
Mặc dù sở hữu đến 3.000 giai nhân xinh đẹp, tuy nhiên ít ai biết được rằng từ khi Tần Thuỷ Hoàng lên ngôi lúc 13 tuổi cho đến lúc băng hà ở tuổi 49, ngôi vị hoàng hậu vẫn luôn bị bỏ trống, vậy đâu là lý do thật sự khiến Tần Thuỷ Hoàng không lập hoàng hậu trong suốt những năm tại vị?.
Trong lịch sử phong kiến Trung Hoa, các bậc đế vương sau khi lên ngôi thường rất coi trong hai việc, thứ nhất là chọn người kết thừa và thứ hai là lập hoàng hậu. Có thể nói việc lập hoàng hậu và thái tử là một việc trọng đại, đây cũng được coi là phần cấu thành quan trọng trong bộ máy chính trị của một đế vương.
Tuy nhiên Tần Thuỷ Hoàng được xem là một trong những vị hoàng đế ngoại lệ, ông là người duy nhất không lập hoàng hậu. Sau này khi hậu thế khai quật lăng mộ cũng chỉ có duy nhất mộ của Tần Thủy Hoàng chứ không có phần mộ của hoàng hậu. Đây chính là một bí mật lịch sử khó giải.
Theo những tư liệu lịch sử Trung Quốc, từ khi lên ngôi hoàng đế vào năm 13 tuổi cho đến tận năm 22 tuổi, trong 9 năm này là khoảng thời gian mà đàn ông thời xưa phải lấy vợ, nhưng Tần Thủy Hoàng không hề lập hoàng hậu.
17 năm kể từ khi Tần Thủy Hoàng chấp chính cho đến năm ông 39 tuổi là khoảng thời gian ông tự mình nắm quyền, tiêu diệt 6 nước chư hầu, thống nhất Trung Hoa, cho dù bận quốc sự, việc lập hậu cũng không đến nỗi tốn công tốn sức, thế nhưng vị hoàng đế này vẫn không lập hoàng hậu.
Theo Sử ký “Lã Bất Vi truyện”, nguyên nhân khiến Tần Thuỷ Hoàng suốt đời không lập hoàng hậu là do yếu tố gia đình, theo ghi chép, Triệu Cơ (thân mẫu Tần Thủy Hoàng) vốn là tì thiếp của Lã Bất Vi, nhưng vì mưu đồ cá nhân nên Lã Bất Vi đã dâng tặng Triệu Cơ lúc đó đang mang thai cho Dị Nhân (tức Tần Trang Tương Vương).
Đến khi Tần Trang Tương Vương chết, Triệu Cơ thân là thái hậu nhưng vẫn tư thông qua lại với Lã Bất Vi. Tần Thủy Hoàng càng lớn, thái hậu càng phóng túng, dâm loạn. Về sau bà ta còn tư thông với Lao Ái – một tên giả làm thái giám để hầu hạ thái hậu, lại còn sinh 2 người con với hắn.
Hành vi phóng túng của mẫu thân đã khiến Tần Thủy Hoàng hổ thẹn, căm phẫn, nỗi phẫn uất bị đè nén trong lòng, hình thành nên một tính cách cực kỳ phức tạp trong con người ông.
Có lẽ điều này khiến cho Tần Thuỷ Hoàng trở thành một bạo chúa mất hết lý trí, cuối cùng bùng nổ dữ dội, giết chết hai người em cùng mẹ khác cha, đuổi mẹ khỏi Hàm Dương, đồng thời trút giận lên đầu Lã Bất Vi, bãi miễn chức vụ tướng quốc của ông ta, sau lại ra chiếu lệnh cho Lã Bất Vi “Lập tức đến đất Thục, không được chậm trễ”. Kết quả khiến Lã Bất Vi sợ bị giết mà phải uống thuốc độc tự sát.
Sau này đến lúc chết, Tần Thuỷ Hoàng dù có hối hận những vẫn không cho phép thái hậu trở về Hàm Dương. Điều này cho thấy, Tần Thuỷ Hoàng rất căm ghét mẫu thân. Vì sự oán hận đối với mẫu thân, khiến ông căm ghét tất cả phụ nữ, cố chấp trong hôn nhân.
