hỏi người đồng tính. Năm 2013 chính phủ lãnh thổ thủ đô Canberra đã thông qua luật cho phép cưới người đồng tính nhưng không thể áp dụng vì luật Liên Bang phủ nhận. Vấn đề cứ dai dẳng kéo dài, phe nhóm cực tả vận động cho phép và phe cực hữu chống lại và không đồng.
Trong một vài quan điểm trước đây đã đề cập, việc hai người đồng tính sống chung với nhau là quyền chọn lựa riêng do bản ngã bẩm sinh. Quan hệ yêu đương, bổn phận, quyền lợi và trách nhiệm cũng giống như mọi quan hệ khác trong xã hội nhưng nói là cưới nhau (marriage) như 1 nam và 1 nữ thì không thể. Việc cưới (marriage) là qui ước giữa 1 nam và 1 nữ từ khi con người có mặt trên trái đất. Đó là qui ước tự nhiên của loài người và đã là qui luật giữa người khác phái thì không nên lẫn lộn với người cùng phái. Người ta có thể gọi việc 2 người cùng phái, hợp nhất thành một cặp yêu đương, sống chung, chia sẻ trách nhiệm với nhau về mọi khía cạnh riêng tư. Nhưng không thể coi 2 người đàn ông một người là vợ, một người là chồng , tương tự 2 người đàn bà cũng thế.
Người ta cho rằng sự bình đẳng chỉ có thể có khi cho phép người đồng tính được cưới như mọi người. Nhưng họ không thấu hiểu những hệ quả kéo theo trong vấn đề sinh con, giáo dục con cái, và rất nhiều mối quan hệ khác trong gia đình, tôn giáo cũng như xã hội.
Trên The Australian nhà bình luận Paul Kelly đã phân tích qua bài viết “The main problem in the same-sex marriage debate” chỉ ra rằng, nếu luật pháp cho phép, thì cùng một lúc lại tạo ra lắm trái ngược. Nếu đồng ý bình đẳng cưới (marriage equality), cùng một lúc lại tước đoạt quyền tự do lương tâm (conscience), niềm tin (belief) của người khác. Vì khi thành
luật thì bắt buộc mọi người phải tuân thủ dù muốn hay không… Trong phạm vi của bài quan điểm không cho phép diễn giải chi tiết. Tuy nhiên theo ông Paul Kelly, cả hai nhóm, một bên là cổ động cho quyền cưới hỏi của giới đồng tính, một bên là những người theo truyền thống cưới hỏi giữa người khác phái, đều muốn quyền của mình được tôn trọng.
(Ảnh minh họa)
Ông Andrew Bolt, thuộc phe bảo thủ, cũng viết trên The Advertiser rằng, dân chúng có quyền: yes/no qua cuộc trưng cầu dân ý (referendum) chứ không phải người làm chính trị quyết định thay cho dân. Vì vấn đề này có tác động thay đổi nền tảng gia đình và xã hội về vấn đề hôn nhân, ảnh hưởng lâu dài và sâu rộng mọi tầng lớp xã hội trong tương lai về các quyền hạn khác. Chính phủ đã phải chi ra một ngân khoảng 122 triệu đôla để thực hiện cuộc trưng cầu dân ý này.
Nhìn vấn đề một cách khách quan, từ xa xưa, xã hội đã đặt nền tảng gia đình qua cưới hỏi giữa 1 nam và 1 nữ, sinh sản, nuôi và giáo dục con cái. Đó là qui luật của con người. Việc 2 người đồng tính, do tâm sinh lý đã là như thế, họ hoàn toàn có quyền tự do yêu đương, bình đẳng về quyền lợi, bổn phận và trách nhiệm với nhau và với xã hội một khi họ đã chọn sống chung. Tuy nhiên không thể gọi là cưới theo nghĩa thông thường (marriage) mà có thể gọi bằng một danh từ mà đã từng dùng: Civil Union (Hợp nhất hóa dân sự), nghĩa là họ mặc nhiên được công nhận là một cặp sống chung với nhau. Dù ngoại diện là 2 người đàn ông hoặc 2 người đàn bà. Tưởng rằng đề cao luật bình đẳng cưới hỏi cho người đồng tính là nhân quyền được tôn trọng đúng mức. Thực ra, nó sẽ tạo hàng chuỗi những phức tạp khác mà quyền tự do cũng như mức độ nhân quyền của người
khác có thể bị coi nhẹ.
(Ảnh minh họa)
Nói tóm, xã hội có tự do nhưng cần đặt để trong một trật tự mà con người đã quy ước với nhau. Vượt ra khỏi trật tự ấy chưa hẳn làm cho vấn đề tốt hơn, ngược lại có thể tệ hại và phức tạp hơn. Có những vấn đề mà không thể dùng luật lệ áp đặt lên như tiếng nói của lương tâm hay quyền tự do tư tưởng của mỗi người. Không đồng ý với luật cưới hỏi đồng tính nhưng vẫn tôn trọng tự do, quyền chọn lựa của những người đồng tính do bản tính tự nhiên của họ. Ngược lại những người đồng tính cũng nên chấp nhận qui ước cưới hỏi (marriage) của con người giữa 1 nam và 1 nữ.
Đối với mỗi người chúng ta, khi trả lời (yes or no) hãy đặt lương tâm và sự sáng suốt của mình. Nên nhớ rằng, không ai bắt buộc ta phải trả lời. Nhưng tiếng nói của mỗi người có ảnh hưởng đến quyết định chung và nó sẽ tác động đến xã hội mà ta đang sống trong tương lai.
Adelaide Tuần Báo