Chỉ nội trong 2 tháng qua sự kiện Bắc Hàn thay đổi thái độ từ khiêu khích sang hòa hoãn đã làm cho dư luận thế giới nhẹ nhõm trước nguy cơ chiến tranh. Cuộc gặp gỡ 2 lãnh tụ Bắc và Nam Hàn đã vẽ lên bản đồ hòa bình một cành Oliver đậm nét. Không dừng ở đó, Hoa Kỳ dưới sự lãnh đạo của TT Trump ‘đạo diễn’ để cuộc gặp gỡ giữa 2 thế lực đối nghịch: siêu cường Hoa kỳ và siêu độc tài khép kín Bắc Hàn dự trù vào ngày 12/6 /18 tại Singapore. Ai ai cũng mong chờ con chim Bồ Câu hòa bình đậm nét hơn được vẽ trên bản đồ hòa bình thế giới. Thế nhưng điều gì đã xảy ra và cuộc gặp gỡ ấy bị tạm gác, nếu không nói là bị hủy bỏ! TT Trump đã viết thư cho lãnh tụ Kim Jung Un xác nhận điều này. Nguyên nhân nào dẫn đến sự hủy bỏ thượng đỉnh có một không hai này?
Chung quanh những động thái hòa hoãn của Bắc Hàn, hẳn nhiên Bắc Kinh đã can thiệp (interfere) một cách trắng trợn, điều này đã được TT Trump bày tỏ với thái độ thất vọng của ông. Tưởng cũng nên biết, nội trong khoảng 1 tháng Kim Jung Un đã gặp Tập Cận Bình 2 lần, nội dung gặp gỡ không ai biết. Thậm chí 2 cuộc gặp gỡ này đều được dấu kín. Từ thái độ cởi mở ôn hòa, sẵn sàng đối thoại đưa Bắc Hàn ra khỏi quỹ đạo nghèo đói lạc hậu do Hoa Kỳ hứa giúp. Bỗng dưng cứng rắn, tìm cách thoái thác và đổ thừa cho Hoa Kỳ khiêu khích etc… đã làm cho thế giới nghi ngại rằng Kim Jung Un đang chịu sự áp lực mạnh từ TQ.
Nhìn vấn đề từ góc cạnh người Việt Quốc gia, ta không ngạc nhiên những gì đang xảy ra, tuy rất mong thượng đỉnh diễn ra vì hòa bình thế giới. Mong Kim Jung Un thay đổi đường lối toàn trị và khép kín của cha và ông nội để dân Bắc Hàn sớm theo kịp dân Nam Hàn. Thế nhưng Bắc Kinh không muốn chuyện đó xảy ra, theo các nhà phân tích thời sự, vì 2 lý do: Thứ nhất là TQ mất ‘con rối’ hay gọi nôm na vùng ‘trái độn’ Bắc Hàn lợi hại, tạo điều kiện cho Hoa Kỳ rảnh chỗ, tập trung đối đầu với họ (TQ). Thứ hai, TQ sẽ mất đồng minh được coi là chí cốt nhất, nếu không nói là đồng minh duy nhất của họ. Nếu để cho Mỹ kéo Bắc Hàn về với Đồng Minh thì TQ là kẻ đơn độc đi tìm mộng bá chủ, sẽ khó thực hiện gấp bội.
