Tuần qua Tổng trưởng Ngân Khố Liên bang Úc ông Josh Frydenberg khái quát bức tranh tài chánh quốc gia Úc, sẽ được công bố chính thức vào tháng Mười năm nay. Đại dịch viêm phổi Vũ Hán làm đảo lộn và gây thiệt hại hầu hết mọi lãnh vực trên toàn cầu, Úc không ngoại lệ. Tác hại của đại dịch khi mà thế giới đang tiến lên với sự thịnh vượng chung, đem lại cuộc sống êm ấm cho người người không phân biệt ranh giới. Thế nhưng nay thì khác, như chưa bao giờ có tiền lệ, đại dịch làm khốn đốn mọi quốc gia. Úc tuy thiệt hại ít về nhân mạng vì phòng chống hiệu quả nhưng vẫn bị ảnh hưởng sâu nặng về mặt kinh tế, tài chánh khi mọi sinh hoạt bắt buộc phải thay đổi.
Bài quan điểm này chỉ nhấn mạnh vấn đề tài chánh bị ảnh hưởng do thiệt hại của đại dịch gây ra. Theo báo cáo của 2 bộ: Ngân Khố và Tài Chánh (Treasure and Finance) thì ngân sách quốc gia Úc năm nay (2019-20) sẽ thâm thủng khoảng $86 tỉ đô và năm tới (2020-21) sẽ thâm thủng tới $185 tỉ đô! Chưa từng xảy ra trong lịch sử quốc gia Úc kể cả thời chiến tranh Thế Giới II. Như thế, nội trong 2 năm, Úc phải mượn nợ $270 tỉ để bù vào ngân sách để chi tiêu trên mọi lãnh vực, cho cả nước. Ai là người sẽ phải trả số nợ ấy? Chính chúng ta, những người đi làm, doanh nghiệp etc… Nếu nợ chồng chất cao thì thế hệ con cháu trả tiếp! Chính phủ chỉ là người điều hành, tiền không phải hái trên cây hay trên trời rớt xuống mà do công sức của nhiều người.
Nghĩ đến đây mới hiểu, vì sao đa số dân Úc (cũng như tại Mỹ), họ không muốn ‘bị’ ở nhà, dù rằng được lãnh tiền trợ cấp trong thời đại dịch. Ở Hoa Kỳ đã có tiểu bang mà giới trung lưu biểu tình đòi đi làm trở lại vì không muốn ‘mượn’ tiền (tiền chính phủ cấp phát) vì họ nghĩ rằng, rồi cũng phải trả nợ qua hình thức đóng thuế, họ không muốn trở nên gánh nặng cho thế hệ mai sau phải trả. Nếu ai ai đều ý thức như thế, thiết tưởng, quốc gia sẽ giầu mạnh và tài chánh ắt hẳn, khó mà thâm thủng.
Trở lại vấn đề tài chánh Úc, cụ thể trước mặt, chính phủ phải dự chi thêm $289 tỉ đô, tương đương 14.6 % tổng sản lượng quốc gia (Gross Domestic Product- GDP) cả năm. Thử hỏi mất bao lâu mới để dành (thặng dư) số tiền lớn như thế? Trong đại dịch, chính phủ lại không thể thu thuế, lên tới $32 tỉ cho tài khóa (19-20) và $64 tỉ đô cho tài khóa (20-21) vì số dân mất việc, sẽ it người đóng thuế. Trong khi ngân quỹ phải gồng gánh thêm con số bị mất việc này, hóa ra áp lực đè lên ngân quỹ tăng gấp đôi!
Con số thực thụ, ngân quỹ quốc gia Úc còn thiếu nợ $488 tỉ tính đến 30/6/2020 và số nợ này tăng lên $677 tỉ vào năm sau (30/6/2021). Một con số khổng lồ mà chính phủ Liên Đảng đang phải lèo lái con thuyền quốc gia. Truyền thống của Liên Đảng có ưu thế trong việc điều hành tài chánh quốc gia. Trong quá khứ khi Liên Đảng lãnh đạo, thường để dành rất nhiều tiền cho ngân quỹ quốc gia. Nhưng với tác động tai hại của đại dịch, tưởng chừng Liên Đảng cũng bó tay. Tuy nhiên, nếu là đảng Lao Động lãnh đạo thì sao? Có lẽ vấn đề tài chánh sẽ còn thâm thủng nhiều hơn, vì Lao Động có khuynh hướng xài tiền hơn là để dành. Cụ thể, cuộc khủng hoảng tài chánh toàn cầu (GFC) năm 2008, chính phủ Lao Động Rudd trong 3 năm liên tiếp thâm thủng trên trăm tỉ đô. So ra với cuộc khủng hoảng đại dịch này thì khủng hoảng GFC chẳng là gì, về mức độ thiệt hại, trên mọi lãnh vực.
Đại dịch Vũ Hán đã làm thay đổi bộ mặt toàn cầu và có lẽ, sẽ còn nhiều bất ngờ trong tương lai khó đoán biết. Tác động tiêu cực của nó khiến chúng ta phải thay đổi cách sống và nhân sinh quan trong mọi liên hệ từ gia đình ra ngoài xã hội. Nó ảnh hưởng sâu rộng đến cuộc sống của từng cá nhân cho đến phạm vi quốc gia. Tuy nhiên, sống trên lục địa Úc Châu, chúng ta vẫn được nhiều may mắn và ít bị ảnh hưởng so với nhiều người tại nhiều quốc gia, kể cả Mỹ, Âu Châu, ngay cả TQ, nơi phát sinh con virus. Chúng ta may mắn vì có một chính phủ với nền dân chủ tiến bộ, có trách nhiệm và đặt giá trị nhân bản của từng cá nhân lên hàng đầu. Tuy đại dịch làm ảnh hưởng vấn đề tài chánh, nhưng Úc có tiềm năng và ý chí trong một đất nước thanh bình, hy vọng sẽ vượt qua và xây dựng đất nước này giầu mạnh hơn.
Adelaide Tuần Báo