Phải nói rằng, kể từ biến cố 11 tháng Chín năm 2001, thì dịch viêm phổi cấp tính Covid 19 còn nghiêm trọng hơn trên phạm vi toàn cầu. Hầu như ai cũng lo sợ, nếu không nói là hoảng loạn (panic). Covid19 xuất phát từ Vũ Hán TQ và lây lan đến hàng trăm quốc gia, nếu thống kê chính xác con số bị lây nhiễm có thể đến hàng triệu chứ không phải hàng trăm ngàn như chính phủ TQ báo cáo. Rất nhiều nghi vấn Covid19 do con người tạo ra và là thuyết âm mưu bị bại lộ. Vì đặc tính con virus này khác với những con virus bệnh cúm bình thường, kể cả virus gây bệnh SARS hồi 2002.
Trên Tờ The Australian ra ngày 7/3/20 chủ bút Paul Kelly có bài tựa:
Is the ‘panic factor’ going to be the most costly outcome?
(Có phải yếu tố hoảng loạn chính là cái giá đang diễn ra?) khi ông cho rằng sự nghiêm trọng của vấn đề không chỉ nằm ở chỗ nó nguy hại mà là chỗ làm cho mọi sự trở nên tồi tệ vì sự hoảng loạn không cần thiết của nhiều người. Phải nói rằng bệnh lây lan nhanh nhưng nỗi hoảng sợ lây lan nhanh hơn và có tác động tiêu cực hơn nhiều trên mọi lãnh vực. Cũng trên The Australian cùng ngày, nhà báo Alan Dupont chuyên viết về an ninh quốc gia với bài ‘Nowhere to hire’ (không có chỗ lẩn trốn) đã chỉ ra rằng dịch viêm phổi cấp tính này đang làm cho thế giới đối mặt với đợt khủng hoảng mới, không chỉ về y tế mà đủ mọi phương diện, kinh tế, tài chánh, chính trị xã hội. Nói chung nó đang là nguyên nhân của một đại khủng hoảng toàn cầu về mọi phương diện. Bức tranh thế giới đang thay đổi từng ngày, mặc dù mức độ tử vong do dịch cúm này không nghiêm trọng lắm và các nhà y học vẫn chưa nắm vững cách ngăn chặn và phòng ngừa một cách hiệu quả.
Nhìn vấn đề với sự bình tĩnh và sáng suốt ta có thể nói, sự nghiêm trọng của Covid 19 không thể coi nhẹ. Tuy nhiên sự hoảng loạn của tất cả mọi người sẽ chẳng giúp được gì cho sự ngăn ngừa lây lan mà còn tạo nhiều hậu quả tiêu cực không cần thiết cho chính cuộc sống của chúng ta. Hiện nay Úc Châu mới có độ trăm người nhiễm và tử vong chỉ đếm trên đầu ngón tay và số này thuộc diện già yếu, có tiền sử bệnh lý kinh niên hay đường hô hấp. Nếu so với con số tử vong do dịch cúm thông thường hàng năm thì chẳng là gì cả. Nên nhớ rằng ngay tại tiểu bang Nam Úc hàng năm có đến vài chục người chết vì cúm mà có ai hoảng loạn đâu. Vì đa số là những người già trong các viện dưỡng lão khi sinh lực cạn kiệt. Mặc dù giới y khoa chưa nắm chắc phương pháp trị liệu Covid19 nhưng họ rất bình tĩnh. Vì họ biết rằng sự nguy hiểm của nó chỉ ở mức độ nào.
Quan tâm phòng ngừa là việc nên làm và phải làm, tuân theo qui tắc, luật lệ ứng xử do bộ y tế đưa ra là cần thiết nhưng việc mua tích trữ giấy toilet là việc hết sức lạ và chẳng có ý nghĩa gì cả. Tại sao chỉ nghĩ rằng giấy toilet cần mà không nghĩ có nhiều thứ cần thiết hơn cho sức khỏe nếu sự cố xảy ra?
Nên nhớ rằng những sự cố đáng sợ nhất là nước, điện, gas bị cúp hoàn toàn hoặc là xăng dầu không còn bán. Tất cả những thứ ấy kéo theo muôn vàn hậu quả tai hại cho cả thành phố dù là nhỏ như Adelaide. Ông Paul Kelly nói rằng những phản ứng mang tính hoảng loạn và thiếu suy nghĩ của ta sẽ gây ảnh hưởng trầm trọng đến kinh tế, tài chánh của cả quốc gia nghĩa là ảnh hưởng đến chính ta theo vòng tròn.
Rủi ro có thể xảy đến với ta, ngay cả khi không đi đây đó hoặc tiếp xúc với đám đông. Đề phòng và trù liệu những thứ cần thiết cho khoảng 14 ngày cách ly là việc chúng ta có thể làm nhưng chỉ tích trữ giấy toilet có phải là áp lực hội chứng đám đông (public pressure symptom) chăng? Hãy nghĩ coi nếu nước bị cắt hoàn toàn thì cuộc sống ta sẽ ra sao? Thiếu nước sẽ chết, chứ thiếu giấy toilet mà có nước vẫn có thể dùng nước thay cho giấy toilet. Một cách suy nghĩ đơn giản như thế cho thấy việc tích trữ giấy toilet có cần thiết chăng. Trong việc chống Covid 19 cần những phương tiện y tế hiện đại và sự chuẩn bị sẵn sàng ứng phó, sức khỏe cần ổn định. Suy nghĩ và hành động đúng cách và đúng mức sẽ góp phần tích cực vào việc phòng chống Covid 19 một cách có hiệu quả hơn.
Adelaide Tuần Báo