Bởi vậy sau này dù hậu cung có đến 3.000 giai nhân, mỹ nữ từ 6 nước chư hầu nhưng Tần Thuỷ Hoàng chỉ coi công cụ để thỏa mãn nhu cầu sinh lý mà thôi, chứ ông mãi vẫn không lập hoàng hậu.

Tuy nhiên, ở một khía cạnh khác khi tìm hiểu về cuộc đời Tần Thủy Hoàng, nhiều bí mật khác được tiết lộ. Theo một sử sách khác ghi lại thì lý do khiến Tần Thuỷ Hoàng suốt 37 năm không lập hoàng hậu là do sự mất mát về người thương yêu có tên A Phòng khiến ông suốt đời thương nhớ người cũ, mà không có ai thay thế trong lòng.
Tương truyền, Tần Thủy Hoàng khi đó có tên là Tần Doanh Chính. Ông quen biết và đem lòng yêu A Phòng khi còn ở Hàm Đan – kinh đô nước Triệu. Bố của A Phòng là thần y Hạ Vô Thư nổi tiếng thời bấy giờ, từ nhỏ cô đã theo cha học y thuật cứu người. Cô có nhan sắc xinh đẹp, lương thiện và không căm ghét hay trút giận lên Doanh Chính như những người nước Triệu khác mà ngược lại A Phòng còn an ủi, chăm sóc và giúp đỡ ông rất nhiều.
Khi Doanh Chính rời nước Triệu về nước Tần thừa kế ngôi vua, hai người đành phải từ biệt mỗi người một ngả. Mãi đến sau này, A Phòng và cha cô có dịp tới nước Tần tìm thuốc, cô gặp lại Doanh Chính và hai người họ được ở bên nhau thêm lần nữa.
Doanh Chính năm xưa đã lên ngôi vua nước Tần nhưng không có thực quyền mà vẫn bị mẫu hậu và tướng quốc Lã Bất Vi thao túng. Ông muốn lập người con gái mình yêu là A Phòng lên làm hoàng hậu nhưng bị các đại thần trong triều một mực phản đối với lý do không thể để một người nước Triệu làm hoàng hậu nước Tần.
Tần Thủy Hoàng lúc này không biết phải xử trí ra sao, còn A Phòng sau khi chứng kiến Tần Thủy Hoàng vì chuyện này mà bị chèn ép thì đã treo cổ tự tử để người mình yêu không phải khó xử. Tần Thủy Hoàng vô cùng đau buồn, trong lòng vẫn nhớ thương A Phòng. Khi người yêu mất, ông đã lập lời thề cả đời không lập hoàng hậu.
Cái chết của A Phòng khiến Tần Thủy Hoàng vô cùng đau khổ. Vì vậy, sau này, khi đã thống nhất Trung Quốc, lên ngôi Hoàng đế và quyết định xây dựng một cung điện quy mô hoành tráng nhất trong lịch sử, Tần Thủy Hoàng mới dùng tên A Phòng để đặt tên cho tòa cung điện này như một cách tưởng nhớ người mà mình thương yêu.

Không còn A Phòng, tất cả những mỹ nhân khác dù có đẹp đến mấy cũng chỉ xứng làm trò tiêu khiển, chứ không có ai thay thế được mỹ nhân trong lòng ông, nên mãi đến sau này ông vẫn không lập hoàng hậu.
Tuy nhiên, cũng có người cho rằng vì muốn trường sinh bất tử nên Tần Thủy Hoàng mới kéo dài việc lập hoàng hậu, nhưng không ngờ rằng chưa kịp lập hoàng hậu đã chết.
Giải thích cho việc Tần Thủy Hoàng trong suốt 37 năm trị vì nhưng không hề một lần lập hoàng hậu có rất nhiều lý do được đưa ra, song không có nguyên nhân nào được ghi trong chính sử. Những suy luận hay quan điểm hiện nay chỉ dựa vào những bằng chứng và tư liệu còn lại để đưa ra những dự đoán hay ý kiến, còn đúng hay sai có lẽ câu hỏi này vẫn đang còn là một bí mật chưa tìm được lời giải thỏa đáng.