Trên trang mạng Chính Nghĩa Việt Nam Cộng Hòa mới đây có đăng tải bài viết tựa: ‘Mẹ’ của tác giả Nguyễn Bảo Tuấn. Tuy ngắn nhưng rất súc tích và thật ý nghĩa. Tưởng cũng nên biết tác giả Nguyễn Bảo Tuấn là con trai út của cố Đại Tá Nguyễn Đình Bảo, nguyên tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 11 Nhẩy Dù, Quân Lực VNCH đã hy sinh tại đồi Charlie thuộc tỉnh Pleiku mùa Hè 1972. Bài hát Người ở lại Charlie nói về huyền sử anh hùng mũ đỏ Nguyễn Đình Bảo mà nhiều người VN đều biết và ngưỡng phục. Nguyễn Bảo Tuấn trước đây đã viết 1 bài về cha mình với tựa “Tại sao không giữ lời hứa với mẹ tôi” Ý rằng, cha ông đã vĩnh viễn ra đi, không ngày trở lại dù đã hứa sẽ về vào ngày sinh nhật của mẹ 11/4/1972. Cha đã anh dũng hy sinh và thân xác gửi lại trên đồi Charlie một ngày sau đó, ngày 12/4/1972.
Nói đến người mẹ của mình, Nguyễn Bảo Tuấn đã cho người đọc biết về mẹ ông, sắc nước hương trời trong ngành hàng không VNCH trước khi kết hôn với ba ông. Mặc dù góa chồng ở tuổi 32 năm 1972 khi có 3 mặt con nhưng vẫn đẹp lộng lẫy, vì thế nhiều người tìm đến ngỏ ý sau khi chồng qua đời, Nhưng người phụ nữ ấy nhất mực ở vậy, thờ chồng nuôi con. Bà mẹ trẻ phải nuôi 6 miệng ăn (3 người con và thêm cha mẹ chồng chăng?) chạy gạo từng bữa. Sau 1975 lại càng khó khăn vì sự phân biệt đối xử. Nhưng bà ngày thì buôn thúng bán bưng, đêm thì đan áo lạnh cho người đi nước ngoài, để có tiền nuôi con thành người & thành tài. Cả ba đứa con của bà đã thành nhân và thành công xuất sắc dù bị liệt kê vào thành phần ‘ngụy’. Bảo Tuấn viết bài này để vinh danh mẹ mình dịp sinh nhật 80 tuổi hôm 11/4/2020.
Nhiều người trong chúng ta biết về cố Đại Tá Nguyễn Đình Bảo, nghiêng mình trước người anh hùng vị quốc vong thân. Một số cựu chiến binh VNCH cũng như Hoa Kỳ từng chiến đấu bên cạnh cố đại tá Nguyễn Đình Bảo, họ đều nghiêng mình kính cẩn vị chỉ huy can trường ấy. Thế nhưng ít ai biết đến vợ con ông. Qua bài viết của người con út, hình ảnh và mẫu mực của một góa phụ thời chiến lại được tô vẽ rất trung thực, toát lên một cách cao quí và sáng ngời. Bà bây giờ đã 80 tuổi, những ai biết về cuộc đời 48 năm qua của mẹ con bà, đều nể trọng và ca ngợi bà hết lời, họ cho rằng người ta tán dương chồng bà (cố đại tá Nguyễn Đình Bảo) một, thì tán dương bà Bảo đến nhiều lần! Và điều ấy không ngoa, chính những đứa con của bà đã cảm nghiệm và xác nhận như thế. Có thể nhờ danh thơm tiếng tốt của chồng, vị anh hùng binh chủng nhẩy dù thời chiến, đã là động lực làm cho bà trở nên can trường, đủ sức nuôi nấng dậy dỗ con cái theo gương cha nên người. Nhưng chính bản thân của bà mới là nhân tố quyết định: Thủ tiết thờ chồng và gánh gồng nuôi con thành người hữu dụng cho xã hội. Bà đã làm được điều đó, thật đáng ngưỡng phục.
Hình ảnh về mẹ của sự dịu hiền, tận tụy và hy sinh vẫn giữ vị trí tiêu biểu trong xã hội loài người từ xưa đến nay, nhất là những quốc gia nghèo đói hay chiến tranh. Riêng VN thì từ ngàn xưa đã có những huyền thoại về người vợ ôm con chờ chồng đi chinh chiến lâu đến nỗi biến thành đá (Hòn Vọng Phu). Hoàn cảnh đất nước nghèo và chiến tranh cộng thêm đặc tính văn hóa Đông Phương trọng nam khinh nữ đã trở nên những thử thách không hề dễ chút nào cho các bà mẹ VN. Thế nhưng lịch sử dân tộc lại không hề thiếu những khuôn mẫu sáng ngời về mẹ. Dù chiến tranh VN đã chấm dứt 45 năm, một lần nữa khuôn vàng thước ngọc về bà mẹ của thời chiến ấy lại trở về với chúng ta qua hình ảnh phu nhân cố đại tá Nguyễn Đình Bảo. Còn biết bao nhiêu bà mẹ khác nữa, vượt dặm trường gian khổ vì chồng vì con mà ta không biết đến? Hãy vinh danh các bà mẹ VN, mà cụ thể vinh danh mẹ trong mỗi gia đình mà từ đó chúng ta bước vào đời.
“Mẹ ơi thế giới mênh mông, mênh mông không bằng nhà mình, dù cho phú quý vinh quang, vinh quang không bằng có Mẹ….” Đó là lời kết của Nguyễn Bảo Tuấn vinh danh mẹ mình. Thật không có gì ấm áp và đẹp hơn. Có mẹ mới có ta, đó là định luật đã sắp đặt vào trời đất. Ngày của mẹ, ATB Tuần Báo cầu chúc quý độc giả có ngày dành cho mẹ một cách trọn vẹn.
Adelaide Tuần báo