Mới đây, công ty Henley & Partners chuyên về định cư và công dân có 30 văn phòng trên toàn cầu mà trụ sở chính tại London đã xếp thứ hạng Passport của 107 nhóm quốc gia trong đó Passport (Hộ chiếu) Viêt Nam xếp hạng thứ 90 tức gần chót, gần rơi vào nhóm quốc gia bị xếp vào loại “hộ chiếu yếu nhất”. Tính riêng trong khu vực Đông Nam Á, quyền lực passport của Việt Nam chỉ hơn Lào (vị trí thứ 92) và xếp sau cả Campuchia (hạng 88). Trong khi Nhật Bản, Singapore và Hàn Quốc là 3 quốc gia Á Châu được xếp hạng Nhất, Nhì và hạng Tư trên toàn cầu.
Không so bì với Nhật là quốc gia có uy tín và bản lãnh cao được nể phục hàng trăm năm qua. Chúng ta tự hỏi, Singapore và Hàn Quốc là 2 quốc gia mà mới năm nào, họ còn ngước nhìn lên nước VNCH chúng ta, thế mà sau ngày gọi là ‘thống nhất 30/4/1975’, nước ‘Cộng Hòa xã hội chủ nghĩa VN’ bây giờ ngước nhìn lên Singapore và Hàn Quốc mà phát thèm!
Hãy tìm hiểu Passport mạnh và yếu là do đâu. Nhìn vào Nhật để thấy tại sao Passport của họ có giá trị. Một quốc gia không chỉ mạnh về kinh tế mà chiều sâu văn hóa, đạo đức của họ thuộc loại top khiến cả người Tây Phương còn phục. Người Nhật rất kỷ luật trong cung cách sống và làm việc. Họ coi danh dự, đạo đức, tư cách là những thứ không bao giờ bị lu mờ trước những tư lợi nhỏ nhen. Họ học hỏi những cái hay từ văn Hóa Tây Phương nhưng không bao giờ bị đồng hóa hay bị lai căng. Chỉ sơ lược những thứ ấy thôi cũng đủ để các quốc gia trên thế giới coi trọng người Nhật và cho phép (ra vào các quốc gia của họ) một cách thoải mái mà không đòi hỏi Visa. Singapore dưới triều đại của cố Thủ Tướng Lý Quang Diệu cũng tiến đến cùng một cách thức tương tự mạnh về kinh tế, kỷ cương về xã hội, đạo đức về nhân bản. Còn Hàn Quốc cũng thế, dưới thời cố Tổng Thống Phác Chính Hy (thập niên 70) đã mượn nguyên chương trình giáo khoa của Nhật để áp dụng và Nam Hàn đã tiến nhanh như thế nào cả về kinh tế lẫn văn hóa, xã hội. Tư cách và uy tín của 3 quốc gia này được cộng đồng thế giới đánh giá cao. Đặc biệt 10 quốc gia mà có passport mạnh nhất đều là những quốc gia tự do và dân chủ (3 Á Châu, 7 Âu Châu) mạnh về kinh tế nhưng quan trọng hơn là nền tảng xã hội đạo đức tư cách và uy tín của họ rất cao.
Nhìn vào Việt Nam, chúng ta khỏi phải bàn, vì câu trả lời đã có sẵn, khi mà nền tảng xã hội rỗng tuếch, đạo đức suy đồi. Văn hóa phải định hướng theo một cái gì đó trái với sự thật, trái với bản tính tự nhiên của dân tộc. Thì kết quả sản sinh những thế hệ thiếu tự hào, thấp bé về tư cách, nếu không nói là nhỏ nhen và ích kỷ, là chuyện bình thường. Còn kinh tế, nhìn có vẻ phát triển nhưng cũng y như TQ, sao chép làm hàng nhái, tính gian dối lừa gạt và nơi công cộng thì ồn ào như chỗ không người. Thế nên việc đi ra nước ngoài của người Việt không được cộng đồng quốc tế đón nhận cũng là chuyện bình thường. Đấy là chưa nói đến người Việt đi ra nước ngoài đều muốn… đi luôn, hoặc tìm cách di dân, thậm chí đi lậu, hay trốn ở lại trong khi đi du lịch. Ngay cả mới đây chuyến bay (chuyên cơ) của chủ tịch quốc hội VN bà Kim Ngân đến Nam Hàn với phái đoàn có trên trăm người, đã có 9 người trốn lại không chịu về! Nếu để cho dân VN từ trong nước ra đi thì có lẽ 90 triệu người chẳng mấy ai muốn về.
Hoàn toàn không ngạc nhiên khi passport VN còn đứng sau cả Campuchia. Vì người VN hiện nay còn mong được qua Campuchea để sinh sống. Thế thì vấn đề gì là mấu chốt ở đây. Hãy tự hỏi có quốc gia nào là chế độ độc tài chuyên chế như cs mà Passport của họ được coi là mạnh? Không hề có, kể cả Liên xô ngày xưa và nay siêu cường csTQ. Họ có mạnh về kinh tế và quân sự cỡ nào đi nữa thì sức mạnh Passport cũng bị giới hạn trên lãnh vực uy tín về lòng tự trọng và tính kỷ cương; tư cách và đạo đức; văn hóa và mức độ nhân bản. Chúng ta không thể mong VN có được những thứ ấy nếu cấu trúc xã hội không thay đổi và tư duy con người không được phát huy đúng với tinh thần dân tộc mà cha ông đã để lại. Bản chất của người VN không nghèo những giá trị mà người Nhật, Singapore hay Nam Hàn đang có. Nhưng người Việt Nam không có những lãnh tụ và cơ hội được phát triển đúng với bản chất có sẵn của mình.
Adelaide Tuần báo