Vấn đề nên hay không nên phân biệt người đồng tính vẫn được bàn cãi trong tôn giáo, ngoài xã hội cũng như chính trị tại Úc. Mặc dù luật cưới hỏi về đồng tính đã được thông qua, cho phép 2 người cùng giới tính (ít nhất là ngoại hình) có thể cưới nhau y như việc kết hôn (marriage) của 2 người khác phái. Tuần qua lại dấy lên tranh luận quanh bản tường trình mà chính phủ đã có trong tay hàng nửa năm nay, là có nên thành luật để bảo vệ các trường học tôn giáo được quyền từ chối, không nhận học sinh, giáo viên… biểu lộ đồng tính một cách công khai? Luật này sẽ ảnh hưởng như thế nào đối với bản thân những đứa trẻ mang dị tật đồng tính. Mà nếu không có luật để bảo vệ cho các tôn giáo thì cũng khó khăn cho họ khi phải đối diện với những vấn đề luân lý đạo đức và tự do luyến ái của người đồng tính, mà các tôn giáo không thể nhắm mắt làm ngơ.
Trên The Advertiser nhà bình luận cánh Hữu ông Andrew Bolt (11/10) cho rằng việc cho phép các trường học tôn giáo khai trừ hoặc không nhận vào học sinh, giáo viên, nhân viện có biểu hiện đồng tính luyến ái công khai, mà không xét yếu tố nhân bản là điều không nên. Một người được sinh ra họ không có khả năng chọn cho mình thuộc về giới tính nào, cho nên phân biệt đối xử là cách trừng phạt không công bằng. Nhưng cùng một lúc, nếu không có luật bảo vệ cho các tôn giáo được phép từ chối không chấp nhận, không coi quan hệ đồng tính ngang hàng với quan hệ nam nữ cũng là vấn đề nhức đầu. Điển hình thời gian qua tại Tasmania, một giám mục Công giáo chỉ giải thích rằng giáo hội không thể làm lễ cưới cho 2 người cùng phái, cũng không coi quan hệ ấy ngang hàng với quan hệ bình thường. Vị giám mục này đã bị hăm dọa đưa ra tòa vì phân biệt đối xử. Một tiệm bánh từ chối không làm bánh cưới cho đám cưới đồng tính có thể cũng bị xử phạt tội phân biệt đối xử. Chúng ta thấy vấn đề không đơn giản như nhiều người tưởng. Luật pháp Úc đã cho phép những người đồng tính được kết hôn và bình đẳng pháp lý trên mọi lãnh vực, thế nhưng luật pháp chưa hoàn chỉnh nhiều vấn đề khác kéo theo.
Đứng trên quan điểm nhân bản mà xét, mỗi cá nhân đều được tôn trọng như nhau. Một người được sinh ra là đồng tính hoàn toàn phải được đối xử như mọi người, không một lý do gì mà bị phân biệt đối xử, ngược lại cần phải được thương cảm vì những khuyết tật đó. Tuy nhiên trên phương diện tự nhiên và luân lý xã hội, việc cưới hỏi (marriage) là qui ước giữa nam và nữ đã được xã hội con người qui ước từ lâu. Và qui ước ấy hợp với thiên nhiên và tự nhiên. Cho nên những quan hệ khác không nên đồng hóa và coi giống nhau từ mọi khía cạnh. Tôn trọng và tế nhị trong cách cư xử mà không làm tổn thương cho nhau là chính. Một tiệm bánh không làm bánh cưới cho đám cưới đồng tính là quyền của họ, không vì thế mà bị xử phạt kỳ thị. Trái lại một người đồng tính phải được chọn nơi học của họ nếu họ đủ tiêu chuẩn và điều kiện. Một vị chân tu có thể bày tỏ quan điểm luân lý đạo đức cho bổn đạo nơi nhà thờ, chùa về thái độ của đạo giáo mình với quan hệ đồng tính mà không bị kết án là phân biệt đối xử.
Có những vấn đề trong cuộc sống mà chúng ta thường nói “bằng mặt chứ không bằng lòng”. Xã hội Úc hiện nay, mọi người chấp nhận kết quả trưng cầu dân ý về cưới hỏi đồng tính. Chúng ta tôn trọng, thực thi luật pháp đã ban hành nhưng không có nghĩa là mọi người phải đồng ý về quan niệm cưới hỏi đồng tính. Không nên cấm người khác bày tỏ quan điểm khác biệt dù những người đó là ai, thường dân hay các vị chức sắc trong các tôn giáo hay chính quyền.
Những người thiên Tả hoặc cực Tả (đa số thuộc đảng Xanh – Green Party) đã thắng thế trong vấn đề cưới hỏi đồng tính, họ muốn tiến xa hơn bằng việc bắt người khác phải ‘bằng mặt và bằng lòng’ cùng một lúc. Chính thái độ đòi hỏi quá đáng ấy khiến một số tôn giáo đề phòng, sợ bị tố cáo phân biệt đối xử cho nên họ muốn dùng luật để bảo vệ quyền hạn và chính kiến riêng của mình. Bằng cách vận động luật cho phép họ có quyền từ chối không nhận học sinh, giáo viên biểu hiện đồng tính công khai. Sự phức tạp thường nảy sinh khi mà chi tiết của những vấn đề đối chọi nhau đem ra mổ xẻ, so sánh và đưa lên bàn cân có tên gọi là ‘công bằng và nhân bản’.
Nói tóm, quyền tự do của mỗi cá nhân phải được tôn trọng. Ngược lại cá nhân ấy cũng nên hiểu rằng đồng loại của họ cũng là những cá nhân có quyền tự do bày tỏ thái độ. Mà tự do tư tưởng là phạm vi riêng không thể áp đặt. Thế nên, việc làm luật để chặn đứng những khác biệt và áp đặt lên nhau thật là phức tạp. Chính phủ dường như cho chìm xuồng vấn đề này vì những lãnh vực như kinh tế, thuế má, xã hội, chính trị của quốc gia quan trọng hơn. Hơn nữa Liên đảng đang cố gắng lấy lại tư thế đã bị siêu vẹo vì khủng hoảng nội bộ. Cho nên những vấn đề không hệ trọng cho lắm, có lẽ bị tạm gác một bên.
Adelaide Tuần Báo