CHÍNH PHỦ ÚC BÃI BỎ QUY ĐỊNH KÉP KHÔNG CẦN THIẾT DÀNH CHO LUẬT SƯ MUỐN TƯ VẤN/HỖ TRỢ DI TRÚ
Ngày 15/06/2020, cùng với sự ủng hộ rộng rãi của các tổ chức luật sư trên toàn nước Úc, Thượng viện Úc đã thông qua dự thảo sửa đổi bổ sung Luật Đại diện Di trú và theo đó, chính thức bãi bỏ quy định kép hiện đang áp dụng cho một phần lớn người hành nghề luật trong lĩnh vực di trú.
Cụ thể, Luật này bãi bỏ quy định yêu cầu luật sư hành nghề luật trong lĩnh vực di trú phải đăng ký với Sở Đăng Ký Đại Diện Di Trú (Office of the Migration Agents Registration Authority – OMARA).
Đồng thời, luật sư sẽ không phải trả cùng lúc hai khoản phí phí đăng ký thường niên cho OMARA cũng như Ban Quản lý hành nghề tại bang nơi họ làm việc.
Các quy định này trước đây được coi là rườm rà và tạo nên những rào cản không cần thiết trong việc hành nghề luật của các luật sư tại Úc. Lý do là vì những luật sư này vốn đã có bằng cấp được công nhận, chứng chỉ hành nghề có hiệu lực, bảo hiểm nghề nghiệp phù hợp và chịu sự quản lý của Ban Quản lý hành nghề luật tại bang có liên quan.
Bằng việc bãi bỏ những quy định kép này, Thượng viện Úc mong muốn giảm bớt sự phức tạp trong công tác quản lý hành chính đối với luật sư và những người hành nghề luật trong lĩnh vực di trú, tránh gây nhầm lẫn giữa hai khái niệm luật sư di trú và đại diện di trú.
Bên cạnh đó, những gánh nặng về chi phí cũng sẽ được giảm bớt nhằm tạo điều kiện và khuyến khích nhiều luật sư có thể cung cấp các trợ giúp pháp lý liên quan đến di trú với chi phí hợp lý và hiệu quả cao, đặc biệt là đối với các trường hợp nhận trợ giúp pháp lý miễn phí.
SỰ THAY ĐỔI ẢNH HƯỞNG GÌ?
Cũng như viết trên, bất cứ ai được luật viện của bang công nhận và cấp phép hành nghề luật sư (loại bằng full) thì không nhất thiết phải đăng ký với Bộ Di Trú Úc nữa nếu người đó muốn tư vấn/hỗ trợ di trú.
Vậy kể từ khi luật này được ban hành thì bất cứ luật sư nào đang làm trong lĩnh vực chuyên môn như di chúc, địa ốc, kiện tụng hoặc thậm chí đòi nợ thì cũng có được hành nghề tư vấn/hỗ trợ di trú.
Với quan niệm rằng đã là luật sư thì luật gì cũng sẽ biết…chọn ai để làm hồ sơ cho mình thì sau này sẽ phong phú hơn vì có nhiều sự lựa chọn.
Sự cạnh tranh trong lĩnh vực di trú sẽ khốc liệt trong những năm sắp tới vì sẽ có thêm vài chục ngàn luật sư có thể tư vấn cho các bạn và không nhất thiết phải có kinh nghiệm về luật di trú.
Tương lai của ngành di trú sẽ đi về đâu?
Nếu muốn ăn tô phở thì chớ đừng bao giờ đòi hỏi NGON khi bạn ăn ở một tiệm bán bánh.
Cố Vấn Tạ Quang Huy
Fellow, Viện Di Trú Úc