Đã nhiều quan điểm nói đến việc thay đổi khí hậu (climate change) nhưng cần phải nói thêm, vì những gì đang xảy ra khiến nhiều người vẫn nhắm sai đối tượng trong việc đấu tranh làm giảm nhẹ trái đất đang bị hâm nóng. Dù chưa bước vào mùa Hè thế mà những vụ cháy rừng, cháy cây đã xảy nhiều nơi tại Úc, cụ thể tại NSW, Qld và Port Lincoln. Không chỉ thiệt hại tài sản mà cả sinh mạng con người. Việc cháy rừng lại một lần nữa, là nguyên cớ cho những người tích cực đòi thay đổi cách thức sản xuất năng lượng, hầu bảo vệ môi trường ở tình trạng tốt nhất.
Cụ thể họ đòi hỏi bỏ hoàn toàn dùng than đá, giảm dùng dầu thô và khí đốt. Thay bằng thủy điện, điện Solar hay điện gió etc.. Nhưng lại không bao giờ dùng điện Hạt nhân (Nuclear power)! Cái mà họ đòi hỏi thật ra quá lý tưởng, nhưng trong thực tế kỹ thuật chưa thể. Điện mặt trời chưa đáp ứng ngay cả cho từng gia đình thì làm sao nói đến cung cấp cho kỹ nghệ. Thủy điện tại Úc bị hạn chế vì ít sông ngòi và độ dốc của sông không là bao. Chỉ có Uranium với lượng dự trữ khổng lồ, nhưng chỉ để đem bán mà không dùng vì… sợ phóng xạ!
Những gì mà cánh Tả chủ trương hôm nay không thực tế. Trong khi họ càng làm khó cho chính phủ và nền kinh tế Úc, ấy là chưa nói đến tiền điện mà mỗi gia đình phải chịu, vì điện tạo ra do năng lượng sạch có giá thành rất cao so với bình thường. Trong khi NSW và Qld lo chữa cháy và cứu người thì một số cực Tả về môi trường chỉ xoáy quanh việc đòi hỏi chính phủ cũng như người dân Úc phải hành động ngay lập tức việc giảm thải khí độc vào không gian. Trong thực tế quốc gia Úc đã làm và làm xuất sắc. Thế nhưng đối với những người cánh Tả vẫn chưa đủ mỗi khi có vấn đề cháy rừng, nóng bức hay mưa bão lụt lội.
Thiển cận làm sao khi chỉ nhìn vào Úc mà không nghĩ rằng ngay bây giờ 25 triệu dân Úc ngưng hoàn toàn tác động vào môi trường, thì sự thay đổi khi hậu vẫn xảy ra. Bởi vì cả Úc Châu chỉ chiếm khoảng 1% khí thải trong khi 3 quốc gia TQ, Ấn Độ và Hoa kỳ lượng thải khí độc trên một nửa tổng số toàn cầu. Nghĩa là họ là những kẻ gây tác động mạnh và lớn nhất đến việc thay đổi khí hậu. Cho nên, nếu muốn bảo vệ khí hậu hãy phản đối các quốc gia đó, chỉ rõ đích danh, không thể nhắm sai đối tượng.
Cơ quan truyền thông ABC của Úc, nơi tập trung khá nhiều cánh Tả cực đoan, họ lên án những người bảo vệ quyền lợi cho Úc khi những người này nêu lên sự tương đối của sự thay đổi khí hậu. Thậm chí cánh Tả tổ chức biểu tình trước hội nghị của các chuyên gia kỹ nghệ hầm mỏ tại Melbourne mới đây để phản đối (một cách bạo động)! khi một thanh niên đi ngang qua (không phải là người tham dự đại hội) với quần áo chỉnh tề liền bị mắng nhiếc và đánh đập vì họ nghĩ thanh niên này làm việc cho công ty mỏ và đi dự hội nghị. Nhiều nhân viên (cánh Tả) của ABC đồng thuận với cánh Tả trong chương trình Q &A (hỏi và đáp) thậm chí còn tán dương khi kẻ quá khích tạt ly nước vào người cánh Hữu. Trong khi lên án người cánh Hữu có hành động tạt nước tương tự vào người cánh Tả. Đây có phải là thái độ và hành động chủ quan (bias) và giả hình (hypocrisy) chăng?
Trên The Advertiser 14/11/19 ký giả Clare Peddie với bài “Warning SA will not be liveable in 30 years” (Cảnh báo Nam Úc không thể sống được trong vòng 30 năm) khi bà này đề cập đến giáo sư Paul Ehrlick thuộc đại học Stanford với cuốn sách nổi tiếng The Population Bomb” (trái bom dân số). Sự hiểu biết của giáo sư Ehrlick về thay đổi khí hậu đặt cơ sở trên dân số và đó là nguyên nhân thảm họa sẽ xảy đến. Nếu nói rằng Nam Úc sẽ không thể sống nổi trong 30 năm nữa vẫn chưa thể xác định và càng không thể cho rằng chúng ta, những người dân Úc Châu tạo ra điều này. Hãy nhắm vào đối tượng các nước có dân số cao nhất như Ấn Độ và TQ và yêu cầu họ phải có trách nhiệm với trái đất trong việc thải khí độc. Hãy đến những khu kỹ nghệ, thành phố Ấn Độ và TQ sẽ thấy ai thả nhiều khí độc vào không gian. Trái đất sẽ được bảo vệ nếu chúng ta hết thảy ý thức nhưng nếu TQ và Ấn Độ vẫn được phép xả khói độc vào không gian thì sự cố gắng của ta đến mấy cũng không thể đạt mục tiêu.
Adelaide Tuần báo