Hiểu được tâm địa của bá quyền Tầu cộng, ta không ngạc nhiên khi nghe TT Trump nêu lý do tại sao phải hủy bỏ. Người Tây Phương thường diễn tả sự trở ngại do ai đó gây ra bằng câu nói: có con voi trong phòng (the elephant is in the room). Đúng thế, Hoa kỳ đã bỏ qua (hay cố ý bỏ qua) con voi TQ, mà cái vòi của nó đang vươn ra thị uy hàng xóm. Còn dân gian Việt có câu “thọc gậy bánh xe” chính là chiêu bài của Tập Cân Bình. Ai cũng biết Bắc Kinh không từ bỏ bất cứ thủ đoạn nào có lợi và để thực hiện mộng bá chủ của họ. Dư luận cho rằng Kim Jung Un và cô em gái không bị ảnh hưởng bởi TQ vì Bắc Hàn cũng có vũ khí Hạt Nhân để thi thố với TQ. Nhưng ta nên hiểu TQ là quốc gia đồng minh trung thành nhất của Bắc Hàn, thậm chí Bắc Hàn còn sống sót sau bao trừng trị kinh tế của thế giới là nhờ có TQ chống lưng. Ta cũng hiểu rằng tình báo Hoa Nam gài ghép trong hệ thống cai trị Bắc Hàn là điều chắc chắn. Tuy Kim Jung Un đã thanh trừng những kẻ thân TQ qua nhiều đợt và anh em họ Kim rất thận trọng, nhất là cô gái rất thân thiện với Nam Hàn. Nhưng nên biết rằng, thủ đoạn của TQ rất thâm hiểm. Lấy ví dụ tại VN hiện nay, tứ trụ Trọng, Phúc, Quang và Ngân đều nằm trong tầm điều khiển của Hoa Nam. Nhất cử nhất động của đảng csVN đều có kết quả tương tự như trường hợp Nguyễn Bá Thanh.
Những nỗ lực của Hoa Kỳ đang bị TQ phá hoại và điều này sẽ còn thấy nhiều hơn trong tương lai. Như quan điểm trước đây đã đề cập, TQ chiếm biển Đông, quân sự hóa trên các đảo nhân tạo trong khi coi những lời phản đối của các quốc gia, kể cả Hoa Kỳ, không là gì cả. Ấy là họ mới chỉ có một hàng không mẫu hạm và tiềm năng và lực còn thua xa Hoa Kỳ. Chỉ chừng vài năm, nếu đồng Minh không có biện pháp ngăn chặn, thiết tưởng quá trễ để các quốc gia được yên bề thanh bình, kể cả Úc Châu. Qua câu chuyện thượng đỉnh rồi bãi bỏ cho ta thấy gì? Con cờ Bắc Hàn vẫn nằm trong tay TQ và Hoa kỳ có thể bị vuột một nước đi khá ngoạn mục khiến thế giới bỗng trở lại tình trạng khó thở hơn. Liệu Hoa kỳ sẽ thay đổi chiến lược hoặc giả, nước cờ nào nhằm vô hiệu hóa sự ảnh hưởng của TQ trên Bắc Hàn và đặt TQ vào thế bí, bị cô lập chăng? Bài toán này chắc hẳn chính phủ Hoa Kỳ và các Đồng minh đang nghiên cứu để thực hiện.
Nên hiểu rằng, việc TQ thay đổi luật để Tập Cận Bình là vua mãn đời đủ cho thấy dấu hiệu của độc tài chuyên chế, một thể chế không bình thường với xã hội đương đại. Tham vọng đại Hán không còn che dấu, một người bình thường cũng có thể thấy. Tiếc thay, rất nhiều người không nhìn ra, kể cả một số chính trị gia thiên Tả. Lại có kẻ cho rằng làm ăn buôn bán với TQ vì lợi nhuận kinh tế, như Úc chẳng hạn, là điều quan trọng và có thể bỏ qua mọi vấn đề khác kể cả việc TQ quân sự hóa biển Đông mà họ chiếm đoạt của các nước láng giềng. Việc bao vây TQ về chính trị cũng như quân sự là điều quan trọng hơn cả nếu muốn có nền hòa bình lâu dài. Chúng ta hy vọng Hoa Kỳ và các nhà chính trị, chiến lược quân sự Đồng Minh tiếp tục tập trung vào nỗ lực hòa bình và ổn định tình hình thế giới. Với nỗ lực để đưa bán đảo Triều Tiên tiếp cận nền hòa bình và thống nhất Hàn Quốc trong tương lai.
Adelaide Tuần Báo 30/5/18