Thăm dò mới nhất của Gallup Poll cho biết mức độ tin tưởng vào truyền thông đã sụt giảm một cách đáng kể, tại Mỹ chỉ còn 16% số người tin vào truyền thông là trung thực, con số này còn tệ hơn đối với truyền thông trên trang mạng và ti vi, chỉ còn 11%. Tại sao? Bởi lẽ truyền thông ngày nay đã rời xa tiêu chí của nó là sự trung thực, không còn loan tin một cách khách quan và thậm chí bóp méo sự thật, có chủ đích. Hiện tại truyền thông dòng chính tại Mỹ bị gán cho cái tên: fake news (tin giả).

Ai cũng biết truyền thông tại các nước độc tài phục vụ cho chế độ cai trị và nó trở thành công cụ tuyên truyền để duy trì quyền lực. Tiếc thay, truyền thông tại các quốc gia tự hào là tự do dân chủ cũng đang trở thành công cụ cho xu hướng Tả hay Hữu mà sự trung thực của nó không còn. Cụ thể tại Hoa Kỳ, các kênh truyền thông dòng chính như CNN, ABC, Washington Post, New York time, Time Magazine etc… đã không còn trung thực như trước. Họ chỉ loan truyền những điều mà họ nghĩ sẽ có lợi cho khuynh hướng riêng. Phải chăng chủ nhân của các cơ quan truyền thông này thuộc quyền sở hữu của những người có lợi ích với những thế lực thiên Tả?
Xã hội tự do dân chủ như Mỹ thường tự hào về quyền tự do thông tin. Nhưng thực tế đang mờ dần tính trung thực. Xu hướng thiên vị và thiên Tả thể hiện rõ nét trong nhiều kênh truyền thông dòng chính, dư luận cảm nhận được sự phản bội niềm tin. Thăm dò cho hay, ngay cả những người thuộc đảng Dân Chủ vốn thiên Tả cũng còn nhận ra truyền thông ngày nay không còn trung thực như trước, chỉ còn 35% những người theo đảng Dân Chủ, thậm chí chỉ có 5% thuộc đảng Công Hòa còn lòng tin vào truyền thông dòng chính.
Sự thất sủng về lòng tin nói lên điều gì khi mà truyền thông được coi là đệ tứ quyền? Nó khiến dư luận cảm thấy truyền thông không cùng đồng hành, không cùng phía mà trở thành thế đối chọi xa lạ khi thể hiện tính thiếu trung thực, không phản ánh được sự thật. Nếu không nói, đôi khi sự thật của vấn đề bị bóp méo, thâm chí bị dấu kín trong khi lại loan truyền sự dối trá, thêu dệt những chuyện không thật, nhằm đạt được mục tiêu riêng. Những đánh giá từ đa số dân chúng không thể sai khi họ nhận ra rằng truyền thông ngày nay bị cả một thế lực tài phiệt thao túng!

Cụ thể nhất ngay trên xứ sở Kangaroo này, kênh truyền thông ABC (Australian Broadcasting Corporation) News mặc dù được dân đóng thuế tài trợ để hoạt động, tất nhiên phải đại diện cho một sự trung thực đúng mức, vô tư trước mọi xu hướng, không thiên lệch hay chủ quan. Thế nhưng thực tế thì khác, ABC có hàng trăm, nếu không nói hàng ngàn nhân viên thiên Tả từ trên xuống dưới. Khuynh hướng thiên tả của họ lộ ra dưới nhiều hình thức khác nhau. ABC thường trích nguồn tin thiên tả của Mỹ và Âu Châu từ CNN, VOA, BBC… một thời được coi là trung thực nhất.
Khuynh hướng Tả đã từ lâu (vô tình hay cố ý) thấm sâu vào tư duy từ nền giáo dục tự do ở các nước Tây phương, đặc biệt là tại Hoa kỳ với nhiều thế hệ các nhà giáo có khuynh hướng tả khiến ngày nay đa số lớp trẻ được giáo dục và lớn lên, có thiện cảm và tự cho mình có khuynh hướng tả. Mặc nhiên họ tự nhận đại diện cho số đông, đấu tranh cho sự bình đẳng! Tư duy của lớp trẻ hôm nay được dung dưỡng trong môi trường tự do nhưng phát triển theo khuynh hướng thiên tả vì truyền thông và môi trường giáo dục đi theo hướng đó.
Oái ăm thay chính những người theo cánh tả lại ít khi nhìn ra chính mình mà lại nhìn ra kẻ khác. Mới đây Phóng viên nổi tiếng của truyền hình CNN, Fareed Zakaria viết trên tờ Washington Post: ” There is plenty of evidence that the Democratic Party has moved left“ (Có rất nhiều bằng chứng cho thấy Đảng Dân chủ đã tiến gần đến thiên tả) .Phải nói rằng sự chủ quan của mỗi cá nhân trong khi làm truyền thông sẽ ảnh hưởng như thế nào đến dư luận. CNN, ABC hay bất cứ cơ quan truyền thông báo chí nào đi nữa nếu không đặt tiêu chí trung thực lên trên những quyền lợi khác thì không còn là truyền thông đúng nghĩa, mà có thể ví, chỉ là bộ phận tuyên truyền.
Truyền thông phải khách quan và trung thực, không thể thiên vị và để cho xu hướng thống trị. Điều này không dễ nhận ra nhưng cũng không khó khi đặt lý tưởng tự do, dân chủ của quốc gia dân tộc và thế giới trên cùng một tần số. Người Việt Quốc gia dễ nhận ra sự thiếu trung thực của truyền thông vì chính họ đã bị truyền thông tuyên truyền cho sự giả dối, chà đạp sự thật về một chính nghĩa mà họ từng cưu mang, bị bức tử.
Adelaide Tuần Báo