Mấy tuần qua truyền thông đưa tin vụ việc Tổng Giám Mục (TGM) Phillip Wilson, chủ chăn Công Giáo Tổng Giáo Phận Adelaide bị tòa án Newcastle kết tội bao che (cover up) hành động xâm phạm tình dục thiếu niên, xảy ra khoảng 40 năm về trước. Vụ việc này làm chấn động Giáo hội Công Giáo (GHCG) Úc nói riêng và GHCG toàn cầu nói chung. Vì TGM Wilson là người có chức sắc cao nhất trong GHCG bị kết án về tội bao che. Trong quan điểm này chỉ có thể đề cập khái quát vấn đề.
Tưởng cũng nên biết, khi Linh Mục trẻ Phillip Wilson chưa đầy 30 tuổi làm phó xứ đạo cho cha James Fletcher thuộc Newscastle vào thập niên 70. Đã được một vài cậu bé giúp lễ (altar boys) báo cáo về hành vi xâm hại tình dục của cha James Fletcher đối với các thiếu niên này. Phillip Wilson hứa xem xét vụ việc nhưng rồi làm ngơ. Sự kiện này là mấu chốt của vụ kiện cáo mà tòa án Newscastle đã kết án Phillip Wilson tội bao che. Hiện nay TGM Wilson tạm ngưng trách nhiệm Tổng Giáo phận Adelaide.
Tưởng cũng nên nhắc lại, tình trạng xâm phạm tình dục (sexual abuse) của GHCG trong quá khứ với những nạn nhân hiện nay vào tuổi Ngũ, Lục tuần. Họ mạnh dạn nói ra những gì đã trải qua thời niên thiếu khi bị xâm phạm từ những người mà họ hết lòng tin tưởng. Cũng nên biết là, bối cảnh xã hội lúc bấy giờ rất khác, có thể người chủ mưu phạm tội coi nhẹ, thậm chí coi thường tiêu chuẩn luân lý đạo đức. Còn nạn nhân thì sợ sệt trước kẻ có quyền lực. Nhưng ta hiểu rằng hành vi xâm phạm người khác trái luân thường đạo lý, dù thời đại nào cũng là tội ác (crime), ngay cả người được báo cáo mà cố tình che đậy, cũng mang tội đồng lõa.
Nhìn vấn đề một cách trung thực: Là con người, dù trong các tôn giáo, luôn có thiện nhân và ác thú lẫn lộn. Ai chẳng mong muốn những chức sắc tôn giáo, (Công Giáo, Phật Giáo hay các tôn giáo khác) đều thánh thiện, đạo đức và mẫu mực. Nhưng ở đâu và thời đại nào cũng có người tốt, kẻ xấu, chỉ là ít hay nhiều. Cái mà chúng ta nên nhìn nhận là, một tôn giáo không thể tồn tại và phát triển nếu sự tốt lành không phải là cùng đích. Nhìn vào lịch sử Úc Châu, quan điểm trước đây đã nói, Quốc gia mới thành lập vỏn vẹn 230 năm, bắt đầu là những tội phạm bị đày ải đến từ Anh Quốc. Nền tảng nào đã làm cho Úc trở thành quốc gia văn minh, nhân bản và bao dung như hiện nay? Phải chăng Úc thừa hưởng nền văn hóa Tây Âu, mà nền văn hóa ấy đặt nền tảng trên tinh thần Ki tô Giáo. Cụ thể mà nói, nền giáo dục Úc Châu suốt từ khi lập quốc đến nay, ảnh hưởng hoàn toàn, nếu không nói rằng các trường Công Giáo và Anh Giáo đã ‘uốn nắn’ (shape) tính nhân bản và bao dung của dân chúng Úc. Nhờ vậy những người tỵ nạn hay di dân như chúng ta mới dễ được chấp nhận và có cơ hội định cư tại đây!
Nói thế để biết rằng, đừng nhìn một cá nhân nào đó, dù là ai, mà đánh giá tổng thể cả một tôn giáo. Giáo hội Công Giáo Úc đã cống hiến cho đất nước này biết bao tài năng, trí tuệ từ mạng lưới trường Công Giáo có mặt khắp nơi. Vô số Linh Mục, Tu sĩ, Nữ tu đã phục vụ xã hội trong nhiều lãnh vực như giáo dục, y tế… Phải nói rằng hầu hết các Thủ tướng, bộ trưởng Úc Châu đều xuất thân từ các trường Kitô giáo. Cái mà chúng ta không chấp nhận là, dù là ai, nếu phạm tội hay phạm luật thì phải nhận, xin lỗi, sửa sai, và thay đổi. Những chuyện xảy ra trong quá khứ dù không nhận thức vào thời điểm ấy. Nhưng những tổn thương không vì thế mà bỏ qua. Tổn thương chỉ có thể xoa dịu một khi hiện tại nhìn nhận và xin lỗi.
Trên The Advertiser ra ngày 30/5/18 có bài ý kiến (opinion) của Michael McGuire nói rằng TGM Wilson nên đặt quyền lợi Tổng Giáo Phận Adelaide lên trên chính bản thân mình. Ông McGuire nhắc lại lời Đức Giám Mục Vincent Nguyễn Văn Long, Giám Mục Giáo phận Parramatta (Sydney) phát biểu trong hội nghị Công Giáo Úc Châu hồi năm ngoái rằng: “Giáo Hội phải khai tử đường lối cũ, nó đã ngâm trong văn hóa giáo sĩ thống trị và đặc quyền, chúng ta phải từ bỏ mô hình cũ rích về một Giáo hội ‘cố hữu’ mà Giáo hội ấy thiên về loại trừ và chủ nghĩa ưu tiên” (Must die to the old way of being Church, which is steeped in a culture of clerical power, dominance and privilege. We must abandon the old paradigm of a fortress Church, which is prone to exclusivity and elitism). Lời Đức Cha Long phản ảnh tinh thần Công Đồng Vatican II và trở thành đường lối của Giáo Hội Công Giáo thế kỷ 21 mà Đức Giáo Hoàng Phanxicô đang nhiệt tình áp dụng. Hôm 18/5/18 trước mặt Đức Giáo Hoàng, 34 vị Giám Mục, Hồng Y của Chí Lợi đã xin từ chức, xin được tha thứ khi nhìn nhận những sai sót về vấn đề xâm phạm tình dục thiếu niên tại quốc gia Chile. Nhìn nhận sai lầm là bước đầu của thay đổi.
Đức TGM Anthony Fisher (Sydney) đã thay mặt cho GHCG Úc đồng thuận với Hội Đồng Hoàng Gia (Royal Commission) về vấn đề xâm phạm tình dục và tiến hành những bước kế tiếp để xoa dịu (healing) những đau thương, đổ vỡ đã gây ra. Các Giáo Hội Kitô Giáo khác cũng đồng ý tương tự.
Để kết luận, người Việt thường có câu: “Đi đạo là tin vào đạo, chứ không lệ thuộc và tin người có đạo”. Sự thử thách trong GHCG là một thực tại không thể tránh né. Người Ki tô Giáo hẳn nhiên học bài học từ Đức Giêsu, dạy các môn đồ thế nào là chân thiện mỹ đích thực, thế mà Ngài còn bị treo trên cây Thập Tự. Huống chi các tín hữu là chi, mà không phải đối diện với những thử thách? Sự khiêm tốn nhận ra thiếu sót, lỗi lầm và thành tâm sửa đổi, rất có thể lại là sức mạnh dẫn đến sự tốt lành hơn.
Adelaide Tuần Báo 6/6/18